Chất lượng sống

"Chất chơi" của người Sài Gòn xưa và nay

28/04/2015, 06:57

Tính cách con người Sài Gòn vẫn vậy. Vẫn rất hào phóng, thẳng thắn bộc trực và dễ gần…

261

Chợ Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh luôn tấp nập thực khách
Ảnh: Lã Anh

Đọc cuốn Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển trong phần tìm hiểu về danh từ Sài Gòn, tác giả có viết: Sài tức là củi thối; Gòn là tên loại cây có bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm, ngoài Bắc gọi là cây bông gạo (kapok, kapokier). Có thời gian, nhiều người gọi Sài Gòn là Sài Côn như thế là đã hiểu sai ý nghĩa của người xưa.

Dưới thời đại Cam-bốt-diên (Campuchia ngày nay), Sài Gòn là nước, xứ ở giữa rừng (Prei Mokor). Tìm hiểu về nguồn gốc của danh từ Sài Gòn để ta hiểu thêm về tính cách của người Sài Gòn xưa nay cũng đã biến đổi theo thời gian.

Để có Sài Gòn trước đây và TP Hồ Chí Minh hôm nay là một sự giao thoa từ người Phù Nam, người Cam Bốt, người Tàu, người Việt. Sự giao thoa này đã làm nên một tính cách người Sài Gòn nồng hậu, thân thiện, hiếu khách, vui vẻ, phóng khoáng, thẳng thắn bộc trực và dễ tính. Nếu đã đi, đến khám phá nhiều miền đất của Việt Nam, bạn sẽ thấy chẳng đâu bằng khí chất người Sài Gòn.

Đi tìm câu trả lời cho tính cách của người Sài Gòn xưa, tôi tìm đến Giáo sư Trần Văn Khê, nghe ông nói chuyện về Sài Gòn những năm ông còn là một chàng trai trẻ trước khi ra nước ngoài sinh sống.

Khi đó Sài Gòn là thuộc địa của Pháp nên nếp sống của người dân khi đó ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự tây hóa, nhất là những tầng lớp thân cận với Pháp, tiểu thương và những người kinh doanh. Giáo sư không bình luận về người Sài Gòn những năm 1954 và trước ngày giải phóng hai miền Nam - Bắc bởi khi đó ông đang ở nước ngoài, hoàn toàn không giao tiếp với người Sài Gòn nên thật khó để nhận xét. Chỉ biết rằng, khi trở về sau 55 năm bên trời Tây thì tính cách con người Sài Gòn vẫn vậy. Vẫn rất hào phóng, thẳng thắn bộc trực và dễ gần…

Còn theo TS. Sử học Nguyễn Nhã, người có nhiều công trình nghiên cứu về chủ quyền Hoàng Sa thì Sài Gòn sau năm 1954 có nhiều người Bắc di cư vào sinh sống và lập nghiệp nên đã làm “nhạt chất” một phần tính cách của người Sài Gòn xưa. Nhưng chính sự pha trộn tính cách giữa hai miền Nam - Bắc lại tạo nên một Sài Gòn đa dạng về mọi mặt cả kinh tế và văn hóa xã hội.

Đi tìm câu trả lời về phong cách nhiệt tình, chơi hết mình, tới bến của người Sài Gòn, TS. Nguyễn Nhã cho biết, đây là tính cách của người xưa để lại, khi họ đi mở cõi khai phá ra vùng đất mới Gia Định. Nếu không nhiệt tình, hăng say chơi hết mình thì sao có thể gọi là người đi mở cõi… Nhờ khai phá được những vùng đất mới được thiên nhiên ban tặng cho nhiều thứ, họ sống một cuộc sống dễ dàng, đôn hậu và hiếu khách pha trộn nét tài tử của miền Tây. Chính tính cách này đã làm cho những cư dân mới đến sinh sống làm ăn tại Sài Gòn thấy yêu và dần tập theo cách sống phóng khoáng này.

Sau 1975 đất nước thống nhất, Sài Gòn thu hút cư dân khắp mọi miền đất nước về làm ăn. Người dân nhập cư đã làm thay đổi ít nhiều cốt cách người Sài Gòn.

Dù vậy, theo TS. Nguyễn Nhã chia sẻ, ông vẫn rất yêu thành phố, yêu tính cách con người Sài Gòn dẫu đã bị lai tạp nhiều. Chẳng ở đâu khi đi ra đường nếu hỏi thăm, bạn sẽ được người ta nhiệt tình chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Từ bác xe ôm, cô bán báo, anh đánh giầy, người bán vé số… tất cả đều rất hiền từ. Dù là vá xe ban ngày hay nửa đêm về sáng, giá vẫn không đổi. Chạy xe ôm không trả giá mà thay vào đó là “cô cho bao nhiêu thì cho”.

Tất cả điều này chẳng đâu bằng Sài Gòn. Vào quán cà phê, tất cả đều được phục vụ nhiệt tình chu đáo như nhau và đồng giá. Những điều đó cư dân vùng khác không có được. Nói gì thì nói, Sài Gòn vẫn đẹp lắm Sài Gòn ơi! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.