Y tế

Chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 ở tâm dịch TP.HCM

31/07/2021, 16:50

Đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện đã và đang gắng sức chạy đua với thời gian, làm việc gấp đôi, gấp ba để trở thành điểm tựa cho người bệnh.

TP HCM đang điều trị khoảng 40.000 ca dương tính Covid-19, trong đó khoảng 600 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 trường hợp phải can thiệp ECMO. img

Đội ngũ bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Zing

Vững trãi điểm tựa cho người bệnh

Đồng hồ đã điểm 15h, tại tầng 4 của khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện TP Thủ Đức, trên bàn phòng trực của nhân viên y tế vẫn còn một vài hộp cơm canh nguyên vẹn, nguội ngắt.

Từ ngày chính thức đi vào hoạt động (16/7) đến nay, khu điều trị này đã tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân/300 giường được giao, công việc nối tiếp công việc nên y, bác sĩ nhỡ bữa cũng là chuyện thường tình…

Tại một phòng bệnh, các bác sĩ nỗ lực hỗ trợ thở oxy cho cụ bà tên Thạnh (66 tuổi) có khuôn mặt tái xanh đi vì mệt. Khi hơi thở đã dịu đi phần nào, bà Thạnh liền vội lật tìm chiếc điện thoại rồi đưa về phía BS. Nguyễn Bá Tùng.

Nhiều ngày nay, BS. Tùng là người kết nối để bà cụ được nói chuyện với người con gái cũng mắc Covid-19 và đang được điều trị tại một bệnh viện khác.

Nghe giọng của con gái, cụ bà yên lòng. BS. Tùng tiếp tục trấn an: “Cụ yên tâm, con gái cụ khỏe. Tụi con cũng sẽ cố gắng liên hệ để chuyển con gái của cụ đến đây. 2 mẹ con vừa điều trị vừa tiện chăm sóc nhau”.

Nằm điều trị ở phòng bên cạnh, ông Hùng (53 tuổi) người gầy rộc, mưu sinh bằng nghề bán vé số sau khi mất sức lao động bởi một tai nạn giàn giáo cách đây ít năm.

Ông là người gốc Bến Tre nhưng mưu sinh ở đất Sài thành ngót nghét hai chục năm. Ngày mới vào viện, ông Hùng suy sụp vì vốn chỉ một thân, một mình, nay lại bất ngờ mắc Covid-19.

Thế nhưng “điều may mắn là các bác sĩ ở đây đều tận tình, chu đáo, tôi cũng đỡ buồn tủi hơn…”, ông Hùng nói và mong ngóng ngày mình sớm bình phục để được ra viện.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít đang tất bật sắp xếp các vật tư cần thiết cho ca trực, điều dưỡng Lê Thị Thanh Loan (26 tuổi) vừa thay ca cho một điều dưỡng khác.

Tại đây, các điều dưỡng chia thành 3 ca 4 kíp, nhưng với lượng bệnh nhân quá đông, việc ra ca trễ hoặc người khác vào ca sớm hơn để hỗ trợ cho đồng nghiệp là chuyện bình thường.

Chị Loan chia sẻ, áp lực hiện tại của chị và các đồng nghiệp là bệnh nhân quá nhiều, khối lượng công việc luôn quá tải. Đặc biệt, tại đây đang điều trị cho nhiều cụ già, hầu hết đều mắc các bệnh nền, thể trạng yếu.

Nhiều cụ có hoàn cảnh đơn thân, lại thêm mắc Covid-19 nên không tránh khỏi những lúc “trái tính”, “trái nết”, phải dỗ dành như những đứa trẻ.

Theo lời chị kể, bản thân và các đồng nghiệp bữa nào cũng ăn vội vàng để kịp vào với bệnh nhân, nhưng việc chăm sóc cho các cụ lại là một “thách thức” đòi hỏi sự điềm tĩnh, kiên trì.

Chị Loan và tất cả các bác sĩ, điều dưỡng ở đây đều hiểu rõ họ đều là những bệnh nhân yếu thế, ngoài việc hỗ trợ điều trị tốt nhất, họ cần được quan tâm, cần những điểm tựa.

Làm việc gấp đôi, gấp ba và nhiều hơn nữa

TS. BS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM với quy mô 1.000 giường, cho biết: “Theo cách tính thông thường, trung bình mỗi bệnh nhân cần 2 nhân lực y tế thì đối với trường hợp các bệnh nhân nặng, nguy kịch, tỷ lệ này sẽ gia tăng lên gấp 3. Trong trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch thì gánh nặng này càng lớn bởi yêu cầu túc trực chăm sóc, sẵn sàng cho những trường hợp diễn tiến bất thường cũng như nguy cơ lây nhiễm”.

“Các nhân viên y tế không chỉ làm việc gấp đôi, gấp ba mà có lẽ còn nhiều hơn thế nữa”. TS. BS. Nguyễn Tri Thức chia sẻ thêm.

Với tinh thần “chia lửa” với các bệnh viện tuyến trên hiện đang quá tải, các y, bác sĩ luôn nỗ lực để hồi sức tốt nhất cho người bệnh ngay tại đơn nguyên của mình. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi còn gặp một số khó khăn, tuy nhiên tất cả mọi người đều đồng sức, đồng lòng, chung một ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh nên dần dần đã có nhiều tín hiệu vui.
BS. Nguyễn Bá Tùng, Bệnh viện TP Thủ Đức


Để đáp ứng được nhân sự phục vụ công tác điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã được thành lập với hơn 650 nhân sự đến từ nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương trên cả nước mà theo cách gọi ví von của các bác sĩ là “tập hợp bác sĩ Liên Hợp Quốc”.

Ngoài các y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất (hai đơn vị của Bộ Y tế đóng tại TP HCM), còn có đội ngũ y, bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu (ba đơn vị của TP HCM), Bệnh viện 71 Trung ương (đóng tại Thanh Hóa), Bệnh viện 74 Trung ương (đóng tại Vĩnh Phúc), các đoàn chi viện từ Sở Y tế các tỉnh, thành như Phú Thọ, Hải Phòng...

TS. BS. Nguyễn Tri Thức chia sẻ, nguồn nhân lực tại bệnh viện được phân chia thành nhiều ca, kíp với sự “trộn lẫn” của các y, bác sĩ từ các bệnh viện, các địa phương với nhiều chuyên khoa khác nhau.

Điều đó tạo sự đa dạng trong chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 khi các đội đều có sự tham gia, phụ trách bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh viện Quân Y 175 cũng mới đưa vào hoạt động Trung tâm điều trị Covid-19 với quy mô 200 giường để góp phần chia lửa cùng TP HCM.

Thiếu tướng, PGS. TS. TTND. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 chia sẻ: “Để đáp ứng nhanh chóng trước sự gia tăng của số lượng bệnh nhân Covid-19, công tác chuẩn bị, chăm sóc, điều trị là điều không đơn giản, các nhân viên y tế đã cố gắng hết sức. Hơn một tháng nay, nhân viên bệnh viện chúng tôi hầu như không về nhà, tất cả cũng đang phải đối mặt với những áp lực vô cùng lớn”.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, ngoài lực lượng khoảng 300 bác sĩ, điều dưỡng, hồi sức, kỹ thuật viên tham gia chi viện tại 8 bệnh viện trong hệ thống tháp 3 tầng của TP HCM, nhân lực của bệnh viện còn tham gia vào nhiều công tác khác như lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức 15 đội tiêm vaccine phòng Covid-19, 4 xe cấp cứu phục vụ công tác tiêm chủng… Đồng thời nhân sự y tế vẫn phải đảm bảo phục vụ công tác khám, chữa bệnh nội trú, ứng trực cấp cứu tại bệnh viện.

“Để đồng thời đảm trách nhiều chức năng nhiệm vụ đó không chỉ đòi hỏi các bác sĩ có trình độ chuyên môn, tinh thần làm việc cao độ, không quản ngại khó khăn, mà còn đòi hỏi một trái tim đong đầy nhiệt huyết”, BS. Bắc chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.