Vận tải

Chạy đua lập hãng hàng không

22/06/2017, 10:15

Sự kiện ông chủ FLC bày tỏ tham vọng “lấn sân” sang hàng không đã khiến thị trường vận tải càng thêm nóng.

90

Hãng hàng không Hải Âu vẫn đang xúc tiến mở rộng quy mô

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airways) cũng vừa chính thức nộp hồ sơ đến Cục Hàng không VN xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Tại hồ sơ xin cấp phép, Viet Bamboo Airways có văn bản xác nhận vốn điều lệ 700 tỷ đồng; Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp; Quyết định bổ nhiệm nhân sự; Hợp đồng lao động; Điều lệ hoạt động và thoả thuận về việc thuê máy bay. Được biết, Viet Bamboo Airways đã ký thoả thuận thuê 7 máy bay thân hẹp một lối đi thuộc dòng A320 của Airbus để phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2018.

Về lý thuyết, nếu người giàu nhất trên sàn chứng khoán hiện nay thực sự quyết tâm, cơ hội được “bay” không phải là không có. Tuy nhiên, cánh cửa sẽ rất hẹp bởi FLC không phải là cái tên duy nhất “nhăm nhe” gia nhập thị trường hàng không.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Hãng hàng không Hải Âu cho biết, vẫn đang xúc tiến các thủ tục pháp lý cần thiết để nộp hồ sơ xin điều chỉnh mở rộng quy mô hoạt động của Hãng hàng không Hải Âu từ kinh doanh hàng không chung sang kinh doanh vận tải hàng không. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Tập đoàn Thiên Minh (TMG) - “cha đẻ” Hãng hàng không Hải Âu và Tập đoàn Hàng không giá rẻ của Malaysia AirAsia vẫn đang rất quyết tâm được “bay” sau khi công bố kế hoạch hợp tác thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam hồi đầu tháng 4 năm nay.

Sở dĩ, phải dùng cụm từ “rất quyết tâm” bởi ngay khi kế hoạch hợp tác này của Thiên Minh được tiết lộ, thị trường cũng đón nhận thông tin Công ty TNHH MTV Vietstar bị từ chối cấp phép bay với công bố của Chính phủ về “việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất”.

“Kế hoạch của chúng tôi không liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất nên không bị ảnh hưởng”, đại diện Hải Âu nói và cho biết thêm: Dự kiến, mạng bay của liên doanh này sẽ là những tuyến bay mới “không đụng hàng”. Thời gian đầu sẽ tập trung vào thị trường quốc tế, cụ thể là các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng đi các nước Đông Nam Á và châu Á vốn là lợi thế cạnh tranh của AirAsia, trong đó các điểm đến của Việt Nam chỉ là trung chuyển trên mạng bay của AirAsia.

Cũng như Thiên Minh, Vietstar Air vẫn “tha thiết” được bay từ năm 2018 bằng cách điều chỉnh giảm một nửa quy mô và tận dụng mọi năng lực về hạ tầng sẵn có không ảnh hưởng đến năng lực hiện tại của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thị trường hàng không Việt Nam hiện mới chỉ có sự góp mặt của 4 cái tên lớn gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, trong đó quyết liệt nhất vẫn là cuộc chiến tay đôi giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air. Theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng không, sự bùng nổ của hàng không giá rẻ trong những năm qua đã góp công lớn khiến thị trường có bước phát triển nhảy vọt với mức tăng trưởng hàng năm luôn ở mức 2 con số. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường cũng tỷ lệ thuận với độ cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng hàng không và lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả để đưa ra mức giá vé hợp lý và dịch vụ tốt nhất. Không có gì nghi ngờ, nếu có thêm “tân binh”, sức cạnh tranh trên thị trường sẽ càng trở nên khốc liệt. Tất nhiên, khó khăn sẽ thường đổ lên vai “người mới”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.