Y tế

Chân teo nhỏ, khớp thoái hóa vì “ngại” khám sau chấn thương chơi thể thao

21/06/2022, 18:10

Nếu phát hiện sớm hoặc mức độ tổn thương sau chơi thể thao vừa phải, đến 80-90% không phẫu thuật, chỉ cần vật lý trị liệu, phục hồi chức năng…

Khó phục hồi vì “ngại” đi khám

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên, gần đây, nơi đây tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp chấn thương do chơi thể thao, trong đó chủ yếu ở lứa tuổi từ 20-35. Chấn thương thường gặp ở người tham gia các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, đấm bốc, chạy bộ, đi xe đạp, tập yoga, erobic...

img

Điều đáng tiếc là đa số các ca chấn thương thể thao đến viện muộn (ảnh minh họa)

Điều đáng tiếc là đa số các ca chấn thương thể thao đến viện muộn. Có người bị chấn thương 3 tháng, hoặc lâu hơn, thậm chí đã đi chữa thuốc nam, đắp lá, chườm lạnh… nhưng bệnh nặng nề hơn mới tìm đến bệnh viện.

Phần lớn các trường hợp tới viện muộn đều phải phẫu thuật và điều trị phục hồi chức năng lâu dài, nhưng cũng có người để lại hậu quả trở thành mãn tính, khó phục hồi.

Hiện đang nằm điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên, anh Đ.V.T (36 tuổi, Bắc Ninh) cho biết, cách đây 2,5 tháng, anh chơi đá bóng và trong lúc nhảy lên đỡ bóng, khi tiếp đất thì thấy đau buốt. Nhưng sau đó, do vẫn đi lại bình thường nên anh không đi khám.

Tuy nhiên, 1 thời gian sau, mỗi lần vận động mạnh anh thấy đau buốt cổ chân nên mới tới bệnh viện tuyến tỉnh để thăm khám, điều trị nhưng không cải thiện và được chuyển về BV Việt Đức. Tại đây, anh T. được chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước, rách sụn, và chỉ định mổ nội soi.

“Dù đã được phẫu thuật, song do điều trị muộn nên chân của bệnh nhân có dấu hiệu teo nhỏ hơn chân trái, mất cơ và yếu, khó khăn khi gồng. Bệnh nhân được chỉ định tập phục hồi chức năng sau ra viện”, BS. Khánh cho biết.

Thanh niên 25 tuổi nhưng khớp người già

PGS. Khánh cho hay, không ít bệnh nhân dù rất trẻ 25-26 tuổi khi đến khám xương khớp đã như người già do trước đó từng bị chấn thương ở khớp gối và khớp cổ chân. Nhiều bệnh nhân chia sẻ, biết có tổn thương nhưng không khám và quá ham mê thể thao nên cố chơi. Với khớp lỏng lẻo lại vận động mạnh càng khiến người bệnh tăng nặng viêm, thoái hóa và tăng tiết dịch. Những trường hợp này tiên lượng sẽ thoái hóa sớm, đau nhiều, dễ dàng biến dạng chi dẫn đến chân cong, không duỗi được hết gối hoặc không gấp được gối.

Theo khuyến cáo của BS. Khánh, không phải trường hợp bị chấn thương thể thao nào đến viện cũng phải phẫu thuật. Bởi nếu phát hiện sớm hoặc mức độ tổn thương vừa phải, đến 80-90% bệnh nhân không cần phẫu thuật, mà chỉ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng…

Phẫu thuật thường chỉ định với nhóm chấn thương tương đối nặng như: Đứt dây chẳng khớp gối, cổ chân, khớp vai, ngoài xương cách tay, trật khớp vai, chật xương bánh chè, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc sau khớp gối…

“Khi người bệnh có những biểu hiện đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị.

Đặc biệt, người bệnh không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp. Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau”, BS. Khánh lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.