Xã hội

Chế độ cho lực lượng y tế chống dịch: Nơi nhận nơi chưa

13/09/2021, 06:27

Nhiều cán bộ y tế dù đã trải qua trận chiến Covid-19 tại Bắc Giang, giờ tiếp tục tăng cường ở miền Nam nhưng đều chưa nhận được hỗ trợ...

Khó có thể kể hết được sự hy sinh của các y, bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, khi họ thường xuyên phải làm việc 8 - 10 tiếng/ngày với những áp lực khổng lồ, nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực.

Vượt lên tất cả, họ vẫn ngày đêm chiến đấu chống dịch, cứu người mà không đòi hỏi gì.

Tuy nhiên, nhìn vào mức thu nhập mà lực lượng y tế đang được hưởng, nhiều người không khỏi ái ngại khi so sánh với những gì họ đã và đang cống hiến.

img

Trung bình mỗi y, bác sĩ phải “gánh” hơn 100 bệnh nhân, luôn làm việc trong điều kiện rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao (Trong ảnh: Các y, bác sĩ trực chiến tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 BV Việt Đức, đặt tại BV dã chiến số 13 TP.HCM)

Mỗi nhân viên y tế “gánh” 100 bệnh nhân

Khi nhắc tới chế độ, chính sách cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch, anh Nguyễn Thế Thiêm, nhân viên y tế BV Sản Nhi Quảng Ninh, hiện đang cùng 73 đồng đội trực chiến tại Bệnh viện dã chiến số 12, TP.HCM cho biết: “Chúng tôi xác định đi chống dịch là vất vả, nhưng chưa từng nghĩ đến việc sẽ được gì. Chỉ mong sao để bệnh nhân không trở nặng, chóng khỏe và sớm xuất viện, dịch sớm qua đi để chúng tôi cũng được đoàn tụ với gia đình!”.

Anh Thiêm cho hay, tại Bệnh viện dã chiến số 12, chỉ tính từ ngày 10/8 đến nay đã tiếp nhận 2.500 bệnh nhân, trong đó có 1.730 bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện.

Hầu như các nhân viên y tế đều lao vào cuộc chiến với tâm thế cống hiến, cứu người, hiếm ai để ý đến các khoản phụ cấp, hỗ trợ. Tuy nhiên việc đảm bảo tốt nhất về vật chất, tinh thần cho cán bộ đi chống dịch là trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như Bộ Y tế. Chúng tôi cố gắng làm tốt việc này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Với việc bệnh viện liên tục tiếp nhận điều trị trung bình khoảng 800 - 900 bệnh nhân, tính ra 74 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên mỗi người được giao theo dõi, điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân.

Mỗi ngày chia đều 3 ca 4 kíp, đội ngũ nhân viên y tế xoay vần với cả núi công việc.

“Số lượng bệnh nhân nhập viện liên tục và rất lớn, đủ mọi lứa tuổi và nhiều bệnh nhân đi kèm với bệnh nền… cũng là áp lực lớn cho các y, bác sĩ điều trị. Hơn nữa làm việc trong điều kiện mặc đồ bảo hộ, thời tiết lại rất nóng, sau mỗi kíp trực, trở ra ai cũng ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay nhăn nheo vì nhiều giờ ngâm trong đôi găng cao su, khiến anh em xuống sức rất nhanh”, anh Thiêm cho biết.

Tính đến thời điểm này, đoàn chi viện của Quảng Ninh có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 12 cũng đã 2 tháng. Trong thời gian qua, có khoảng 20 cán bộ lây nhiễm trở thành F0, nhưng trong quá trình “tự” điều trị chưa ai bỏ vị trí, vẫn duy trì hoạt động chuyên môn.

“Chúng tôi đều đã được tiêm vaccine đầy đủ nên triệu chứng rất nhẹ, nhưng thật sự mỗi lần nhận thông tin một đồng đội dương tính đều rất lo lắng”, anh Thiêm tâm sự.

Còn tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức, sau 2 tháng hoạt động, nơi đây cũng tiếp nhận, điều trị hơn 2.600 bệnh nhân, trong đó có hàng trăm bệnh nhân nặng, nguy kịch khỏi bệnh, xuất viện.

Áp lực công việc nơi đây nặng nề hơn bởi do là tuyến cuối điều trị hồi sức Covid-19, mỗi nhân viên y tế đều xác định phải làm gấp 4 - 5 lần so với ngày thường.

Tính đến thời điểm này, có trên 17.000 nhân lực y tế chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch. Trong đó, riêng TP.HCM tiếp nhận sự chung tay, “chia lửa” của khoảng 10.000 nhân viên y tế đến từ các tỉnh, thành phố, các trường khối ngành Y dược.

Lo cạn nguồn trả lương nếu dịch kéo dài

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội chia sẻ, dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của bệnh viện.

Đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 này, do không có bệnh nhân khiến doanh thu của bệnh viện gần bằng không. Điều này cũng đồng nghĩa khả năng chi trả thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện rất căng thẳng.

“Phần lớn các bệnh viện hiện nay đều tự chủ tài chính, ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí chi thường xuyên, nguồn thu phụ thuộc vào hoạt động khám chữa bệnh”, vị này nói và cho biết thêm, đến thời điểm hiện nay, bệnh viện đang cố gắng hết sức để chi trả đủ khoản lương cứng cho cán bộ nhân viên, nhất là với những người được huy động tham gia chống dịch, bởi ngoài lương, họ chưa nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào.

“Tình hình còn kéo dài thêm nữa thì chưa biết lo liệu thu nhập cho anh em ra sao”, vị này than thở.

Tương tự, BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều y, bác sĩ đang rất khó khăn nhưng phải quán triệt tư tưởng chung để cùng nhau chia sẻ vượt qua dịch bệnh. Tuy nhiên, với tình hình này, nếu dịch kéo dài, bệnh viện sẽ rất khó khăn”.

“Có chế độ chính sách nhưng còn chậm”

Hiện nay, ngoài mức lương đang được hưởng, chế độ phụ cấp chống dịch của các nhân viên y tế được áp dụng theo Nghị quyết số 16 của Chính phủ.

Đại diện Công đoàn y tế Việt Nam cho biết, đến nay đã có các gói hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho y, bác sĩ, hỗ trợ “gói dinh dưỡng” trị giá 1.000.000 đồng/đợt/nhân viên y tế phục hồi sức khỏe. Đặc biệt, đối với các cán bộ y tế đang đi chống dịch mà có hoàn cảnh gia đình khó khăn được hỗ trợ 2.000.000 đồng; cán bộ y tế đang chống dịch có thân nhân mất, không thể về chịu tang được hỗ trợ 5.000.000 đồng. Ngoài ra, trên 1.200 y, bác sĩ bị nhiễm Covid-19 cũng đã được hỗ trợ mức 10.000.000 đồng/người.

Theo đó, người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám, chữa bệnh... được nhận mức 300.000 đồng/người/ngày.

Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm, bảo quản tử thi người bệnh, giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom, vệ sinh trong khu cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh... nhận mức 200.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, nhiều đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch khác được nhận phụ cấp 130.000 - 150.000 đồng/người/ngày.

Và theo Nghị quyết 58 của Chính phủ ban hành đầu tháng 9, chế độ bồi dưỡng chống dịch được bổ sung thêm với học viên, sinh viên tình nguyện được cử đi hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, mức bồi dưỡng tương tự như trên.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của cán bộ y tế tại một bệnh viện Trung ương ở Hà Nội, đến thời điểm này, nhiều cán bộ của bệnh viện dù đã trải qua trận chiến Covid-19 tại Bắc Giang, giờ tiếp tục tăng cường ở miền Nam nhưng đều chưa nhận được hỗ trợ từ nguồn này.

Bên cạnh chính sách chung, một số địa phương cũng xây dựng chế độ đặc thù cho nhân viên y tế tham gia chống dịch. Điển hình, TP.HCM đã thông qua Nghị quyết số 12 về chính sách đặc thù, hỗ trợ động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, hình thức chi hỗ trợ 1 lần cho 5 nhóm đối tượng.

Trong đó, nhóm 1 (trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị Covid-19, tham gia vận chuyển F0) có mức hỗ trợ 10.000.000 đồng/người.

Nhóm 2 (thực hiện công việc gián tiếp) mức 4.500.000 đồng/người.

Nhóm 3 (tổ Covid-19 cộng đồng) 2.000.000 đồng/người.

Nhóm 4 (tình nguyện viên do thành phố huy động) mức 1.500.000 - 3.000.000 đồng/người và nhóm 5 (tình nguyện viên do Bộ Y tế huy động) mức 1.500.000 - 3.000.000 đồng/người.

BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức cho biết, bệnh viện có tổng số hơn 900 nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch được chia ra nhiều nhóm. Đến nay, nguồn hỗ trợ của thành phố đã được bệnh viện chi trả đủ theo danh sách.

Tương tự tại Bệnh viện TP Thủ Đức, BS. Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện cũng cho hay, bệnh viện có 1.800 nhân viên y tế, với 50% là bác sĩ tham gia trực tiếp chống dịch (nhóm 1). Hiện bệnh viện đã nhận chi phí hỗ trợ từ thành phố và chi trả theo danh sách.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bệnh viện đến nay chưa nhận được nguồn hỗ trợ nói trên.

BS. Nguyễn Trọng Hào, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, đã nhận được văn bản của Sở Y tế TP.HCM song đến thời điểm này, các y, bác sĩ tại bệnh viện vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Được biết, Bệnh viện Da liễu đã cắt cử 2/3 cán bộ, y, bác sĩ tham gia chống dịch trong đợt dịch này.

Chia sẻ về việc chậm trễ giải quyết chế độ, chính sách này, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho hay: “Thành phố luôn quan tâm và tạo những điều kiện tốt nhất cho lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu để họ có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực, chế độ chính sách đã thông qua nhưng việc triển khai còn chậm, thành phố đang khẩn trương xử lý”.

Tăng trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có các phụ cấp đặc thù chuyên môn.

Trong đó, Bộ Y tế đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với mức hiện hành (đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19), mức hỗ trợ 600.000 đồng/người/ngày.

Các nhóm nhân viên y tế tham gia điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu... được đề nghị tăng trợ cấp từ 300.000 đồng/người/ngày lên 400.000 đồng/người/ngày.

Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm, vận chuyển người bệnh, vận chuyển người tử vong do Covid-19, giám sát và theo dõi dịch tễ tại xã phường được đề nghị nâng trợ cấp từ 200.000 đồng/người/ngày hiện nay lên gấp đôi.

Đội vận chuyển cấp cứu 115 hiện đang nhận trợ cấp mức 150.000 đồng/người/ngày được đề nghị lên 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày.

Nâng mức tiền ăn cho nhân viên y tế tham gia chống dịch từ 80.000 đồng/người/ngày hiện nay lên 150.000 đồng/người/ngày.

Với học sinh, sinh viên tham gia chống dịch, mức hỗ trợ là 190.000 đồng/người/ngày cho tiền ăn và sinh hoạt phí.

Đối với các bệnh viện tự chủ tài chính nhưng hiện phải cử nhân viên y tế tham gia chống dịch, không có nguồn thu tại chỗ, đề nghị ngân sách cấp kinh phí chi tiền lương, các loại phụ cấp (không bao gồm phụ cấp phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ) và các khoản đóng góp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.