Thế giới giao thông

Châu Phi đầu tư giao thông để thoát nghèo

11/04/2015, 16:33

Thiếu đầu tư vào hạ tầng giao thông khiến kinh tế châu Phi không thể phát triển.

101

Dễ bắt gặp hình ảnh xây dựng đường khi đi tới bất cứ đâu tại châu Phi

Chi phí vận chuyển cao gấp 2-3 lần

Những ai từng có lần đi du lịch khu vực hạ Sahara châu Phi, nơi có thác Victoria - Zambia, sông Nile, sông Congo, thung lũng Great Lift… đều nhận thấy thực trạng vận tải hành khách và hàng hóa khu vực này tồi tàn tới mức nào. Chỉ khoảng 16% con đường khu vực hạ Sahara được thảm nhựa - mức thấp nhất trên thế giới. Còn tại Nam Phi, chỉ có 58% con đường được thảm nhựa.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí vận chuyển hàng hóa tại châu Phi cao gấp hai đến ba lần so với các nước phát triển. Ngoài ra, thiệt hại về người và vật chất trong các vụ TNGT do chất lượng hạ tầng kém ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Ví dụ, thiệt hại do tai nạn thảm khốc tại Uganda làm sụt giảm GDP của nước này xuống 2,7%/năm.

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì đầu tư tài chính vào cơ sở hạ tầng giúp tạo lợi nhuận gần như lập tức. Mỗi 1 USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ góp phần tạo ra 0,25 USD GDP hàng năm. Đầu tư vào hạ tầng giao thông sẽ mang về lợi nhuận đủ để hoàn vốn trong vòng bốn năm. Cơ sở hạ tầng yếu kém sẽ làm tăng chi phí giao thông, lợi nhuận giảm sút. Ngược lại, hạ tầng tốt sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh, mở đường cho sự phát triển vững mạnh của kinh tế - xã hội… WB cho biết, tăng cường toàn diện cơ sở hạ tầng sẽ giúp nền kinh tế phát triển 2%/ năm. Chính vì vậy, nhiều năm gần đây, Chính phủ các nước châu Phi quan tâm “chăm chút” cho hạ tầng giao thông như một trong những giải pháp thoát nghèo.

Đầu tư mạnh các dự án giao thông

Theo báo cáo “Xu hướng xây dựng của châu Phi” do Công ty Kiểm toán quốc tế Deloitte thực hiện, đầu tư vào các dự án lớn của châu Phi tăng 46% (326 tỷ USD) trong năm 2014 so với cùng kỳ năm trước, trong đó các dự án giao thông được đầu tư mạnh nhất.

Để phát triển cùng lúc nhiều dự án lớn như vậy, ngân sách các nước châu Phi không thể đủ, phải dựa phần lớn vào nguồn vốn từ nước ngoài, các tổ chức hỗ trợ, các nhà đầu tư tư nhân. Trung Quốc là một trong những nguồn đầu tư lớn nhất vào châu Phi. Nhà báo người Mỹ gốc Phi Howard French cho biết, riêng trong năm 2012, Trung Quốc đầu tư 200 tỷ USD vào châu Phi. Mới đây, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Liên minh châu Phi để xây dựng một hệ thống các tuyến đường sắt cao tốc nối tất cả các nước châu Phi trong vòng vài thập kỷ tới. 

Một thập kỷ qua, hệ thống đường bộ của châu Phi được phát triển thêm trung bình 7.500 km/năm - tăng mạnh so với nhiều thập kỷ trước đó. Trong số đó, các nước phát triển đường bộ nhanh nhất là Tanzania và Lesotho, với mức tăng trung bình tương ứng 15% và 24% - theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Phi.

Tới đây, sẽ có rất nhiều công trình giao thông lớn kết nối các nước châu Phi được hoàn thành. Đường cao tốc liên Sahara từ Algiers đến Lagos đã hoàn thành 85% và có thể thông xe trong năm nay. Năm 2016, đường cao tốc đầu tiên nối Thủ đô Cairo (Ai Cập) và TP Cape Town (Nam Phi) sẽ được hoàn thành.

Không chỉ đường bộ, đường sắt cũng đang dần chuyển mình. Những tuyến đường sắt ọp ẹp được tân trang, nhiều tuyến mới được xây dựng. Một trong số đó là tuyến nối Mombasa - Nairobi với đường ray khổ tiêu chuẩn do Trung Quốc đầu tư, thay thế cho đường sắt khổ hẹp tuổi đời hơn 100 năm từ thời còn là thuộc địa của Anh. Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc sẽ bỏ 90% vốn (3,8 tỷ USD), do TCT Xây dựng giao thông Trung Quốc thi công. Tuyến đường dài 610km, được khởi công từ tháng 10 năm ngoái, dự kiến hoàn thành đầu năm 2018. Tuyến đường sắt này sẽ giúp cắt giảm 60% chi phí vận chuyển 1 tấn hàng hóa/km từ 20 cent Mỹ xuống còn 8 cent. Đây chỉ là một trong ba dự án xây dựng hành lang đường sắt đang được xây dựng tại khu vực Đông Phi.

Một dự án khác là tuyến đường sắt nối cảng Lamu (Kenya) với Nam Sudan và Ethiopia thuộc dự án khổng lồ tầm cỡ nhất châu Phi - “Hành lang giao thông nối cảng Lamu và Sudan - Ethiopia (LAPSSET)” bao gồm các công trình cảng nước sâu, đường bộ, đường sắt, nhà máy lọc dầu… dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2030 chi phí ước tính 23 triệu USD. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.