World Cup 2022

Chi 220 tỷ đô khi tổ chức World Cup, Qatar thu được gì?

17/11/2022, 06:30

Để tổ chức World Cup 2022, Qatar dự kiến phải chi tới 220 tỷ USD nhưng con số thu về lại chưa bằng 1/10.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh có thể sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế quốc gia Trung Đông này.

Chi “con voi”, thu “con kiến”

img

Bỏ ra số tiền lớn, Qatar kỳ vọng World Cup 2022 sẽ giúp nâng tầm hình ảnh quốc gia

Ngày 20/11, World Cup 2022 sẽ chính thức khởi tranh tại Qatar, quy tụ 32 đội tuyển xuất sắc nhất thế giới tranh tài. Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) khẳng định họ sẽ lo toàn bộ chi phí vận hành của giải đấu.

Trong đó có 440 triệu USD tiền thưởng cho các đội bóng, 247 triệu USD cho vận hành truyền hình, 326 triệu USD trả cho CLB có cầu thủ dự World Cup và 207 triệu USD cho đội ngũ nhân sự phục vụ. Tổng số tiền FIFA phải chi dự trù khoảng 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số này không thấm vào đâu so với chi phí nước chủ nhà Qatar phải bỏ ra để tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Theo Telegraph, đất nước Trung Đông này đã chi ít nhất 220 tỷ USD để đăng cai World Cup. Phần lớn trong số này dành cho việc xây mới 7 sân vận động, cải tạo hạ tầng giao thông, khách sạn, viễn thông. Qatar cũng xây một sân bay mới, cùng hơn 100 khách sạn.

Giáo sư kinh tế Andrew Zimbalist của Đại học Smith cho rằng, Qatar đã có một cam kết lớn với thế giới bởi GDP của quốc gia này chỉ rơi vào khoảng 180 tỷ USD trong năm 2022. Họ đã chi tiêu hơn 100% GDP của mình.

Bỏ ra con số khổng lồ đề tổ chức World Cup nhưng doanh thu của Qatar từ sự kiện này không đáng kể. Theo Tạp chí Kinh tế thể thao Sportico, Qatar dự kiến sẽ đón 1,3 triệu lượt khách tham dự World Cup và nước chủ nhà sẽ thu về 1,56 tỷ USD doanh thu từ tiền khách sạn, đi lại, nhà hàng và các hoạt động du lịch khác.

Qatar không được FIFA chia sẻ doanh thu từ bán vé trận đấu, bản quyền truyền hình và tài trợ. Ngay cả khi được FIFA hỗ trợ, họ vẫn lỗ rất nặng.

Cũng theo giáo sư Andrew Zimbalist, khoản đầu tư 220 tỷ USD không phải tất cả đều mang lại giá trị sử dụng cho nền kinh tế Qatar sau sự kiện.

Ví dụ như tàu điện ngầm và tàu cao tốc kết nối hai sân vận động tại Doha giúp người hâm mộ đi lại dễ dàng nhưng không có vai trò trong phát triển kinh tế.

Đó là chưa kể các công trình phục vụ World Cup sẽ tốn hàng triệu USD mỗi năm cho chi phí vận hành, bảo trì và chiếm giữ nhiều vị trí bất động sản đắt đỏ. Các khách sạn phần lớn sẽ để không bởi Qatar chỉ có 300 nghìn cư dân thường trú.

Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế?

Investmentmonitor dẫn nguồn tin từ Cơ quan xúc tiến đầu tư của Qatar (IPA Qatar) thì cho rằng, World Cup 2022 có thể giúp nước chủ nhà thu hút vốn FDI.

GDP của Qatar đã tăng trưởng ổn định 4,5% kể từ khi được trao quyền đăng cai giải đấu vào năm 2010. Bộ Thương mại và Công nghiệp Qatar cũng xác định “83 cơ hội thương mại và đầu tư cho khu vực tư nhân cho đến năm 2023” liên quan đến việc chuẩn bị và điều hành giải đấu.

Trong khi đó, ông Hassan Al Thawadi, Tổng thư ký Ủy ban Chuyển giao và Di sản - cơ quan đang đứng sau các dự án hạ tầng phục vụ World Cup 2022 của Qatar tự tin tuyên bố: “Chúng tôi dự báo World Cup 2022 sẽ đóng góp cho nền kinh tế Qatar khoảng 20 tỷ USD. World Cup sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy nhiều sáng kiến mà Chính phủ Qatar đã cam kết và đã được lên kế hoạch, từ phát triển đô thị cho tới đa dạng hóa nền kinh tế”.

Kỳ vọng là vậy nhưng các chuyên gia cho rằng, sẽ không dễ để tận dụng tầm ảnh hưởng của một giải đấu thể thao đem về lợi ích kinh tế.

Theo Investmentmonitor, việc đăng cai tổ chức World Cup chỉ mang lại sự thúc đẩy ngắn hạn cho lĩnh vực xây dựng và du lịch chứ không có quá nhiều tác động vĩ mô tới nền kinh tế, đặc biệt là ở khía cạnh thu hút đầu tư nước ngoài.

“Nhìn vào xu hướng FDI của ba quốc gia gần nhất đăng cai World Cup, không có nước nào chứng kiến ​​sự tăng trưởng bền vững sau sự kiện. Nam Phi và Nga đã chứng kiến ​​sự gia tăng đầu tư trước sau giải đấu một giai đoạn ngắn nhưng đều sụt giảm dài hạn trong những năm gần đây”, Investmentmonitor viết.

Canh bạc xây dựng thương hiệu từ World Cup

Đương nhiên, Qatar hy vọng những lợi ích mềm khác mà ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mang lại. World Cup được hàng tỷ người trên toàn thế giới theo dõi và nó sẽ đưa Qatar lên bản đồ thế giới.

World Cup còn được kỳ vọng sẽ mang lại cho Qatar một vai trò quan trọng hơn về địa vị chính trị trên trường quốc tế.

Chuyên gia kinh tế người Anh - Peter Arnold nói rằng các sự kiện thể thao lớn có thể cung cấp sức mạnh mềm cho các quốc gia đăng cai khó đo lường nhưng có ảnh hưởng vô cùng lớn.

“Thể thao có khả năng độc đáo vượt qua các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, vì mọi người dễ dàng nhận ra điều tuyệt vời của nó và các ngôi sao thể thao lớn đều có sức hấp dẫn toàn cầu. Nhằm tối đa hóa quyền lực mềm này, các chính phủ nên hướng tới việc tạo ra một hệ thống các sự kiện thể thao tiếp theo, để thiện chí và nhận thức tích cực được tạo ra từ sự kiện lớn không suy giảm theo thời gian”, Peter Arnold phân tích.

Chiếu từ quan điểm của Arnold, Qatar đang thực hiện tốt chiến lược quảng bá hình ảnh thông qua thể thao. Trước thềm World Cup, họ tổ chức các sự kiện khác bao gồm AFC Cup, Giải vô địch bóng ném nam thế giới và Giải vô địch điền kinh thế giới IAAF, chạy đua giành quyền đăng cai Asian Cup 2023. Nơi đây cũng sẽ diễn ra Đại hội Thể thao châu Á vào năm 2030.

Theo nghiên cứu của Pwc, lĩnh vực thể thao ở Trung Đông sẽ tăng 8,7% trong 3 - 5 năm tới, so với 3% trên toàn cầu trong cùng kỳ.

Các sự kiện lớn trong khu vực hiện tại bao gồm cuộc đua Công thức 1 ở Abu Dhabi, Bahrain và Ả Rập Xê Út, các giải đấu golf quốc tế ở Abu Dhabi và các giải đấu quần vợt ở Dubai. Bên cạnh đó, họ cũng đang đầu tư mạnh vào thể thao điện tử.

“Không phải bỗng dưng nhiều tỷ phú ở Trung Đông muốn sở hữu các đội bóng lớn ở châu Âu. Tại khu vực này, họ coi thể thao là một công cụ để xây dựng nhận diện thương hiệu trên toàn cầu, nâng cao vị thế của các quốc gia, của người đứng đầu quốc gia và thu hút đầu tư trong tương lai”, Peter Arnold nói.

“Bạn có thể gặp gỡ tất cả những nhà lãnh đạo của các quốc gia khác tại World Cup hay Olympic. Thủ tướng Anh Boris Johnson là một ví dụ điển hình về việc một chính trị gia đã nâng tầm quốc tế của mình nhờ một sự kiện thể thao. Ông từng là thị trưởng London khi thành phố này đăng cai Thế vận hội vào năm 2012”, giáo sư Andrew Zimbalist đánh giá.

Dù vậy, ông Zimbalist vẫn tin rằng, đăng cai World Cup là một canh bạc lớn. Bất kỳ lợi ích nào sau giải đấu sẽ khó được đánh giá và phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách giải đấu diễn ra.

Nếu được tổ chức hiệu quả và được người hâm mộ đón nhận, Qatar có thể nâng cao danh tiếng quốc tế của mình. Ngược lại, nếu để lại hình ảnh tiêu cực về những vấn đề nhân quyền liên quan tới phụ nữ, người đồng giới và người lao động nước ngoài, hình ảnh đất nước này sẽ bị méo mó.

Trong một bài viết liên quan đến sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, hãng tin Bloomberg nhận định, Qatar đang cố gắng tận dụng World Cup 2022 để thể hiện sự phát triển nhanh chóng từ một làng chài nhỏ bé trở thành một đô thị lớn và trung tâm trung chuyển vận tải của vùng Vịnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.