Chính trị

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng: Khi nào xử lý dứt điểm sai phạm vụ 8B Lê Trực?

04/06/2019, 15:38

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà là thành viên Chính phủ tiếp theo sau Bộ trưởng Công an Tô Lâm đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

img
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà

Từ 14h25 chiều 4/6, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đăng đàn để trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH về những vấn đề “nóng” gây bức xúc dư luận trong lĩnh vực xây dựng và quản lý trật tự đô thị.

Tràn lan nhà cao tầng trong nội đô

Mở đầu chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu hàng loạt tình trạng bất cập trong quy hoạch đô thị như: Phát triển tràn lan nhà cao tầng trong nội đô; khu đô thị không đi kèm hạ tầng xã hội; nhà siêu mỏng siêu méo... “Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi để xảy ra tình trạng này? Lộ trình giải quyết bất cập ra sao?”, nữ ĐB đặt câu hỏi.

Thừa nhận tình trạng quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều hạn chế tồn tại, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân chính nằm ở vấn đề kiểm soát phát triển quy hoạch đô thị bộc lộ hạn chế; chất lượng quy hoạch thấp, chưa dự báo được tốc độ khả năng tăng trưởng dân số dẫn tới tính toán sai cấu trúc hạ tầng…

Đáng chú ý, việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch còn chậm, sơ sài; công khai quy hoạch thực hiện quy chế quản lý quy hoạch đô thị cũng còn hạn chế. Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm trong việc tham mưu hoàn thiện thể chế quy định pháp luật; giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương chưa nghiêm túc; chưa phối hợp quản lý với địa phương để hướng dẫn đôn đốc thực hiện…Trong đội ngũ cán bộ còn một bộ phận chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Về giải pháp, thời gian tới, Bộ sẽ cao chất lượng quy hoạch, bảo đảm kiểm soát thực hiện dự án theo đúng quy hoạch; công khai quy hoạch để người dân biết và thực hiện giám sát; tăng cường thanh tra xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong quy hoạch.

Xử lý vi phạm nhà 8B Lê Trực, chung cư HH là trách nhiệm của Hà Nội

Tiếp đó, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) yêu cầu Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ ra trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị nói chung cũng như đối với tòa nhà 8B Lê Trực và tổ hợp HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) nói riêng. Ông Hồng yêu cầu Bộ trưởng cam kết thời gian xử lý dứt điểm.

Trả lời, Bộ trưởng Hà cho hay Việt Nam đã có khung pháp luật tương đối đầy đủ các quy định để xử lý hiệu quả các vấn đề về trật tự xây dựng.

“Trong thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng để kiểm soát, quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Số lượng vi phạm đã giảm dần so với những năm trước nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là những hành vi xây dựng không phép, sai phép”, ông nói.

Bộ trưởng Xây dựng cho hay năm 2016 có 15.593 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, công trình không phép là 7.038, sai phép là 5.164 công trình, vi phạm khác là 3.181 công trình. Đến năm 2018, số lượng công trình sai phạm đã giảm còn 10.608. Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao.

Liên quan trách nhiệm xử lý vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh tại tổ hợp HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Bộ trưởng Hà cho biết việc này thuộc thẩm quyền của Hà Nội. “Vi phạm có rồi, trách nhiệm xử lý là của Hà Nội chứ không phải của Bộ Xây dựng”, ông Hà nói.

Với xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, Bộ trưởng Hà cũng khẳng định đây là trách nhiệm của Hà Nội. Ông thông tin TP.Hà Nội đang thực hiện công tác cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Hiện tại, việc phá dỡ các tầng vi phạm theo chiều ngang đã được thực hiện. Tuy nhiên, việc phá dỡ phần vi phạm theo chiều dọc còn gặp khó khăn.

“Cắt một số diện tích của các tầng theo chiều dọc có liên quan đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình”, Bộ trưởng nói và khẳng định sẽ sử dụng các đơn vị của Bộ Xây dựng hỗ trợ nếu Hà Nội yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý hợp lý nhất.

Trong khi đó, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng chưa có quy định pháp lý nào điều chỉnh về đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel). Bà Hạnh đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu ban hành quy chuẩn. Ngoài ra, bà mong muốn có hướng giải quyết nhanh và phù hợp với thực tiễn.

Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…).

Bộ trưởng đảm bảo quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019. Ông cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở.

Cả nước còn 2.500 chung cư xuống cấp

Đặt vấn đề về xử lý chung cư xuống cấp trên phạm vi cả nước, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp.

Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin, hiện theo thống kê, cả nước có 2.500 chung cư cũ nguy hiểm, riêng Hà Nội có 1.509 nhà.

Về giải pháp, ông Hà cho biết vướng nhất hiện nay là khó bảo đảm được hài hoà lợi ích của nhà nước, của người dân và doanh nghiêp. Bởi lẽ doanh nghiệp tham gia cải tạo hoặc xây mới thì bị hạn chế về chiều cao công trình, số dân.... nên khi lập dự án thì thấy không đảm bảo hiệu quả kinh tế. "Bộ sẽ phối hợp với Hà Nội, TP.HCM đề xuất thí điểm một số cơ chế đặc thù để gỡ vướng", ông Hà nói.

Tiến độ di dời trụ sở các bộ ngành ra khỏi nội đô ra sao?

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn tình hình di dời các cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế và trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô đến nay ra sao, đồng thời đặt vấn đề xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan để xảy ra chậm trễ.

Không đi vào trả lời trực tiếp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn lại quy hoạch chung của Hà Nội, Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện biện pháp lộ trình và sử dụng quỹ đất sau khi di dời trụ sở ra khỏi nội thành. Ông Hà cũng lòng vòng dẫn giải trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan theo Quyết định 130, sau đó mới đưa ra nhận định: "Tới nay tình hình thực hiện di dời rất chậm dù Hà Nội đã bố trí địa điểm, quỹ đất di dời. Tới thời điểm này, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa hoàn thành việc lập danh mục tiêu chí di dời cơ sở trực thuộc…”.

Tới lúc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải lên tiếng ngắt lời: “Tóm lại là tình hình thực hiện rất chậm. Đề nghị ngay sau phiên chất vấn này, Bộ trưởng cần ngồi lại với các bộ ngành đánh giá vì sao nguyên nhân chậm và giải pháp sắp tới như thế nào”.

Đây cũng không phải lần đầu chủ tọa điều hành phiên chất vấn ngắt lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trong phần trả lời về căn cứ pháp lý căn hộ du lịch condoltel và các loại hình bất động sản mới khác trước đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đã phải yêu cầu Bộ trưởng Hà trả lời đúng trọng tâm.

Giải pháp nào chấm dứt quy hoạch treo, giảm áp lực tăng dân số ở nội đô?

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) thắc mắc vì sao bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam vốn là trọng tâm của kiến trúc và xây dựng được xem là lạc hậu nhưng chậm thay đổi bổ sung.

Bên cạnh đó, ông Vân cũng đặt 2 câu hỏi cho Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Thứ nhất, Chính phủ có giải pháp gì để đạt được mục tiêu giảm áp lực tăng dân số ở nội đô. Thứ hai, Chính phủ sẽ có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng quy hoạch treo?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sáng 5/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ trả lời 2 câu hỏi mà đại biểu nêu.

Trả lời về việc ban hành chậm hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong năm vừa qua Bộ Xây dựng đã dần dần hoàn thiện được bộ quy chuẩn.

Tuy nhiên ông cho rằng sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường, bộ tiêu chuẩn bộc lộ những thiếu sót. Cụ thể, về hệ thống bộ quy chuẩn còn phân tán ở nhiều quy chuẩn khác nhau, bị trùng lặp giữa các ngành. Ngoài ra, một số quy chuẩn đã lạc hậu. Ông lấy ví dụ như về kiểm soát dân số, hạ tầng chưa được cập nhật.

Ngoài ra, việc áp dụng bộ chuẩn tiêu chuẩn cũng còn thể hiện sự tùy tiện của các cơ quan lập và thẩm định dự án. Bộ trưởng cho biết sẽ bổ sung những thiếu sót, sửa đổi những tiêu chuẩn và quy chuẩn đã lạc hậu. “Trong năm 2019 Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị đó là: Quy chuẩn quy hoạch đô thị, nhà ở, cơ sở hạ tầng và phòng cháy chữa cháy. Đồng thời Bộ sẽ rà soát 62 quy chuẩn nữa”, ông Hà nói.

"Không đồng tình cách trả lời của Bộ trưởng"

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đã giơ biển tranh luận: “Tôi thấy sự lúng túng của Bộ rất rõ. Khi nói về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực thì Bộ trưởng có nói là nếu như Hà Nội yêu cầu thì Bộ mới phối hợp. Như thế là không đúng với vị trí của một Bộ quản lý Nhà nước”.

Với sai phạm tại công trình HH Linh Đàm, đại biểu Hồng cũng không đồng tình cách trả lời của Bộ trưởng Hà: “Bộ trưởng chia sẻ sai phạm đã có, vậy cử tri muốn biết bao giờ thì xử lý được những vấn đề đó? Tại sao trách nhiệm lại bị đẩy về chính quyền địa phương? Có khó mới hỏi đến các Bộ nhưng các Bộ lại trích dẫn những văn bản quy phạm pháp luật cho nên câu trả lời của Bộ trưởng thì có lẽ phải đến tầm Chính phủ”.

Không loại trừ việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết do sức ép của DN

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu thực trạng về việc điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết nhiều lần và hỏi Bộ trưởng về hướng xử lý như thế nào.

Trả lời, Bộ trưởng Hà cho biết, giải pháp thời gian tới sẽ thực hiện trước hết là nâng cao chất lượng quy hoạch. "Muốn vậy, phải có tư duy mới về xây dựng quy hoạch. Xử lý tốt vấn đề này, chất lượng quy hoạch sẽ tốt hơn, không phải điều chỉnh. Về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết có thể do có sức ép của nhà đầu tư, lợi ích của doanh nghiệp, dù chưa có thông tin đầy đủ nhưng tôi không loại trừ việc này. Năm nay hoặc sang năm, chúng tôi sẽ cho thanh tra một số quy hoạch chi tiết", ông Hà thông tin.

Cần làm rõ dự án du lịch tâm linh chiếm hàng nghìn ha đất

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực trạng việc xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh đang được quy hoạch với hàng ngàn ha đất: “Cử tri yêu cầu Bộ Xây dựng cần tách bạch rõ ràng giữa diện tích đất dành cho tâm linh và đất thương mại dịch vụ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quy hoạch cả ngàn ha đất cho các khu du lịch kết hợp tâm linh liệu có hợp lý hay không?”.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hiện nay các dự án du lịch tâm linh được kiểm soát bằng giấy phép xây dựng. Trong đó có quy định công trình tôn giáo phải được thực hiện theo pháp luật xây dựng và có sự phê duyệt của cơ quan chủ quản cũng như chính quyền địa phương. “Hiện các dự án du lịch tâm linh còn chưa được quy định rõ nằm trong quy hoạch đô thị hay quy hoạch du lịch. Tới đây sẽ có quy định cụ thể hơn làm rõ vấn đề này. Ngoài ra, liên quan tới quy chuẩn tiêu chuẩn về sử dụng đất trong các công trình này, chúng tôi cũng sẽ cho làm rõ, đảm bảo phân biệt đất dành cho mục đích tâm linh với mục đích kinh doanh dịch vụ khác”.

Bộ công an xử lý đối tượng đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hoà): "Có hay không người Việt đứng tên mua cho người nước ngoài?", Bộ trưởng Xây dựng cho biết, đây là hiện tượng có thực. Tuy nhiên, nếu thống kê đầy đủ số liệu thì chưa có điều kiện thống kê. "Bộ Công an đang có đánh giá, báo cáo về việc này. Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an xử lý. Đây là việc hết sức khó, chúng tôi sẽ cố gắng để có thể hạn chế tình trạng này", ông Hà thông tin.

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt câu hỏi về nguyên nhân giá cả bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu kiểm soát về thị trường bất động sản. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu nguồn lực, bộ máy tổ chức quản lý bất động sản chưa được kiện toàn kịp thời. Ông cũng nhấn mạnh chưa đảm bảo được tính minh bạch trong các dự án bất động sản.

Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng các địa phương vẫn chưa thực sự để tâm đến thị trường bất động sản, chưa kiểm soát chặt chẽ cung cầu hàng hóa.

"Việc phê duyệt nhiều dự án không phù hợp yêu cầu thị trường, chủ yếu là ở phân khúc cao cấp chưa phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở. Chưa có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội", ông Hà nói.

Loại bỏ hơn 2.000 đơn giá lạc hậu

Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chất vấn: Vì sao giá xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước giá lại cao hơn công trình tương tự do tư nhân đầu tư xây dựng? Bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá là bệ đỡ cho vấn đề này?

Theo Bộ trưởng Hà, hiện đã thực hiện Đề án đổi mới hệ thống định mức đơn giá 2019, đã rà soát hơn 19 nghìn định mức đơn giá, loại bỏ hơn 2.000 đơn giá lạc hậu. Giá thành sắp tới vì thế sẽ giảm xuống. Theo đề án, đến 2021 sẽ bắt đầu thực hiện hệ thống định mức đơn giá theo phương pháp mới khác hẳn hiện nay. "Các công trình của tư nhân thường quản lý chặt chẽ hơn. Họ tiếp cận nguồn vật tư nguyên vật liệu trực tiếp. Chi phí quản lý chung thấp hơn, vì thế giá thành thấp hơn", Bộ trưởng Hà lý giải.

Xây nhà quá giới hạn chiều cao, ai chịu trách nhiệm?

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt vấn đề: Khu vực 4 quận nội thành cũ chỉ được quy hoạch và thiết kế độ cao giới hạn là 9 tầng. Nhưng hiện vẫn có công trình rất cao, thậm chí hơn 60 tầng. Luật Thủ đô và quy định hiện hành có cho phép điều này hay không? Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay việc xây dựng nhà cao tầng ở TP.Hà Nội được quy định tại Quy hoạch chung Thủ đô, thứ hai là trong Quy chế quản lý kiến trúc của từng khu vực do UBND TP.Hà Nội ban hành. "Quy định chiều cao trong khu vực nội đô cũng do Hà Nội ban hành. Về vấn đề này chúng tôi sẽ đề nghị Hà Nội tăng cường kiểm tra xử lý", ông Hà cho biết.

Cuối phiên chất vấn chiều nay, nhiều ĐBQH vẫn liên tiếp đăng ký chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong đó có ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Nguyễn Mai Bộ (An Giang); Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM).

Sáng mai (5/6), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu. Sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ tham gia trả lời trực tiếp các câu hỏi của đại biểu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.