Xã hội

Chạy đua khốc liệt với thời gian ở nơi "săn" Covid-19

24/06/2021, 05:30

Bất kể ngày hay đêm, hễ có mẫu bệnh phẩm, những nhân viên y tế ở Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An lại lao ngay vào phòng xét nghiệm...

img

Những "chiến sĩ" thầm lặng của CDC Nghệ An vẫn từng ngày, từng giờ chạy đua với thời gian để lấy mẫu, sàng lọc và phân tích mẫu góp phần tích cực cho công tác phòng chống dịch

Chiến đấu với... thời gian

Sau khi nhận điện thoại và bố trí người dẫn chúng tôi qua cửa kiểm soát, thực hiện các biện pháp phòng dịch, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm CDC Nghệ An vội vã rời đi.

Ông còn phải đi họp chỉ đạo khoanh vùng lấy mẫu, tiếp nhận vật tư y tế. Còn vị trưởng phòng chuyên môn cũng chỉ kịp hướng dẫn sơ qua quy trình tiếp nhận mẫu, phân loại, đưa vào máy phân tích như thế nào rồi cũng phải cáo lui vì còn phải tổng hợp, làm báo cáo kết quả xét nghiệm lên tỉnh, ra Bộ.

img

Có những thời điểm, nhân viên y tế tại CDC Nghệ An phải ngồi thâu đêm để nhập dữ liệu và làm xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu bệnh phẩm

Tranh thủ mấy giây rửa tay sát khuẩn, bác sĩ Đặng Văn Tiến cho biết, anh đang cùng đồng nghiệp nhập thông tin hơn 5.000 mẫu bệnh phẩm được lấy ở huyện Nam Đàn vào máy tính trước khi đưa lên phòng xét nghiệm.

“Hôm nay từng đó là ít, có đêm có tới mấy chục ngàn mẫu bệnh phẩm, anh em ngồi thâu đêm đến sáng sớm hôm sau luôn”, anh Tiến nói và cho biết thêm: "Trên mỗi lọ đựng bệnh phẩm đều ghi thông tin, dữ liệu của người được lấy mẫu. Nếu nhập vào mà trùng với danh sách đã được lập sẵn từ trước trong máy tính là đúng. Còn nếu có sự sai lệch thì phải liên lạc với địa phương, đơn vị lấy mẫu để đối chiếu, khi nào trùng khớp mới thôi".

Đó là quy trình đối với việc lấy mẫu sàng lọc trong cộng đồng. Còn đối với những trường hợp đã được xác định là F1 thì được chuyển thẳng lên phòng xét nghiệm để có kết quả sớm nhất, chính xác nhất, đáp ứng nhanh cho công tác phòng dịch.

Trong khi đó, tại phòng xét nghiệm Covid-19 thuộc Khoa Xét nghiệm – Chuẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng, công việc của cán bộ, nhân viên y tế còn khẩn trương hơn gấp nhiều lần.

Chỉ riêng giai đoạn tách chiết mẫu bệnh phẩm, các bác sĩ, kỹ thuật viên cũng đã phải thực hiện rất nhiều thao tác khác nhau.

Như để chứng minh cho chúng tôi biết về khối lượng công việc khổng lồ, ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính CDC Nghệ An nói: "Bình thường trung tâm có thể xét nghiệm khoảng 20.000 mẫu/ngày đêm, khi dịch bùng phát và được Tập đoàn VinGroup cho mượn thêm 3 bộ máy, chúng tôi đã chạy được tới mức 47.000 mẫu/ngày đêm. Khối lượng công việc khổng lồ như vậy nên anh em phải tranh thủ từng giây phút. Có những thời điểm không kịp ăn uống, bác sĩ và kỹ thuật viên phải đứng trong phòng xét nghiệm cả 5 – 6 tiếng liên tục”.

img

"Cuộc chiến" thầm lặng nhưng đầy rẫy rủi ro của những bác sĩ, nhân viên y tế ở CDC Nghệ An đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ

Những “trận chiến” âm thầm nhưng đầy rủi ro

Nhiều năm làm việc tại Khoa Phòng chống HIV nên bác sĩ Đặng Văn Tiến đã quá quen với virus truyền nhiễm. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Nghệ An, anh được tăng cường xuống khu vực tiếp nhận mẫu bệnh phẩm. Nhiệm vụ của anh và các nhân viên tại đây là tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm từ các huyện, các đơn vị trong tỉnh gửi về rồi nhập vào máy tính trước khi đưa lên phòng xét nghiệm.

Mới nghe ra thì đơn giản, nhưng ít ai biết công việc của anh Tiến và những nhân viên ở đây cũng đầy rẫy nguy hiểm, rủi ro.

“Mình cầm mẫu bệnh phẩm cũng được xem như là trực tiếp tiếp xúc với chính người đó. Tuy là các mẫu sàng lọc trong cộng đồng nhưng cũng đã có trường hợp xuất hiện F0, ví dụ như trường hợp ở phường Bến Thủy, TP Vinh vừa rồi", anh nói.

"Do vậy trong quá trình cầm ống đựng mẫu bệnh phẩm, nếu không cẩn thận thì mình cũng có những nguy cơ nhất định. Để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người, trong quá trình làm việc, tất cả phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt là việc đeo khẩu trang, tấm kính chắn giọt bắn và thường xuyên khử khuẩn”, bác sĩ Tiến cho hay.

Kỹ thuật viên Hồ Vĩnh Tiến cho biết, quy trình xét nghiệm Covid-19 gồm các phòng: tách chiết mẫu bệnh phẩm, pha hóa chất Mix, phòng chạy máy PCR và phòng kết quả. Trong 4 phòng trên thì phòng tách chiết mẫu bệnh phẩm được cho là “bẩn” nhất, vì kỹ thuật viên phải tiếp xúc trực tiếp với mẫu bệnh phẩm.

Đây là phòng áp lực âm được thiết kế đặc biệt, với 2 lớp cửa ra vào. Cửa đưa mẫu bệnh phẩm từ bên ngoài vào cũng có khóa riêng, mở bên ngoài thì bên trong đóng và ngược lại. Cửa đưa mẫu bệnh phẩm từ phòng tách chiết mẫu bệnh phẩm sang phòng Mix và phòng chạy PCR cũng tương tự.

“Mặc dù các bác sĩ, kỹ thuật viên đều mặc đồ bảo hộ y tế và các xét nghiệm đều được thực hiện trong phòng áp lực âm nhưng rủi ro nhiễm virus là vẫn có”, kỹ thuật viên Tiến chia sẻ.

Một điều đặc biệt nữa là dù vất vả, nguy cơ rủi ro nhiễm bệnh cao nhưng không ai ca thán 1 lời. Đặc biệt, với phần đông nữ giới trẻ tuổi, họ đều có gia đình, có con nhỏ, nhưng vì mục tiêu "thắng dịch", họ sẵn sàng tạm gác việc gia đình chuyên tâm ngày đêm làm việc.

Công việc ở khu vực này cũng đặc thù, luôn phải mặc đồ bảo hộ, nên hầu như tất cả đều phải điều chỉnh đồng hồ sinh hoạt cá nhân. Có khi 4 - 5 tiếng không uống nước, không đi tiểu. Cũng có lúc chuẩn bị thay ca nghỉ thì có mẫu nghi dương tính được các bệnh viện test nhanh rồi chuyển lên. Họ lại tiếp tục làm việc cho đến khi có kết quả mới đổi ca.

"Kết quả có sớm phút nào, việc cách ly cũng được tiến hành nhanh hơn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cũng như giảm áp lực cho nhiều lực lượng chống dịch và người dân", anh Tiến cho biết.

Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại tại Trung tâm CDC Nghệ An ngày 23/6:

img

Trên mỗi lọ đựng mẫu bệnh phẩm đều được ghi thông tin của từng cá nhân

img

Khi nhập thông tin trên lọ đựng mẫu bệnh phẩm trùng với thông tin trên dữ liệu máy tính là đúng, còn nếu sai lệch phải điều tra lại đến khi nào đúng thì thôi

img

Việc cầm số lượng lớn lọ đựng mẫu bệnh phẩm để đọc cho người còn lại nhập thông tin vào máy tính bắt buộc anh Đặng Văn Tiến phải rửa tay sát khuẩn thường xuyên

img

Đôi tay anh Đặng Văn Tiến bị nước "ăn" do đeo găng tay y tế thời gian dài

img

Kỹ thuật viên Hồ Vĩnh Tiến giới thiệu quy trình "săn" Covid-19 cho PV Báo Giao thông

img

Để vào phòng xét nghiệm, các bác sĩ, kỹ thuật viên phải mặc đồ bảo hộ toàn thân

img

Và đội thêm kính ngăn giọt bắn

img

Phòng tách chiết mẫu bệnh phẩm là phòng "bẩn" nhất, nên được thiết kế rất phức tạp với 2 lớp cửa

img

Các mẫu bệnh phẩm từ bên ngoài đưa vào đây cũng được đưa qua 1 cửa riêng có khóa đặc biệt, bên này mở thì bên kia khóa

img

Mặc dù là máy xét nghiệm nhưng các bác sĩ, kỹ thuật viên cũng phải thực hiện rất nhiều thao tác thủ công

img

Vì vậy, dù mặc đồ bảo hộ và thực hiện trong phòng áp lực âm nhưng việc tiếp xúc trực tiếp với mẫu bệnh phẩm cũng khiến các bác sĩ, kỹ thuật viên có những rủi ro nhất định

img

Khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng những bác sỹ, kỹ thuật viên tại CDC Nghệ An đều chạy đua với máy móc và thời gian để cho kết quả sớm nhất giúp việc phòng dịch có hiệu quả hơn

img

Sau khi mẫu bệnh phẩm được tách chiết xong sẽ được chuyển sang phòng PCR cũng bằng 1 hệ thống cửa khóa đặc biệt

img

Bên cạnh việc xét nghiệm cho việc sàng lọc trong cộng đồng, CDC Nghệ An còn thực hiện test nhanh và xét nghiệm dịch vụ cho người dân có nhu cầu gấp

CDC Nghệ An có tổng số 221 cán bộ, bác sỹ và nhân viên y tế. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Vinh (13/6) đến nay, trung tâm đã huy động toàn bộ để truy vết, lấy mẫu và làm xét nghiệm.

Từ ngày 19/6, CDC Nghệ An được Tập đoàn VinGroup hỗ trợ sinh phẩm và 3 máy xét nghiệm PCR cùng nhân lực vận hành thiết bị. Ngoài xét nghiệm, sàng lọc trong cộng đồng, CDC Nghệ An còn thực hiện test nhanh hoặc làm xét nghiệm PCR cho những người dân có nhu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.