Giao thông

Chặng đường tự hào và đòi hỏi tiếp tục đổi mới

29/01/2018, 09:00

Kỷ niệm 55 năm ra số báo đầu, nhiều bạn đọc và thế hệ lãnh đạo ngành GTVT chia sẻ tình cảm đặc biệt.

11

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn:  

Tờ báo ngày càng sâu sắc và đa chiều

Thời tôi làm Bộ trưởng GTVT, tôi luôn đánh giá Báo Giao thông (tên trước đây là Báo Giao thông vận tải) hoạt động tuân thủ tuyệt đối tôn chỉ, mục đích, dù đôi khi cũng có thể bị xem là “bảo thủ” khi chưa mạnh dạn mở rộng diện thông tin ra ngoài ngành. Vài năm gần đây, thực sự Báo Giao thông đã đổi mới rõ rệt, thông tin đa dạng, kịp thời, nhiều bình luận sắc sảo, gắn liền với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với ngành GTVT.

Từ góc độ người đọc, tôi thấy báo có sự vượt trội hơn so với nhiều tờ báo ngành khác. Những vấn đề mới trên thế giới, chẳng hạn như về cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được báo phân tích, mổ xẻ và liên hệ với ngành GTVT.

Ngoài thông tin được vấn đề chung của đất nước, Báo Giao thông đã không né tránh những vấn đề gai góc của ngành, kể cả những vấn đề đang là tâm điểm, chịu phê phán chỉ trích từ dư luận xã hội. Tờ báo đã có những bài phân tích, bình luận cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin để dư luận hiểu đúng, không như nhiều tờ báo chỉ thông tin một chiều.

Như vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT mà dư luận rất quan tâm gần đây. Nghị quyết Trung ương đã xác định phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là 1 trong 3 giải pháp đột phá chiến lược của đất nước. Trong khi chưa có luật, chưa có đủ hành lang pháp lý, mà đáng ra thuộc trách nhiệm của bộ, ngành khác phải xây dựng, nhưng Bộ GTVT đã chủ động đề xuất và được các cấp, ngành, địa phương đồng ý. Khi triển khai cái mới, chắc chắn không tránh khỏi việc có cái đúng, cái sai, nhưng đáng tiếc là nhiều báo chỉ thông tin một phía, chuyển “từ tả sang hữu”, khiến dư luận hiểu sai về chủ trương đầu tư theo hình thức BOT. Khi đó, Báo Giao thông đã có những loạt bài viết khá đầy đủ, thuyết phục để bản đọc hiểu rõ bản chất vấn đề BOT.

Mảng truyền thông về ATGT cũng được Báo Giao thông làm tốt, tạo thành kênh tuyên truyền hữu ích về ATGT đến xã hội, người dân, đóng góp vào thành công kéo giảm số người chết vì TNGT xuống dưới ngưỡng 9.000 người trong những năm vừa qua.

Thời gian tới, tôi mong Báo Giao thông nâng cao chất lượng, giữ vững bản sắc tờ báo. Trong lĩnh vực GTVT, báo cần tiếp tục truyền thông sâu sắc đa chiều hơn nữa những vấn đề của ngành. Cần chú ý một số nội dung như làm thế nào để tạo đột phá cho dịch vụ logistics; kết nối tốt hơn các loại hình GTVT; đề cao vai trò văn hóa của dân tộc gắn với xây dựng văn hóa giao thông.

Huy Lộc (Ghi)

12

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng:

Tôi thấy ở tờ báo sự nghiêm túc và giàu tính nhân văn

Việt Nam vừa tổng kết 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) cũng là kỷ niệm 10 năm giành lại mạng sống cho hàng nghìn người tham gia giao thông. Ban đầu, chủ trương này gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai trên cả nước, nhiều người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của MBH. Chính sách đã có nhưng dư luận phản ứng rất mạnh và cả báo chí cũng có lúc chưa đồng thuận ủng hộ quy định này.

Phải đến khi quy định được “luật hóa” tại Nghị quyết 32/2007, tạo nên khung pháp lý vững chắc, một chương trình tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm rộng khắp đã được triển khai mạnh mẽ, liên tục trên toàn quốc, cả hệ thống chính trị vào cuộc…, mới có được thành công như chúng ta đã biết. Khi đó, là Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, tôi nhớ rõ việc báo chí đã đi từ phản đối sang ủng hộ chủ trương này như thế nào. Báo chí đã góp phần định hướng dư luận, thuyết phục người dân đồng thuận với Chính phủ.

Trong đó, Báo Giao thông có vai trò tiên phong. Là tờ báo có uy tín, trách nhiệm trong việc đưa thông tin an toàn giao thông tới mọi người dân, Báo Giao thông đã dành thời lượng lớn tuyên truyền cho chiến dịch và đã có những bài báo phản bác lại các quan điểm chưa đúng để bảo vệ cho một chủ trương đúng đắn, giàu tính nhân văn.

Tôi rất ấn tượng với Quỹ Chung tay vì ATGT do báo thành lập, hàng năm huy động và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng tới những số phận cần cứu giúp. Những hoàn cảnh khó khăn của người lao động trong ngành và những nạn nhân gặp TNGT sẽ rất ấm lòng khi nhận được sự sẻ chia kịp thời. Chương trình này vừa có nghĩa xã hội lớn, thể hiện trách nhiệm của những người làm Báo Giao thông, góp phần tạo nên thương hiệu một tờ báo nghiêm túc và giàu tính nhân văn. Đây là việc không phải báo nào cũng làm được.

Trần Duy (Ghi)

13

GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT

GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT:

Người bạn đường tin cậy

Tin tức về giao thông trở thành câu chuyện thường nhật của cả cộng đồng. Báo Giao thông vì thế được mọi người quan tâm đón đọc. Nhưng những độc giả trung thành và gắn bó nhất đối với tờ báo, phải nói đến trước tiên, chính là hàng triệu người lao động toàn ngành GTVT...

Trong những năm qua, Báo Giao thông đã làm rất tốt vai trò là cơ quan ngôn luận chính thức của ngành GTVT. Tờ báo không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ phản ánh, truyền thông về một mảng đời sống rộng lớn, đầy sôi động và nóng bỏng, mà quan trọng hơn là đã làm tốt chức năng truyền thông định hướng với trọng tâm là việc chuyển tải và minh họa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cùng với những quyết sách và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành, nhằm từng bước phát triển GTVT hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội, trong xu thế cạnh tranh và hội nhập.

Tờ báo đã có được một đội ngũ đông đảo các biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên nhiệt huyết, năng động và rất chuyên nghiệp. Nội dung, hình thức của báo ngày càng phong phú, nâng cao và đổi mới.

Với tôi, Báo Giao thông thực sự đã trở thành người bạn đường tin cậy cùng khởi hành trong mỗi ngày mới.

14

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường:

Có sức lan tỏa sẽ khẳng định được mình

Trải qua 55 năm thành lập, Báo Giao thông nhiều lần thay đổi tên gọi nhưng các hoạt động của báo luôn gắn liền với quá trình phát triển của ngành GTVT, một ngành có tính xã hội hóa rất cao. Báo luôn phản ánh rất trung thực, đầy đủ các hoạt động của ngành GTVT ở tất cả lĩnh vực.

Những năm gần đây là thời gian báo bứt lên mạnh mẽ, để trở thành một tờ báo thực sự hấp dẫn người đọc. Trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ GTVT, công việc rất nhiều, nhiều lúc không đủ thời gian đọc hết các báo nhưng ngày nào tôi cũng đọc Báo Giao thông. Những vấn đề lớn của đất nước luôn được báo phản ánh kịp thời và các hoạt động của ngành thì không bỏ sót. Các bài viết trên Báo Giao thông khá đa dạng, hấp dẫn và có nhiều thông tin bổ ích giúp cho lãnh đạo có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình chỉ đạo, quản lý hoạt động của ngành GTVT. Nhiều vấn đề được báo mổ xẻ, so sánh với thế giới rất sinh động khiến người đọc thêm hiểu biết và tránh cách đánh giá phiến diện.

Tôi mong muốn thời gian tới, Báo Giao thông tăng cường nội dung phản ánh các lĩnh vực vẫn thường không nhận được nhiều quan tâm của dư luận như đường sông, đường sắt… Đồng thời, tiếp tục tăng cường nhiều bài viết về việc phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong công tác phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các vấn đề nóng hiện nay như xã hội hóa đầu tư hạ tầng để có sự tương tác tốt hơn nữa giữa cơ quan quản lý Nhà nước và người dân.

Bên cạnh đó, báo cần tiếp tục phản ánh kịp thời các tấm gương người tốt, việc tốt cũng như các vấn đề còn tồn tại trong quá trình hoạt động của ngành GTVT để bạn đọc nắm bắt đầy đủ, toàn diện.

Đình Quang (Ghi)

Dấu mốc phát triển

Năm 1963: Báo Giao thông vận tải ra số đầu tiên sau khi được cấp giấy phép xuất bản trên cơ sở hợp nhất một số tờ báo trong ngành như Báo Hỏa xa thuộc Tổng cục Đường sắt, báo Xe hơi thuộc quốc doanh vận tải Trung ương, bản tin Bưu điện thuộc ngành Bưu điện. Ông Bùi Quang Đệ, Chánh Văn phòng Bộ GTVT làm Chủ nhiệm Báo. Báo ra 8 trang vào thứ năm hàng tuần.

Năm 1969 - 1975: Trong chiến tranh, báo xuất bản tháng 2 kỳ hoặc 3 kỳ. Lãnh đạo Bộ cử nhiều đồng chí phụ trách báo trong từng thời kỳ.

Năm 1990: Báo Giao thông vận tải đổi tên thành Báo Giao thông vận tải và Bưu điện. Ông Ngô Đức Nguyên làm Tổng biên tập.

Năm 1993: Báo trở lại tên gọi Báo Giao thông vận tải.

Năm 1994: Báo tăng từ 8 lên 12 trang.

Năm 1999: Báo tăng từ 12 lên 16 trang.

Năm 2001: Báo tăng kỳ từ 1 kỳ/tuần lên 2 kỳ/tuần/12 trang. Ông Nguyễn Văn Lưu làm Tổng biên tập.

Năm 2004: Báo ra phiên bản điện tử giaothongvantai.com.vn

Năm 2005: Báo tăng từ 2 lên 3 kỳ/tuần.

Năm 2010: Báo tăng từ 3 lên 4 kỳ/tuần.

Năm 2012: Chuyển nguyên trạng Báo Bạn Đường vào Báo Giao thông vận tải. Ông Nguyễn Hồng Việt làm quyền Tổng biên tập.

Năm 2013: Đổi tên thành Báo Giao thông, ra bộ mới, tăng trang từ 12 lên 16 trang; Năm 2015: Báo Đường sắt và các tạp chí: Đường bộ VN, Hàng hải VN, Hàng không VN, Đăng kiểm, Đường thủy nội địa VN chuyển về Báo Giao thông theo Quyết định số 1016/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về sắp xếp báo, tạp chí thuộc Bộ GTVT. Báo điện tử thay giao diện và tên miền thành baogiaothong.vn. Báo Giao thông tăng lên 5 kỳ/tuần với ấn phẩm mới Giao thông cuối tuần. Ông Nguyễn Bá Kiên làm Tổng biên tập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.