Trần Văn Việt bên các tác phẩm bonsai handmade
Với những bệnh nhân máu khó đông, những cơn đau luôn bất chợt xuất hiện, hành hạ nên để được lao động là mong ước, nỗ lực không ngừng nghỉ... Và chàng trai 9X mang tên Trần Văn Việt (Phú Thọ) là một trong người truyền cảm hứng lao động cho nhiều bệnh nhân máu khó đông.
Không muốn là gánh nặng cho gia đình
Với cha mẹ Trần Văn Việt, nỗi đau nhân đôi khi sinh thêm cậu con trai thứ 3 lại cùng mang gene bệnh như chính người anh trai. Khi Việt khoảng 3 tháng tuổi, thấy con giống anh thường xuyên xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể, cha mẹ quyết định đưa con đến bệnh viện thăm khám, tuy nhiên cũng chỉ xác định tình trạng dễ chảy máu.
“Em nghe mẹ kể lại, bác sĩ nói không có cách nào để điều trị, nên bố mẹ đành chấp nhận ôm con về mà không rõ căn bệnh em cũng như anh trai mắc là gì”, Việt cho biết.
Và tuổi thơ của Việt cứ dần trôi nơi làng quê nghèo với những cơn đau hành hạ trên cơ thể do căn bệnh mang lại. Năm 2007, trong 1 lần bị tai nạn, dù vết thương nhẹ do răng vập vào môi nhưng Việt chảy máu mãi không ngừng.
Cậu được cha mẹ đưa tới khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, sau đó được chuyển về Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. “Sau bao năm mang bệnh, đó là lần đầu tiên em biết chính xác mình mắc căn bệnh rối loạn đông máu Hemoliphia và được chăm sóc y tế”, Việt chia sẻ.
Cũng từ đó, đều đặn hàng tháng, Việt có mặt ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để truyền chế phẩm máu, thuốc. Tháng nào cơ thể khỏe thì 1 lần, khi yếu thì 2 - 3 lần/tháng đến viện. Việt cho hay: “Năm kia, có tháng em nằm viện suốt 28 ngày vì bệnh bùng lên. Được đi chữa trị cũng là lúc em quyết định nghỉ học vì sức khỏe không cho phép và gia đình rất khó khăn”.
Vừa điều trị, Việt vừa kiếm việc làm thêm, khi thì bưng bê hàng ăn uống, lúc thì rửa xe, làm xe ôm công nghệ, thậm chí cả đi làm thợ xây - một công việc hết sức nặng nhọc và nhiều nguy cơ tổn thương đối với người mang bệnh như Việt…
Trong một lần lang thang trên mạng, Việt bị cuốn hút bởi các tác phẩm cây bonsai handmade được làm từ chất liệu dây đồng và lóe lên ý nghĩ “mình phải thử sức”.
Lần mò tìm kiếm “thầy”, Việt tìm đến với Nghệ nhân Lê Duy Đức. “Khi đó, anh Đức đang sống và làm việc ở miền Nam, nhưng mê các tác phẩm của anh nên em cứ mạnh dạn inbox. Không ngờ em lại nhận được sự đồng ý truyền nghề của thầy. Em chính thức bén duyên từ đó”, Việt chia sẻ.
Tuy nhiên, vì chỉ liên lạc qua điện thoại, nên kỹ thuật làm chỉ truyền đạt phần nào đó… Việt lại tự mày mò, dồn cả số tiền dành dụm được để mua dây đồng. Những sản phẩm đầu tiên ra đời mà như lời Việt thổ lộ “ngây ngô và thô sơ lắm, rút cục lại mang đi bán đồng nát”.
Khó khăn nhất với chàng trai này là những ngày đầu đến với công việc làm cây bonsai, bỏ tất cả đam mê, thời gian vào đó mà thu nhập lại chưa có nhưng mỗi ngày vẫn phải đối mặt với nỗi lo cơm áo và cả tiền đi viện.
Không nản, Việt tiếp tục say sưa với công việc, dần dà các sản phẩm không còn vứt bỏ nữa mà được bạn bè, người quen hỏi “xin”. “Họ xin cũng đồng nghĩa là họ cảm thấy sản phẩm của mình đẹp. Đó là niềm vui và động lực để em cố gắng hơn”, Việt cho hay.
Gửi gắm tâm sự vào các tác phẩm bonsai
May mắn đến với Việt khi một thời gian sau đó, “thầy” Đức từ miền Nam về Sơn La lấy vợ. Vậy là Việt quyết tâm theo thầy về Hát Lót, Sơn La học nghề, cho dù con đường đến bệnh viện đều đặn mỗi tháng thêm xa. Lần này được “cầm tay, chỉ việc”, tay nghề của Việt lên nhanh chóng, được thỏa chí trong đam mê. Có những ngày, Việt say sưa bên tác phẩm đến 2 - 3h đêm.
Rối loạn chảy máu là một nhóm bệnh có biểu hiện chảy máu kéo dài, lâu cầm, thậm chí chảy máu ngay cả khi không bị chấn thương và tái diễn nhiều lần. Người bệnh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách sẽ dẫn tới những hệ quả không mong muốn như suy nhược, đau đớn, gặp những biến chứng và tổn thương khớp vĩnh viễn, hoặc nặng hơn là tử vong do chảy máu ở những vị trí nghiêm trọng.
TS. BS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Với sự hỗ trợ của anh em trong nhóm, các tác phẩm bonsai từ vật liệu như dây điện, gỗ lũa, bình gốm, rồi ngọc bán quý và dần dần đến ngọc quý ra đời sau nhiều ngày đêm miệt mài của Việt.
Qua mỗi tác phẩm, Việt đều gửi gắm vào đó những câu chuyện và tâm sự riêng.
Tâm đắc với câu bonsai được mang tên “Đại mộc nghênh phong”, chàng trai 9X chia sẻ: “Đó là tác phẩm có ý nghĩa nhất với em, nó như câu chuyện của chính cuộc đời em vậy. Cây mọc trên ngọn núi chênh vênh, ngay khi hạt giống được gieo mầm, số phận đầy khó khăn. Trên đỉnh núi khô cằn, nước là nguồn sống cơ bản của sinh vật cũng rất hiếm hoi. Nhưng khó khăn thế là chưa đủ khi những cơn phong ba, bão táp thường xuyên ập tới khiến tán cây xơ xác. Nhưng bằng nghị lực và sức sống mạnh mẽ, ý chí kiên cường cây vẫn ngày một phát triển, lớn mạnh. Sản phẩm này em muốn giữ lại cho riêng mình để nhìn vào và cố gắng hơn nữa”.
Hay cây “Mái ấm” được thiết kế 2 thân cây nương tựa vào nhau, Việt cho hay đó cũng biểu tượng cho tình cảm của anh em hemophilia - những người xa lạ mang chung 1 căn bệnh, luôn cùng nhau chia sẻ nỗi đau, khó khăn và cả niềm vui trong cuộc sống.
Giờ đây, các sản phẩm handmade cũng đã mang lại nguồn thu nhập nhất định cho Việt, nhưng với chàng trai mắc bệnh máu khó đông này điều quan trọng hơn cả là “được lao động, được khẳng định giá trị cho bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội”. Đó cũng là điều mà nhiều người mắc căn bệnh này mong mỏi, bởi lẽ, với họ sức khỏe là điều gì đó “xa xỉ” khi các cơn đau do chảy máu cứ liên tục hành hạ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận