Hỏi - Đáp

Cháy tàu du lịch thiệt hại 20 tỷ ở Quảng Nam: Ai bồi thường?

12/10/2022, 15:40
image

Vụ cháy làm 3 chiếc tàu du lịch, 5 ca nô bị thiêu rụi, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Trường hợp này, việc bồi thường giải quyết thế nào?

Sáng 12/10, lực lượng cứu hộ tiếp tục triển khai trục vớt, lai dắt các ca nô, tàu du lịch bị cháy, chìm tại biển Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vào bờ để phục vụ điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Trước đó, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện. Tuy nhiên, lực lượng công an phải điều tra mới có kết luận cụ thể.

img

Hiện trường vụ cháy tàu, cano du lịch tại Quảng Nam lúc rạng sáng 10/10

Chờ kết quả điều tra để làm thủ tục bồi thường

Theo thông tin ban đầu, vụ cháy xảy ra sáng 10/10, hậu quả làm 3 chiếc tàu du lịch (tàu gỗ) và 5 chiếc ca nô bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Sơn, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, các tàu du lịch bị cháy rụi đều có mua bảo hiểm. Chủ tàu vẫn đang chờ kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam để đề nghị phương án bồi thường.

Theo Công ty Bảo Việt Quảng Nam, trong các tàu cá bị cháy có 2 tàu và 1 ca nô mua bảo hiểm tại Bảo Việt Quảng Nam, tổng giá trị là 1,9 tỷ đồng.

Ông Đỗ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty Bảo Việt Quảng Nam cho hay, bước đầu Công ty đã tiếp cận khách hàng có tàu bị cháy để động viên chia sẻ, hướng dẫn kê khai các bước liên quan.

“Đó là những bước đầu tiên, còn sau này phải căn cứ vào hồ sơ của cơ quan chức năng mới có cơ sở pháp lý làm những bước tiếp theo”, ông Dũng nói.

Trường hợp nào không được chi trả tiền bảo hiểm?

Theo Luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp này phụ thuộc vào loại bảo hiểm, thỏa thuận giữa các bên tại hợp đồng bảo hiểm và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp tàu bị cháy do chập điện có mua bảo hiểm cháy, nổ thì doanh nghiệp bảo hiểm phải xem xét, giải quyết trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận.

Cụ thể, số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó (đã được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm), trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

img

Có 8 tàu, cano bị cháy hoàn toàn trong vụ hỏa hoạn

“Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm đối với những khoản tiền phát sinh, tăng thêm do hành vi gian lận bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật hình sự”, Luật sư Hậu cho biết.

Cũng theo luật sư, trong một số trường hợp thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm nếu nguyên nhân xảy ra cháy nổ thuộc “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” do các bên thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Điều 6 Nghị định 23/2018/NĐ-CP cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong một số trường hợp: Tài sản tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt; Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh; Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ...

img

Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được cho là do chập điện.

Tàu bị cháy lan, chi trả bảo hiểm ra sao?

Trong vụ cháy này, nguyên nhân ban đầu được cho là một tàu gỗ bị cháy trước, sau đó lan sang các tàu khác.

Đối với các tàu bị cháy lan, luật sư Trần Hậu cho biết, bảo hiểm cháy, nổ chỉ áp dụng với đối tượng của bảo hiểm bị cháy, nổ.

Do đó, đối với các tàu bị cháy lan không mua bảo hiểm cháy, nổ hoặc các bảo hiểm có liên quan khác thì trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phụ thuộc vào việc chủ tàu bị cháy do chập điện có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự hay không.

Và theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu các chủ tàu bị cháy lan yêu cầu chủ tàu bị cháy bồi thường thiệt hại do lỗi của chủ tàu bị cháy gây ra trong thời hạn bảo hiểm.

Các chủ tàu bị cháy lan không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường.

Các chủ tàu bị cháy lan nếu có chứng cứ chứng minh lỗi dẫn đến tàu mình bị cháy là từ phía chủ tàu bị cháy (trước đó, do chập điện- PV) thì có thể yêu cầu chủ tàu bị cháy do chập điện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.