Quản lý

“Chạy nước rút” giải ngân hơn 30.000 tỷ vốn giao thông

01/07/2022, 13:44

Khối lượng vốn thực hiện 6 tháng cuối năm của các dự án giao thông lên đến 33.100 tỷ đồng, chủ yếu nằm tại các công trường dự án đang triển khai

Huy động tổng lực đẩy tiến độ dự án

Những ngày cuối tháng 6/2022, trên công trường gói thầu XL03 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt do Công ty CP Tập đoàn Cienco4 phụ trách, hàng trăm đầu máy, thiết bị rầm rập thi công đồng loạt các hạng mục từ đường, hầm đến cầu.

img

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Tạ Hải

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc gói thầu XL03, kể từ ngày nhận lệnh tăng tốc của Bộ GTVT, đơn vị đã huy động gần 300 kỹ sư, công nhân và hơn 100 đầu máy, thiết bị.

Con số này gấp 3 lần so với 5 tháng trước. Đến nay, nhà thầu đã tổ chức đủ 12/12 mũi thi công theo đúng kế hoạch điều chỉnh.

Theo số liệu từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban QLDA tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, đã phân bổ toàn bộ 4.877 tỷ đồng (100%) vốn nước ngoài và 40.466 tỷ đồng (89%) vốn trong nước. Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ GTVT dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.
Về kết quả giải ngân, đến hết tháng 6/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm: 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài (đạt 37,8%) và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước (đạt 33,8%).


Nếu thời gian đầu khối lượng giải ngân chỉ được khoảng 20 tỷ đồng/tháng thì hiện tại, con số này tăng gấp 3, lên khoảng 60 tỷ đồng.

Sản lượng thi công toàn gói thầu đã đạt 120 tỷ đồng, tương đương 9,5% giá trị hợp đồng.

“Mục tiêu giải ngân 500 tỷ đồng trong năm 2022 của Cienco4 hoàn toàn khả thi”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, tại dự án Mai Sơn - QL45, một lãnh đạo Ban điều hành dự án cho biết, theo kế hoạch đăng ký, năm 2022, dự án phải giải ngân 3.000 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí xây lắp là 2.882 tỷ đồng. Tính đến nay, khối lượng giải ngân toàn dự án đã đạt khoảng 50%, riêng sản lượng xây lắp đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.

“Ở các gói thầu dự án Mai Sơn - QL45, tỷ lệ nghiệm thu thanh toán trên sản lượng để giải ngân đều đạt trên 80 - 90%”, vị này nói và cho biết, kết quả ấy có được nhờ các nhà thầu bám sát tiến độ thi công hiện trường.

Ban điều hành cũng đẩy nhanh tiến độ làm hồ sơ nội nghiệp để nghiệm thu, thanh toán tối đa sản lượng đủ điều kiện cho nhà thầu, tính toán trượt giá ngay khi địa phương công bố chỉ số giá xây dựng hàng quý.

Thậm chí, nếu địa phương chưa công bố, ban điều hành dự án sẽ sử dụng chỉ số của những quý trước để tạm thanh toán, khi có chỉ số mới sẽ cân đối lại.

Là một trong các dự án ODA đang triển khai, dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên cũng đang có kết quả giải ngân khả quan.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA 2) cho biết, năm 2022, dự án được giao vốn 626 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, công tác giải ngân đã vượt kế hoạch được giao 50%.

Riêng vốn giao cho công tác GPMB (150 tỷ đồng) đã giải ngân xong và tiếp tục xin bổ sung 88 tỷ đồng. Dự kiến số vốn xin thêm này sẽ hoàn thành giải ngân trong tháng 9/2022.

“Để đạt được kết quả này, mỗi gói thầu có khối lượng phát sinh đều được huy động 5 - 6 mũi nền so với 2 - 3 mũi theo yêu cầu. Mục tiêu năm nay các nhà thầu sẽ đưa gói thầu số 3 nằm trên địa bàn hai huyện An Khê và Đắk Pơ về đích trước 3 tháng, trong khi dự kiến ban đầu là tháng 3/2023”, ông Tân thông tin.

Điều hòa vốn để đảm bảo kế hoạch

Dù công trường dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt đã thoát cảnh ảm đạm, ì ạch như thời điểm đầu năm, song ông Hoàng Triệu Long, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban QLDA 6) vẫn không khỏi sốt sắng khi hơn 2.000 tỷ đồng kế hoạch vốn (vốn góp Nhà nước - VGF) phải giải ngân trong năm 2022 đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Ông Long cho biết, theo Nghị quyết 20 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 52 Quốc hội về đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án phải giải ngân tối thiểu 50% vốn chủ sở hữu (511 tỷ đồng) thì mới giải ngân đồng thời 3 nguồn vốn: Vốn chủ sở hữu, vốn VGF và vốn tín dụng.

Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án mới tổ chức 86 mũi thi công so với 119 mũi thi công theo yêu cầu, dẫn đến sản lượng thi công chưa đáp ứng điều kiện. Dự kiến, đến tháng 7/2022, doanh nghiệp dự án sẽ cán mốc giải ngân tại dự án 511 tỷ đồng. Vốn VGF sẽ bắt được giải ngân cùng vốn tín dụng ngân hàng cấp cho nhà đầu tư.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, năm 2022, nguồn vốn được phân bổ cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 là 16.866 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6/2022, khối lượng giải ngân tại dự án là 6.598 tỷ đồng, đạt 39,1%.


Đáng nói, theo dự kiến vốn VGF tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ được giải ngân từ tháng 5/2022, song thực tế bị chậm mất 3 tháng. Khả năng cao, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ không “tiêu” hết số vốn 2.000 tỷ đồng.

“Nếu trường hợp này xảy ra, Ban QLDA 6 sẽ điều hòa, điều chỉnh nguồn vốn cho các dự án khác Ban phụ trách, đảm bảo giải ngân hết vốn được giao”, ông Long thông tin đồng thời cho biết, năm 2022, Ban QLDA 6 được giao kế hoạch vốn 4.062 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được hơn 1.581 tỷ đồng (đạt 38,94%). Khi vốn VGF được khơi thông, giá trị giải ngân trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng mạnh.

Hơn 30.000 tỷ vẫn “nằm” ở công trường

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2022, Bộ dự kiến giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch.

Theo ông Huy, khối lượng vốn thực hiện 6 tháng cuối năm 2022 là rất lớn, lên đến 33.100 tỷ đồng (65,8%). Số vốn này chủ yếu nằm tại các công trường dự án đang triển khai.

Xác định áp lực này, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 như: Các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt cấp bách, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên...

Nhằm bảo đảm phân bổ, giải ngân hết kế hoạch năm 2022, Vụ Kế hoạch - Đầu tư cũng tham mưu Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết cho tất cả các dự án khởi công mới theo hướng cụ thể theo các mốc tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, mốc tiến độ thực hiện đầu tư và bao gồm dự kiến nhu cầu sử dụng vốn năm 2022, sớm trình lãnh đạo Bộ chấp thuận, để làm cơ sở đôn đốc và điều hành tổng thể kế hoạch vốn.

Giá nhiên, vật liệu leo thang làm khó nhà thầu

Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, thách thức lớn đối với các dự án giao thông hiện nay là giá nhiên, vật liệu bị đẩy lên quá cao trong khi việc công bố chỉ số giá của địa phương không phản ánh kịp thực tế, ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính của nhà thầu.

Vì vậy, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu chính sách đặc thù cho lĩnh vực xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn đầu tư công để bảo đảm tiến độ thi công và tiến độ giải ngân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.