Bạn cần biết

Chất cực độc phát hiện trong cá nục tại Quảng Trị có từ đâu?

10/06/2016, 18:28

Chất cực độc được phát hiện trong cá nục đông lạnh tại Quảng Trị xuất phát từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

ca-nuc-nhiem-doc

Quảng Trị vừa phát hiện lô hàng 70 tấn cá nục đông lạnh nhiễm chất cực độc (ảnh minh họa)

Chiều 10/6, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được thông tin phát hiện chất cực độc trong 70 tấn cá nục đông lạnh tại Quảng Trị. Theo ông Phong, hoạt động kiểm nghiệm cá trước khi lưu thông ra thị trường là yêu cầu bắt buộc, thường xuyên tại các tỉnh miền Trung ngay sau khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt do nhiễm độc từ cuối tháng 4.

"Đây là lô hàng đầu tiên bị phát hiện mất an toàn. Trước đó, Cục chưa nhận được địa phương nào báo cáo cá nhiễm độc. Tất cả các lô sản phẩm nếu phát hiện vấn đề không an toàn đều bị xử lý tiêu hủy ngay tại địa phương", ông Phong nhấn mạnh.

Bàn về chất độc Phenol đã được tìm thấy trong lô cá nục đông lạnh tại Quảng trị, chuyên gia hóa học, GSTS Trần Hồng Côn cho biết độc tính của hóa chất này còn phụ thuộc ở dạng đơn hay hợp chất. Nếu là hợp chất thì độc tố sẽ tăng hàm lượng đối với thực phẩm khô là cao, nếu là dạng hợp chất poly phenol thì mức độc nâng lên rất nhiều. "Phenol không có trong môi trường bình thường, chỉ xuất phát trong quá trình sản xuất công nghiệp như: luyện than cốc (cốc hóa), lọc dầu...", GS Trần Hồng Côn cho biết.

Trước đó, như thông tin đã đưa Sở Y tế tỉnh Quảng Trị vừa công bố kết quả báo cáo kiểm nghiệm về các lô cá tại kho đông lạnh của một hộ kinh doanh tại huyện Vĩnh Linh. Trong thời điểm kiểm tra, kho đông lạnh này chứa 110 tấn cá, gồm 70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lẫn lộn khác. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh gồm: 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá sòng và 3 mẫu cá nục (1 mẫu đại diện cho 20 tấn thu mua trước thời điểm sự cố cá chết, 1 mẫu đại diện cho 20 tấn thu mua sau thời điểm sự cố cá chết 10 ngày và 1 mẫu đại diện cho 30 tấn thu mua ngay sau thời điểm sự cố cá chết).

Kết quả phân tích kiểm nghiệm cho thấy, 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm.

Được biết phenol là chất hóa học cực độc thường chỉ dùng trong công nghiệp tẩy rửa, tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.