Chuyện dọc đường

Chất vấn sao cho hiệu quả?

16/11/2017, 06:19

Trong vài kỳ họp Quốc hội gần đây, hoạt động chất vấn đã được thay đổi rất nhiều, từ chỗ chất vấn tất cả...

0-226fc

 

Trong vài kỳ họp Quốc hội gần đây, hoạt động chất vấn đã được thay đổi rất nhiều, từ chỗ chất vấn tất cả các lĩnh vực sang tập trung theo nhóm, đi theo những vấn đề bức bách, quan trọng, có nhiều ý kiến.

Chất vấn bây giờ cũng không có chuyện Bộ trưởng đọc các báo cáo chuẩn bị trước mà vào cuộc ngay. ĐBQH hỏi rất ngắn gọn. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp, không có việc chuẩn bị trước mà lâu nay người ta vẫn nói rằng các Bộ trưởng có “phao”.

Cách làm như vậy là tốt, nhưng có lẽ vẫn phải tiếp tục cải tiến, giống như thảo luận trên hội trường, phải tăng tính tranh luận, kể cả các ĐBQH tranh luận với nhau khi cùng chất vấn một thành viên Chính phủ, thấy có vấn đề gì mình có thể tham gia làm rõ thì tranh luận là rất tốt.

Chất vấn cũng phải lấy tinh thần xây dựng làm đầu, không có chuyện qua chất vấn mà “mạt sát”, phê bình Bộ trưởng, lấy một sự việc cụ thể rồi quy kết, đánh giá, như vậy là không đúng. Phải coi việc chất vấn để đi đến một biện pháp, cách thức xử lý đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vì cái chung, vì đất nước chứ không phải vì người chất vấn hay người trả lời chất vấn.

Bộ trưởng có trách nhiệm với nhân dân, nhưng nhiều khi công việc chưa được giải quyết đến nơi đến chốn còn do nhiều nguyên nhân, có thể do khách quan, chủ quan nên cần đánh giá công bằng. Nếu do nguyên nhân chủ quan thì Bộ trưởng phải điều chỉnh, phải xin lỗi và chịu trách nhiệm. Còn nếu khách quan thì cũng phải chia sẻ, vì dù là ai làm chức vụ đó việc cũng diễn ra như vậy.

Đặc biệt, không nên hỏi về những vụ việc cụ thể vì Bộ trưởng không thể nắm hết. Với những vụ việc cụ thể, nên trực tiếp trao đổi với các Bộ trưởng. Như vừa rồi tôi tiếp nhận trường hợp khiếu nại, tố cáo về giải quyết chính sách cho thương binh, liệt sĩ, tôi đã gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, cùng ngồi tính toán bàn giải pháp, sau đó giải quyết được ngay. Ở hội trường, chỉ nên chất vấn những vấn đề định hướng lớn, vấn đề vĩ mô hay chính sách để sửa đổi chính sách, thay đổi cách thức điều hành.

Vậy chất vấn để làm gì? Chất vấn để giải quyết những vấn đề chính sách, pháp luật chưa đi vào cuộc sống, chưa đúng với tinh thần của thực tiễn để sửa đổi chính sách. Chất vấn là để thấy rằng quá trình tổ chức, chỉ đạo, triển khai của các bộ, ngành chưa đầy đủ, chưa được đúng với chính sách thì phải điều chỉnh.

Hậu chất vấn phải bám đến cùng. Hôm nay anh trả lời chất vấn, anh nói với quốc dân đồng bào, nói với ĐBQH rằng, sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi chính sách, cơ chế mà không sửa thì anh phải trả lời được tại sao.

Sau nhiều năm thực hiện các phiên chất vấn, có thể thấy hiệu quả rất rõ. Chính các chất vấn đó đã giúp công việc được đẩy nhanh hơn, bởi không có bộ nào “ngồi yên” sau khi đã được chất vấn.

 Bùi Sỹ Lợi
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội

img

Bộ trưởng Y tế không đăng đàn dù 18 đoàn ĐBQH muốn chất vấn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.