Hồ sơ tài liệu

Châu Âu đóng cửa lộ trình Balkan ngăn làn sóng nhập cư

10/03/2016, 16:36

Áo, Hungary và Slovakia đã thắt chặt kiểm soát biên giới, khiến hàng nghìn di dân bị mắc kẹt ở Hy Lạp.

16 (1)
Hàng triệu người di cư đang tìm kiếm con đường khác để vào châu Âu

Các nước khu vực Balkan đã có những bước đi đầu tiên trong việc đóng cửa lộ trình qua khu vực này đối với hàng triệu người di cư đang đổ về châu Âu. 8 trong số các thành viên của khu vực này gồm: Áo, Hungary và Slovakia đã thắt chặt kiểm soát biên giới, khiến hàng nghìn di dân bị mắc kẹt ở Hy Lạp.

Không đủ năng lực tiếp nhận

Slovenia - thành viên EU và là một trong những điểm quá cảnh để người nhập cư tìm đường đến Đức và các nước Bắc Âu khác, là nước hành động đầu tiên khi áp dụng các biện pháp hạn chế biên giới mới với người di cư. Theo đó, kể từ 23h đêm 8/3 (6h sáng 9/3 theo giờ Việt Nam), chỉ những người di cư có kế hoạch xin tị nạn tại Slovenia, hoặc những người có nhu cầu nhân đạo rõ ràng mới được phép nhập cảnh.

Thủ tướng Slovenia Miro Cerar cho biết, tuyến đường Balkan hiện “đang đóng lại rất hiệu quả”. Ông cho biết, những hạn chế này là một phần của một sáng kiến lớn hơn giúp các nước Balkan khác, cũng như Hy Lạp và với sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, buộc tất cả những người di cư bất hợp pháp phải quay về.

Sau khi Slovenia công bố hạn chế mới, Croatia và Serbia tuyên bố sẽ có hành động tương tự. Bộ Nội vụ Serbia (một nước không thuộc EU, cũng như không nằm trong khối Schenggen) cho biết sẽ đóng cửa biên giới với Macedonia và Bulgaria đối với những người không có giấy tờ hợp lệ. Thông cáo của Bộ Nội vụ Serbia viết: “Cần nhớ rằng hệ thống mới đã được một thành viên EU bổ sung, Serbia không đủ năng lực để trở thành một trung tâm thu nhận người tị nạn”.

Thông báo của Bộ Nội vụ Serbia nhấn mạnh, quyết định nói trên đồng nghĩa với việc “đặt dấu chấm hết” đối với tuyến Balkan vốn là lộ trình mà hàng trăm nghìn người di cư vượt qua trong năm ngoái để tìm cách tới các nước Tây Âu.

Thông cáo cũng nêu rõ sau khi cân nhắc tới chính sách mới mà một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần thực hiện, Serbia không thể tự cho phép mình trở thành trung tâm tập trung của người tị nạn. Do vậy, chính quyền Belgrade sẽ nỗ lực làm hài hòa các biện pháp của Serbia với EU, đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ biên giới phía Nam giáp Macedonia và phía Đông giáp Bulgaria.

Tìm kiếm lộ trình khác

Lộ trình Balkan là tuyến đường trên bộ mà hàng trăm nghìn người di cư và xin tị nạn  sử dụng để tới các nước Bắc Âu từ cửa ngõ Hy Lạp. Việc đóng cửa tuyến đường này khiến nhiều nước lo ngại người di cư sẽ đi theo lộ trình khác để vào châu Âu.

Phản ứng trước động thái của các nước Balkan, các nước khu vực Baltics như Estonia, Latvia, Lithunia đang siết chặt kiểm soát thẻ căn cước (ID) và dựng hàng rào trên đường biên giới phía Đông của mình do lo ngại khu vực này sẽ trở thành cửa ngõ mới cho những người tị nạn trong bối cảnh các tuyến đường di cư qua khu vực Balkan bị đóng chặt.Italia, một trong những nước cửa ngõ phía Nam để vào châu Âu, cũng lo ngại không kém khi tuyến đường Balkan bị đóng cửa.

Italia đang buộc phải kiếm tìm những thỏa thuận hợp tác với các nước ở bán đảo này nhằm tránh xảy ra nguy cơ dòng người từ đây vượt biển sang Italia.

Hôm qua Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết: Có tới 91% người di cư Afghanistan, Iraq và Syria tới Hy Lạp là để chạy trốn khỏi các cuộc xung đột và bạo lực chứ không nhằm mục đích kinh tế.

Điều phối viên của UNHCR, ông Vincent Cochetel nói rằng, thỏa thuận mà EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vừa qua, trong đó, việc trục xuất tập thể những người nước ngoài trên các hòn đảo của Hy Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ là vi phạm Công ước Nhân quyền châu Âu, đi ngược với luật pháp châu Âu và quốc tế.

Hôm qua, ông Sandro Gozi, Trợ lý đối ngoại phụ trách khu vực châu Âu của Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã tới Tirana để gặp các quan chức cấp cao của Albania, trong đó có Thủ tướng Edi Rama và Chủ tịch Quốc hội Ilir Meta để thảo luận về việc tăng cường hợp tác với Albania trong nhiều lĩnh vực và hai bên sẽ sớm ký một bản ghi nhớ về kiểm soát biên giới và tuần tra trên biển.

Ông Gozi khẳng định, hai nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến người di cư, tăng cường các hoạt động chung. Albania sẽ giữ vai trò chính trong việc tuần tra trên biển và Chính phủ Italia sẽ đóng góp phần lớn nguồn tài chính cho việc kiểm soát lãnh hải.

Việc Macedonia kiểm soát chặt chẽ biên giới với Hy Lạp đã dẫn đến những quan ngại rằng dòng người di cư sẽ thay đổi lộ trình, không di chuyển bằng đường bộ qua các nước Balkan mà sẽ vượt biển để tới Italia, chủ yếu từ Albania.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.