Quản lý

Chạy nước rút giải ngân vốn dự án giao thông

12/01/2022, 08:00

Bước vào tháng cuối cùng giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, các chủ đầu tư ban QLDA rốt ráo triển khai thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tăng tốc cán đích

Những ngày đầu tháng 1/2022, 68 mũi thi công trên công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 rộn ràng khí thế lao động.

Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư) cho biết, năm 2021, dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 được giao hơn 2.938 tỷ đồng kế hoạch vốn.

img

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Tính đến nay, dự án đã giải ngân hơn 2.905 tỷ đồng, đạt 98,9% kế hoạch và dự kiến sẽ đạt hơn 99% kế hoạch khi kết thúc kỳ giải ngân.

“Riêng phần xây lắp giải ngân hơn 2.524 tỷ đồng, vượt kế hoạch từ đầu tháng 12/2021. Không chỉ vượt tiến độ kế hoạch năm 2021 mà hơn 200 tỷ đồng trong kế hoạch vốn năm 2022 của dự án cũng đã hoàn thiện thủ tục để giải ngân”, ông Long chia sẻ.

Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch, Ban QLDA Thăng Long cho biết, năm 2021, đơn vị được giao hơn 8.322 tỷ đồng, tập trung giải ngân các dự án: Cao tốc Mai Sơn - QL45, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long...

“Tính đến nay, tỷ lệ giải ngân của đơn vị đạt khoảng 97% và dự kiến đến hết tháng 1/2021, Ban sẽ giải ngân được hơn 8.278 tỷ đồng, đạt 99,5% kế hoạch Bộ GTVT giao”, ông Sơn thông tin.

Từng là đơn vị nằm trong nhóm “đội sổ” về giải ngân trong tháng 5/2021, đến hết tháng 12/2021, Ban QLDA 6 có sự bứt phá mạnh mẽ khi góp tên trong top 10 đơn vị giải ngân tốt nhất của Bộ GTVT với hơn 2.012/2.070 tỷ đồng, đạt 92,8% kế hoạch vốn được giao.

“Tính đến ngày 7/1, tỷ lệ giải ngân của Ban QLDA 6 tiếp tục được nâng lên 99,2%”, ông Trần Hữu Hải, Q. Giám đốc Ban QLDA 6 cho hay.

Vào giai đoạn nước rút, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đang rốt ráo thực hiện thủ tục giải ngân các dự án trọng điểm đang đảm nhận. Ông Lê Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, đơn vị được giao kế hoạch vốn sau điều hòa, điều chỉnh là 4.192 tỷ đồng.

“Tính đến hết tháng 12/2021, chúng tôi thực hiện giải ngân được 86% kế hoạch và dự kiến đạt 98,6% đến cuối kỳ giải ngân năm 2021”, ông Sáu thông tin.

Tăng tốc giải ngân gần 4.500 tỷ đồng trong “tháng chót”

Đại diện Vụ Kế hoạch & Đầu tư (Vụ KH&ĐT, Bộ GTVT) cho biết, tổng kế hoạch vốn năm 2021 của Bộ GTVT là 43.201 tỷ đồng. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song, lũy kế đến hết tháng 12/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 37.170 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch.

Để công tác giải ngân đạt hiệu quả cao, Ban QLDA, chủ đầu tư phải kiểm soát tốt tiến độ dự án. Đặc biệt, đối với dự án chậm thi công, phải xây dựng kế hoạch bù lại tiến độ và bám sát kế hoạch sau điều chỉnh từng tuần, từng ngày thậm chí là từng giờ.
Trong việc thanh quyết toán sản lượng công trình, kinh nghiệm của Ban QLDA 6 là khi có khối lượng, hồ sơ đến, phải đảm bảo trong một ngày giải quyết thanh quyết toán ngay.

Q. Giám đốc Ban QLDA 6 Trần Hữu Hải


Để kết quả giải ngân kế hoạch cả năm đạt tối thiểu 96% đáp ứng mục tiêu tại Nghị quyết số 63 của Chính phủ, tới hết tháng 1/2022, Bộ phải tiếp tục giải ngân tối thiểu 4.494 tỷ đồng.

Đồng thời xác định, khối lượng giải ngân trên cần tập trung vào 4 nhóm dự án.

Cụ thể, các dự án ODA tới hết tháng 1/2022 còn phải giải ngân 1.835 tỷ đồng (1.484 tỷ đồng vốn nước ngoài và 351 tỷ đồng vốn đối ứng).

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 tới hết tháng 1/2022 còn phải giải ngân 1.312 tỷ đồng.

Trong đó, tập trung hoàn thiện thủ tục thanh toán khối lượng đã thực hiện tại các dự án thành phần đoạn: Vĩnh Hảo - Phan Thiết (396 tỷ đồng), Nha Trang - Cam Lâm (270 tỷ đồng), Phan Thiết - Dầu Giây (188 tỷ đồng), cầu Mỹ Thuận (76 tỷ đồng).

Đối với các dự án trọng điểm, cấp bách tới hết kỳ còn phải giải ngân 1.573 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hoàn thành thủ tục thanh toán khối lượng đã thi công trong năm 2021 của một số dự án như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (306 tỷ đồng), sân bay Tân Sơn Nhất (158 tỷ đồng), tuyến nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (340 tỷ đồng)…

Nhóm cuối cùng cần tập trung giải ngân trong tháng 1/2022 là một số dự án giao thông khác (dự án đang thực hiện, trả nợ BT, nợ đọng xây dựng cơ bản) với tổng vốn cần giải ngân là 3.907 tỷ đồng.

“Trước khối lượng công việc tương đối lớn, các chủ đầu tư, Ban QLDA cần tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thủ tục nghiệm thu thanh toán khối lượng xây lắp, chi trả công tác GPMB; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, xây dựng chế tài đủ mạnh, cụ thể và xử nghiêm các hành vi vi phạm tiến độ dự án”, đại diện Vụ KH& ĐT nói.

Từ kinh nghiệm của đơn vị luôn nằm trong top đầu giải ngân của Bộ GTVT và phải xử lý khối lượng giải ngân “khổng lồ” (chiếm khoảng 25% khối lượng giải ngân của Bộ GTVT), theo lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long, để kế hoạch giải ngân đáp ứng yêu cầu, quan trọng nhất là người phụ trách hiện trường phải bám sát kế hoạch chi tiết đã xây dựng cho từng hạng mục, từng mũi thi công để kịp thời tìm phương án giải quyết ngay khi vướng mắc phát sinh.

“Vướng mắc nhỏ không giải quyết được sẽ thành vướng mắc lớn. Một bước ách tắc thì cả dây chuyền sẽ bị dừng lại”, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long nói.

Đại diện Vụ KH&ĐT cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn kỷ lục hơn 50.327 tỷ đồng, gồm hơn 4.876 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 45.450 tỷ đồng vốn trong nước.

Ngay trong tháng 12/2021, Vụ KH&ĐT đã tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục với tổng số hơn 41.306 tỷ đồng, đạt hơn 82% kế hoạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.