Chuyện dọc đường

Chặt đứt “vòi bạch tuộc” tín dụng đen

16/12/2020, 06:30

Chặt đứt “vòi bạch tuộc” cho vay nặng lãi , ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, thiết nghĩ rất cần đến sự chủ động hợp tác của người dân.

img

Ảnh minh họa

Vợ chồng người hàng xóm của tôi vốn là chủ quán trà sữa đông khách nhất phường. Cách đây hai tuần, căn nhà bốn tầng cũng là điểm kinh doanh liên tục bị tạt sơn màu đỏ từ tầng trệt lên lầu, hiện phải đóng cửa.

Chị vợ than thở, nguyên do cũng chỉ vì mấy người em trai vốn tiêu xài hoang phí, nhiều tháng nay thất nghiệp, phải vay “tín dụng đen”. Giờ không có khả năng chi trả, họ bỏ trốn khỏi địa phương nên các chủ nợ quay sang đòi anh chị.

Dường như cứ “đến hẹn lại lên”, càng cận Tết Nguyên đán lại càng xuất hiện nhiều vụ việc đe dọa đòi nợ bằng những chiêu khủng bố tinh thần.

Sự kiện hai cha con ông Lê Thái Thiện (Thiện “soi”) bị lực lượng công an bắt giữ mới đây để điều tra hành vi cho vay nặng lãi có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Hậu quả từ việc vay tiền với lãi suất cao của các đối tượng ngoài xã hội dường như ai cũng từng nghe, biết. Nhẹ thì nhắn tin, gọi điện hăm dọa con nợ, nặng thì ném chất bẩn vào nhà (chiêu này phổ biến nhất), nghiêm trọng hơn nữa là bắt cóc con nợ hoặc người thân để gây sức ép đòi tiền chuộc.

Những chiếc “vòi bạch tuộc” giờ đây còn vươn dài đến tận vùng xa xôi. Quê tôi ở miền Trung cũng không là ngoại lệ. Tết chưa đến nhưng nhiều ngôi nhà vốn xập xệ nay lại khóa cửa im ỉm vì người chủ đi lánh nợ.

Chủ nợ khủng bố, thậm chí đánh đập con nợ vốn đã nhiều, giờ lại xuất hiện thêm không ít trường hợp con nợ phản kháng, tấn công lại người cho vay tiền dẫn đến án mạng. Hoặc con nợ bị đòi rát, rơi vào tình thế “túng quá hóa liều”. Vụ việc một thanh niên đâm nhân viên bảo vệ cửa hàng Thế giới di động để cướp 10 chiếc điện thoại là ví dụ mới nhất.

“Tín dụng đen” đáng sợ như vậy sao nhiều người vẫn cứ lao vào? Những ai là người phải đi vay tiền? Đó là người nghèo cần ít đồng vốn buôn bán nhỏ, gia đình đột nhiên có người bị bệnh nan y cần tiền gấp để chữa trị...

Thế nhưng, nhiều nhất vẫn là những trường hợp sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, cờ bạc. Theo thống kê của Bộ Công an, có 80% người vay nặng lãi là con nghiện, cờ bạc…

Trong khi đó, các đối tượng cho vay nặng lãi rất chịu khó “tiếp thị”: ra đường gặp ngay “ngân hàng cột điện” hay “tín dụng vách tường” với những lời quảng cáo hấp dẫn: “A lô là có tiền”, “Vay không cần lãi suất”… đánh đúng tâm lý người dân cần tiền gấp nhưng không đủ điều kiện để vay vốn tại ngân hàng.

Hiện đại hơn đó là vay “công nghệ cao” qua các ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh. Hiện nay rất nhiều người không có nhu cầu vay tiền nhưng tuần nào cũng nhận được vài đường link mời truy cập app vay vốn nhanh, thủ tục đơn giản.

Hợp đồng điện tử do các đối tượng cho vay soạn sẵn. Trong đó luôn ràng buộc một điều khoản gây bất lợi cho người vay, đó là ứng dụng này được phép truy cập vào danh bạ điện thoại và Facebook cá nhân người vay. Trường hợp chậm trả lãi, chúng sẽ nhắn tin, gọi điện cho người thân gây áp lực, thậm chí đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự.

Chặt đứt “vòi bạch tuộc” cho vay nặng lãi , ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, thiết nghĩ rất cần đến sự chủ động hợp tác của người dân.

Và tốt hơn hết, vẫn là tránh tuyệt đối vay tiền của các đối tượng ngoài xã hội. Mỗi người cũng cần tuân thủ lối sống lành mạnh, chấp hành pháp luật, không sa vào các loại tệ nạn, tránh được cảnh túng quẫn do nợ nần sẽ tránh phải “gõ cửa” tín dụng đen. Có “cầu” thì có “cung”, nếu giải quyết được “cầu” dĩ nhiên “cung” sẽ không còn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.