Đời sống

Chàng trai cụt chân nỗ lực làm việc thiện

15/02/2019, 06:05

Mất một chân sau TNGT ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, anh Nguyễn Văn Lưu (25 tuổi, Bình Đinh), vẫn luôn lạc quan và thường xuyên làm việc thiện.

img
Không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chàng trai cụt chân Nguyễn Văn Lưu còn thường xuyên phát cơm từ thiện tại các bệnh viện (Trong ảnh: Lưu phát cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Cát ngày 6/1)

Mất một chân sau TNGT ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, anh Nguyễn Văn Lưu (25 tuổi), trú tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định vẫn luôn lạc quan, mỉm cười trước số phận và thường xuyên làm việc thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Cú ngã định mệnh nơi đất khách

“Cụ Tiến giờ khỏe lắm, căn nhà được dọn sạch sẽ nên nhiều người đến chơi và thăm cụ hơn”, Lưu vui vẻ nói khi nghĩ đến cụ ông Nguyễn Văn Tiến (90 tuổi), sống một mình ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc - người được Lưu giúp đỡ, chăm sóc trong thời gian học việc tại đây.

Khuôn mặt điển trai, tươi tỉnh, suốt buổi nói chuyện, Lưu không hề than vãn về số phận của mình. “Có lẽ, việc mất đi một chân đã cho tôi những cơ duyên mới, gặp được nhiều người, làm được nhiều việc thiện”, Lưu tâm sự.

Khoảng 22h30 ngày 10/9/2016, trên đường đi làm về đến đoạn đường Phan Đình Phùng (TP HCM), xe máy do Lưu điều khiển bị xe ô tô 7 chỗ đâm vào khiến Lưu ngã xuống đường. Lúc Lưu gượng dậy bỗng thấy chân trái không thể nhấc lên, nhìn xuống chân thì đã bị gãy gập lại.

“Quá hoảng sợ, tôi đã khóc cầu mong mọi người đưa đi bệnh viện nhưng dù đứng lại xem rất đông vẫn không có ai giúp. Sau khi trấn tĩnh lại, tôi tự bắt taxi đến viện, bác sĩ cho biết vết thương quá nặng phải ký giấy cắt bỏ chân”, Lưu nhớ lại.

Bố mẹ ở quê chưa biết chuyện, Lưu nhờ các bác sĩ ở bệnh viện thông báo với gia đình nhưng chỉ nói bị gãy chân để bố mẹ đỡ lo, rồi Lưu tự ký giấy phẫu thuật.

Khoảng thời gian nằm trong phòng lạnh chờ phẫu thuật, Lưu đã khóc suốt một tiếng đồng hồ khi nghĩ về gia đình, nghĩ về công việc dở dang, về cuộc sống vui vẻ bay nhảy trước đây. Càng nghĩ, Lưu càng tuyệt vọng, đã có lúc Lưu nghĩ đến cái chết nhưng anh thương bố mẹ nên không đành lòng.

“Ngày hôm sau, bố mẹ đến bệnh viện cũng là lúc tôi phẫu thuật xong. Nhìn chân con bị cắt cụt, mẹ tôi khóc ngất còn bố vội quệt ngang dòng nước mắt. Tôi mỉm cười để trấn an mọi người. Từ lúc đó, dù chuyện gì xảy ra, tôi cũng cười để sống lạc quan hơn”, Lưu trải lòng.

Rời bệnh biện, Lưu trở về quê nhà, tập đi với chân giả. Những ngày đầu phải nhờ bố mẹ dìu, đến bây giờ, với chiếc chân giả ấy, Lưu đã tự đi đến nhiều nơi, thậm chí còn tham gia lớp tập gym để nâng cao sức khỏe.

img
Lưu vui vẻ sau khi dọn nhà, tắm gội và tặng cụ bà Lê Thị Tường (95 tuổi, Bình Định) bộ chăn gối mới để cụ có giấc ngủ ngon

Mối duyên với những hoàn cảnh khó khăn

Đầu năm 2018, Lưu bắt đầu học nghề phun xăm rồi ra Vĩnh Phúc học nâng cao tay nghề với dự định trong tương lai sẽ mở một cửa hàng nhỏ ở quê nhà. Lớp học của Lưu sát vách nhà cụ Tiến. Ngày thứ 2 đến học, Lưu ngửi thấy mùi khó chịu, cô giáo cho biết, bên cạnh có ông cụ neo đơn sống một mình, không có người chăm sóc.

Tò mò, Lưu đi sang thấy cụ Tiến nằm co ro giữa một bầy mèo, nước tiểu, phân ken đặc dưới sàn nhà gạch hoa, trên giường, bánh mỳ bị cắn nham nhở, vương vãi hòa lẫn phân mèo. Cụ ông coi bầy mèo như vợ con mình để xua đi nỗi cô đơn.

Bên cạnh việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, “thiên thần cụt chân” - biệt danh mà nhiều người đặt cho Lưu còn thường xuyên lên chùa làm công quả, vào bệnh viện phát cơm từ thiện cho mọi người. Lưu rất thích câu nói: “Ánh sáng xuyên qua màn đêm, niềm tin đâm chồi từ nghịch cảnh là niềm tin mãnh liệt nhất” và coi đó là kim chỉ nam cho cuộc sống của mình.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, Lưu đã khóc. Hai đêm liên tục Lưu nằm buồn và nghĩ đến ngày vừa bị cưa chân được đẩy ra khỏi phòng mổ, không ai bên cạnh, nghĩ đến bản thân tàn tật, sau này không có vợ con, biết đâu sẽ nằm một chỗ như ông. Lưu muốn giúp ông nhưng một mình với chiếc chân tàn tật là quá sức để dọn cả ngôi nhà.

“Tôi đã chia sẻ với các chị học viên và mọi người đồng ý giúp. Thế là chỉ trong nửa ngày, chúng tôi đã dọn dẹp, lau rửa nhà cửa, tắm cho cụ và bầy mèo, sắm cho cụ vài bộ quần áo và bộ chăn gối mới cho mùa đông. Từ đó, sáng, trưa, tối tôi đều mang đồ ăn sang cho cụ và đỡ cụ các việc cá nhân. Sau đó, tôi chia sẻ hoàn cảnh của cụ trên facebook và nhiều người biết đến hoàn cảnh của cụ, thường xuyên đến thăm và giúp cụ. Giờ kết thúc khóa học, tôi trở về quê nhưng vẫn thường xuyên gọi điện cho hàng xóm xung quanh để hỏi tình hình cụ, có hôm còn nói chuyện video với cụ. Nhìn cụ tốt lên từng ngày, tôi vui lắm”, Lưu chia sẻ.

Nhắc đến cụ bà Lê Thị Tường (95 tuổi, thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) không có người thân, Lưu nuối tiếc vì chưa giúp đỡ cụ được bao lâu. Đầu năm 2019, biết đến hoàn cảnh cụ, Lưu đã tìm đến nhà, chứng kiến cụ nằm co ro trên giường, nhiều phần cơ thể bị lở loét vì không đi lại được, trong nhà không có đồ dùng giá trị ngoài một chiếc quan tài cụ chuẩn bị trước. Lưu bèn tự tay tắm rửa, sắm sửa đồ dùng, chăn ga gối mới cho cụ.

“Ngắm cụ ngủ ngon, cuộn tròn trong chiếc chăn mới, lòng mình vui và thấy nhẹ nhàng hơn. Sau hôm đó, mình kêu gọi thêm các nhà hảo tâm giúp đỡ cụ. Số tiền quyên góp lên đến hơn 167 triệu đồng nhưng vì sức khỏe yếu, cụ ra đi khi chưa kịp đón nhận tấm lòng của mọi người”, Lưu nghẹn ngào nói và cho biết, Lưu đã trích một phần số tiền để lo tang lễ, nơi thờ cúng và các đám lễ giỗ cho cụ. Phần còn lại, Lưu xin ý kiến các nhà hảo tâm để chuyển đến những hoàn cảnh khó khăn khác.

Cô Ngô Thị Bích Thuận (trú tại xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) xúc động nói: “Biết đến Lưu là người có tâm giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, gia đình tôi nghèo khó, con trai bị bệnh thận, con gái bị bệnh thần kinh, bao nhiêu tiền của trong nhà đều đã bán hết để chạy chữa cho con. Đầu tháng 2 vì hết tiền, vợ chồng tôi đành đưa con về nhà chăm sóc, chứng kiến con lên cơn đau mỗi ngày, không đành lòng, cực chẳng đã, chồng tôi đã gọi điện cầu cứu Lưu”.

Ngay trong đêm tối, sau khi nghe được hoàn cảnh của gia đình cô Thuận, Lưu đã một mình tìm về nhà cô Thuận, lắng nghe hoàn cảnh, động viên gia đình và chia sẻ để kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ. “Nhờ Lưu, các con tôi đã được vào Bệnh viện Hoài Nhơn chữa trị. Nhưng để phẫu thuật ruột chảy xệ xuống cơ quan sinh dục của con trai tôi, cần một khoản tiền lớn hơn. Lưu đang cố gắng quyên góp giúp gia đình. Cậu ấy tốt quá”, cô Thuận xúc động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.