Đời sống

Chất trong tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật có bị cấm ở Việt Nam?

06/04/2019, 15:24

Dư luận đang xôn xao trước thông tin hơn 18 nghìn chai tương ớt Chinsu nhập khẩu vào Nhật Bản và bị yêu cầu thu hồi vì có chứa chất cấm.

img
Nhật Bản thu hồi hơn 18 nghìn chai tương ớt Chinsu vì chứa chất cấm axit benzoic

Nhật Bản thu hồi tương ớt Chinsu vì chứa axit benzoic

Ngày 2/4, cơ quan Xúc tiến sức khỏe và Vệ sinh đời sống Nhật đã ra thông báo về sản phẩm tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, ngày 8/3, cán bộ giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y tế và phúc lợi thành phố Tokyo tiến hành kiểm tra sản phẩm tương ớt nhán nhãn Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam của tập đoàn Javis, Nhật vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật Vệ sinh thực phẩm và Đạo luật Nhãn thực phẩm. Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka lập tức mở cuộc điều tra tại Javis.

Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic.

Thông tin trên trang www.city.osaka.lg.jp cho biết, chính quyền Osaka xác nhận chỉ có một công ty vi phạm là Công ty Javis, có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka và giám đốc đại diện là Yasuhiro Naka do đã nhập khẩu lô hàng có chứa chất cấm theo tiêu chuẩn của Nhật.

Về phía hàng hóa vi phạm, trang thông tin thành phố Osaka ghi rõ: "Tên sản phẩm: Tương ớt Chinsu, xuất xứ: Masan Việt Nam, hạn dùng: 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019".

Tương ớt Chinsu vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật do axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Theo kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019.

Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12/2018.

"Cấm ở Nhật không cấm ở Việt Nam, vẫn nằm trong ngưỡng cho phép"

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Nếu quy định của Nhật Bản là cấm tuyệt đối chất bảo quản Axit Benzoic, thì việc sản phẩm Chinsu của chứa chất này bị thu hồi là điều đương nhiên. Tuy nhiên, ở nước ta chất này vẫn cho phép sử dụng chất phụ gia này với công dụng bảo quản kháng vi sinh trong thực phẩm".

Ông Thịnh cho biết thêm, với công bố của Nhật bản về hàm lượng Axit Benzoic có trong tương ớt Chinsu lần lượt là 0,41g/kg, 0,44g/kg và 0,45g/kg (được hiểu tương đương là 0,4 phần nghìn) thì vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép tối đa là 1 phần nghìn.

"Hơn nữa, với tương ớt không ai ăn nhiều cả và thường chỉ tiêu thụ với số lượng nhỏ trong mỗi lần ăn thì với hàm lượng trên không gây hại gì cho sức khỏe người dùng", ông Thịnh chia sẻ.

Trước thông tin "Axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene. Mà benzene đã được kết luận là chất gây ung thư", ông Thịnh khẳng định: "Đó là chuyện tào lao, làm sao mà có thể biến thành benzene được nó phải có cơ chế, chuyển hóa chứ không thể đơn giản Axitbenzoic gặp vitamin C là nảy ra benzene ngay được".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.