Hồ sơ tài liệu

Châu Á ảnh hưởng gì khi ông Trump “bơm tiền” cho quốc phòng?

03/03/2017, 08:44

Kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 600 tỷ USD của ông Donald Trump sẽ tác động mạnh đến châu Á.

12

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster - Ảnh: AP

Kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 600 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động như thế nào đến khu vực châu Á vốn đang tồn tại nhiều bất ổn, dễ dẫn đến xung đột và chiến tranh?

Kỳ vọng vượt cường quốc quân sự Nga và Trung Quốc

Báo The Diplomat của Nhật Bản gần đây đăng bài viết của tác giả Ankit Panda, biên tập viên chuyên trách các vấn đề về kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế, trong đó dự đoán một số tác động có thể ảnh hưởng đến khu vực châu Á trong những năm tới khi Nhà Trắng muốn tăng thêm ngân sách quốc phòng lên con số 603 tỷ USD cho năm tài khóa tiếp theo.

Trước đó, như báo chí quốc tế đã phản ánh, hôm thứ hai đầu tuần này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội nước này chấp thuận kế hoạch tăng thêm 54 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng vào năm tới.

Tác giả chính của kế hoạch tăng chi tiêu quân sự này là Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng muốn có thêm tiền để khôi phục lại khả năng thống trị và áp đảo bất cứ đối thủ nào mạnh nhất đối với quân đội Mỹ.

Hiện nay, ngân sách quốc phòng Mỹ là 584 tỷ USD, nếu được Quốc hội Mỹ chấp thuận, ngân sách quân sự mới của Mỹ sẽ giúp các lực lượng vũ trang nước này có thêm điều kiện để vượt xa các cường quốc quân sự lớn nhất thế giới hiện nay là Nga và Trung Quốc.

Chạy đua vũ trang ở châu Á sẽ bị kích thích?

Ông Donald Trump ngay từ lúc còn đang tranh cử cũng đã tuyên bố sẽ gia tăng số lượng các loại tàu chiến cho Hải quân Mỹ và coi khu vực châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm cần hiện diện sức mạnh.

Theo nhận định của giới chuyên gia, kế hoạch chi tiêu quân sự ở quy mô lớn của ông Trump chắc chắn sẽ kích thích sự lo lắng của Trung Quốc, thôi thúc nước này tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự và hậu quả là sẽ đẩy hai cường quốc vào tình thế an ninh tiến thoái lưỡng nan, vô cùng nguy hiểm.

Viễn cảnh này rất có thể diễn ra bởi kế hoạch chi tiêu quốc phòng quy mô lớn của Trump cũng bị thôi thúc bởi sự gia tăng sức mạnh quân sự ở quy mô lớn, tốc độ nhanh cộng với hơi hướng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

Khi Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự, các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực cũng sẽ phản ứng dây chuyền, buộc phải mua sắm thêm nhiều vũ khí phòng thủ hơn để răn đe và đề phòng các tình huống khó lường có thể xảy ra.

Trong những năm gần đây, cùng với việc gia tăng các hành động quân sự, ráo riết chiếm đoạt thêm các đảo đá trên khu vực biển Đông, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh tốc độ đóng, biên chế các loại tàu công vụ, vũ trang, tàu sân bay và tàu ngầm để trang bị cho lực lượng hải quân và các đơn vị thuộc lực lượng mà họ gọi là “chấp pháp trên biển”.

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm công bố gần đây cũng đã cho thấy, ngân sách quốc phòng của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng thêm nhiều cấp độ so với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh trong vòng 5 năm qua.

Kế hoạch đáp trả Mỹ tiềm tàng từ Trung Quốc

Gần đây, một báo cáo do Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh song phương Mỹ - Trung trình Quốc hội Mỹ chỉ rõ rằng, đứng trước mối quan hệ căng thẳng với Mỹ và các nước láng giềng ở biển Đông, Trung Quốc đang tích cực mở rộng quy mô hải quân, dự tính trước năm 2020 số lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ tăng lên 351 chiếc.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có thể khôi phục tỷ lệ tăng trưởng hai con số, do Quân đội Trung Quốc đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức hơn ở trong và ngoài nước.

Trong nước, lý do buộc Trung Quốc sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng là do nước này đang thực hiện chính sách cắt giảm quân số, buộc phải nâng cấp vũ khí trang bị để bù lại... Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu nhất thôi thúc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng là Bắc Kinh muốn chuẩn bị để ứng phó với các hoạt động can thiệp tiềm tàng của Mỹ, Nhật Bản cũng như tiếp tục tìm cách áp đặt yêu sách vô lý ở biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.