Chuyện dọc đường

Chẳng có ốc đảo bình yên nào riêng cho con bạn

09/08/2019, 06:45

Chuyện xảy ra ở trường Gateway lần này lại mang đến một nỗi lo sợ mới. Ấy là chuyện đi lại của bọn trẻ.

img
Vỉa hè không dành riêng cho người đi bộ cũng như cho trẻ đi học là chuyện không còn lạ lẫm. Ảnh: K.Linh

Một đứa trẻ vừa tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway, nơi học phí mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Câu chuyện khiến dư luận bàng hoàng, đau xót, hoang mang, lo lắng. Nhiều người bạn của tôi, không chỉ là các bà mẹ, mà cả các cô gái chưa từng có con, các ông bố với vẻ ngoài cứng rắn... đều đã khóc.

Có những nhà, hai vợ chồng ngồi khóc cùng nhau. Họ thương đứa trẻ mới 6 tuổi đã bị cướp đi khỏi vòng tay bố mẹ và họ giật mình lo cho chính những đứa con của họ, dù hôm nay chúng vẫn đang an toàn.

Tôi đọc thấy rất, rất nhiều sự phẫn nộ dành cho người lái xe, cô đưa đón trẻ, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường và cả nền giáo dục. Thậm chí, có cả những trách móc nặng lời dành cho cha mẹ đứa trẻ vô tội.

Đây không phải là lần đầu dư luận phẫn nộ, hoang mang về những vấn đề liên quan đến chuyện học hành. Và, mỗi khi trường công có vấn đề thì các bố mẹ nhao lên tìm cách kiếm tiền để cho con ra trường tư. Đến khi trường tư có vấn đề gì thì lại sôi sục đòi quay về trường công.

Thực tế thì ở đâu cũng không thể an toàn tuyệt đối được, nhưng có một điều là tâm lý nơm nớp lo lắng cho con cái cứ luôn thường trực trong lòng, dù là bố mẹ nghèo hay bố mẹ có tiền, thậm chí là có rất nhiều tiền.

Và chuyện xảy ra ở trường Gateway lần này lại mang đến một nỗi lo sợ mới. Ấy là chuyện đi lại của bọn trẻ.

Bà Debra Efroymson, Giám đốc Văn phòng HealthBridge khi mới sang Việt Nam đã từng ngạc nhiên: “Không hiểu sao trên đường phố Hà Nội không có trẻ em đi bộ?”. Điều này không bình thường với bà Debra bởi lẽ mỗi ngày, trên đường đi học, lũ trẻ chỉ được thấy… mỗi lưng của mẹ. Nhưng chuyện này đâu có lạ với tất cả chúng ta. Bởi, mấy ai dám thả con ra đường một mình với tình trạng giao thông hiện nay.

Thật buồn khi tôi nói về một con đường đi bộ an toàn đến trường ở Hà Nội, hầu hết mọi người đều nói là không thể, dù trên thực tế, “có thể” hay “không thể” phần nào đó phụ thuộc vào chính họ.

Người ta sẽ ngồi yên và đổ lỗi, tiếp tục hành động một cách vô trách nhiệm như thể vô can. Và, họ sẽ tảng lờ khi thấy những người khác chiếm chỗ trên vỉa hè để làm quán ăn, để xe máy; hoặc chính họ làm những điều đó.

Họ, sẽ vẫn tìm mọi cách để con mình được vào một trường học cách xa nhà hàng chục cây số vì ở đó nghe nói tốt đẹp hơn, làm cho giao thông mỗi ngày một quá tải thêm.

Họ, dù khóc thương đứa trẻ vừa chết oan ức kia, vẫn có thể sẽ nhấn ga tranh đường của một đứa trẻ khác đi bộ sang đường mà không hề cảm thấy có lỗi. Bởi, khóc thương bao giờ cũng dễ hơn hành động.

Nhưng thật may mắn, khi tôi biết vẫn có những người vật vã, đau đáu làm gì đó để thay đổi. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh và Hội Kiến trúc sư Hà Nội, những người bạn của ông, những chuyên gia nước ngoài và không ít bạn trẻ tình nguyện là những người như thế. Họ đã làm mọi cách, kết nối với chính quyền, thuyết phục người dân để có những làn đường riêng cho trẻ đi bộ đến trường an toàn. Sau khi thí điểm tại phường Hạ Đình chưa được như mong đợi, hiện nay dự án đang nhận được sự ủng hộ của chính quyền quận Hoàn Kiếm.

Trước hết là một cổng trường an toàn, rồi sau đó làm rộng ra, từ đoạn nhỏ đến đoạn lớn, từ phường lan ra quận, rồi trẻ có thể đi từ nhà đến trường an toàn, thân thiện. Vị kiến trúc sư này chia sẻ: “Chính những người làm cha, làm mẹ phải là những người lên tiếng và hành động vì con em mình trước. Đừng chỉ chờ đợi ai đó sẽ giúp con mình!” .

Tất nhiên, có đường rồi còn cần dạy trẻ có kỹ năng, cần gia đình hỗ trợ và cộng đồng giám sát. Còn rất, rất nhiều điều nữa mà chúng ta, cả gia đình, cả xã hội sẽ phải làm cùng nhau, cùng thay đổi.

Không phải chỉ là chuyện đi lại, học hành mà phải là thay đổi một thái độ sống.

Phải bồi đắp kỹ năng mềm cho trẻ để chúng không chỉ biết là tránh xa mà đủ sức vượt qua những thử thách, cạm bẫy. Bởi trong xã hội này, có ốc đảo nào bình yên chỉ riêng cho con bạn?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.