Kinh tế

Chỉ 7 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan

16/06/2020, 14:54

Hiện nay, đã có 7 doanh nghiệp được cấp phép để nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về phục vụ nuôi, giết mổ làm thực phẩm với hơn 1,7 triệu con.

img
Tính đến nay, phía doanh nghiệp Việt Nam có quyền mua bán lợn từ 11 doanh nghiệp đủ điều kiện phía Thái Lan. Ảnh: Văn Giang.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dù “lệnh” đồng ý cho nhập khẩu lợn sống chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6, song nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa biết làm cách nào để xin cấp phép nhập khẩu, gây chậm trễ và có khả năng thua lỗ nếu không tính toán kỹ khi lợn Thái Lan đang lên giá “chóng mặt” trái ngược với mức giảm trong nước.

Hơn nữa, việc tiếp tục cách ly tại Việt Nam cũng đang là nỗi lo của doanh nghiệp khi lợn chuyển môi trường thường bị hao cân rất nhanh. Điều này, có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp "nhụt chí" nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục thú y (Bộ NN&PTNT). Ông Thanh cho biết: Những quy định về nhập khẩu gia súc, gia cầm còn sống đã được quy định rất rõ theo Luật thú y, doanh nghiệp cần áp dụng vào đó để thực hiện các tiêu chuẩn thú y.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin vì mọi thông tin đều theo cơ chế mở, được công khai trên các trang thông tin của Cục và Bộ NN&PTNT. Việc thực hiện xin cấp phép cũng được thực hiện theo trình tự nộp hồ sơ theo quy chuẩn quy định.

"Các hình thức nộp như: Nộp qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc gửi trực tiếp", vị này nói.

Cũng theo vị này, tính đến ngày 15/6, đã có khoảng 10 doanh nghiệp nộp đơn đăng ký, nhưng chỉ ký được 7 doanh nghiệp đảm bảo điều kiện với số lượng đã đồng ý là trên 1,7 triệu con. Còn 3 doanh nghiêp khác phải bổ sung thêm thủ tục giấy tờ và chờ xét duyệt.

Thời gian làm thủ tục đăng ký phụ thuộc doanh nghiệp, quan trọng nhất phải đảm bảo khu cách ly và vận chuyển sẽ nhanh chóng được nhập khẩu lợn về Việt Nam sau khi cấp có thẩm quyền đã ký.

Về phía Thái Lan, hiện nay đã có thêm 3 doanh nghiệp được bổ sung vào danh sách được phép xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam. Như vậy, tính đến nay, phía doanh nghiệp Việt Nam có quyền mua bán lợn từ 11 doanh nghiệp đủ điều kiện phía Thái Lan.

Liên quan đến vấn đề chuồng trại, Cục phó Cục Thú y cho rằng, đó là điều kiện bắt buộc, dù có phải chịu thiệt hại về cần nặng của lợn trong mấy ngày cách ly vẫn phải chấp nhận. Khâu kiểm tra sau khi lợn được đưa về Việt Nam phải được tiến hành cẩn thận, để đảm bảo âm tính tránh nguy cơ bùng phát dịch sẽ không kiểm soát được.

"Công văn chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, Cục Thú y phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong việc nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam", ông Thành nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Quy định về khâu chuồng trại cách ly: Doanh nghiệp cần tìm hiểu thêm Luật thú y, đặc biệt là Điều 44 Luật thú y về yêu cầu đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (một số điểu được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2018).

Hướng dẫn kỹ thuật kiểm dịch: Ngày 11/6/2020 Cục Thú y đã có Công văn số 937/TY-KD gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y vùng hướng dẫn về kiểm dịch nhập khẩu theo quy định hiện hành. Có nghĩa là các chi Cục Thú y vùng sẽ hướng dẫn doanh nghiệp các khâu kiểm dịch tại khu cách ly.

Quy định về vận chuyển: Về yêu cầu đối với khu cách ly, xe vận chuyển chuyên dụng, đã được quy định tại Điều 70 Luật thú y và các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN 01-99:2012/BNNPTNT về điều kiện vệ sinh thú y khu cách ly kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-100:2012/BNNPTNT yêu cầu chung về vệ sinh thú y trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế).

img

Giá xăng dầu hôm nay 16/6: "Leo dốc" khi các nhà sản xuất cắt giảm mạnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.