Xã hội

Chỉ cần điều chỉnh nhỏ, nút giao Pháp Vân sẽ hết ùn tắc

12/06/2017, 07:25

Có ý kiến cho rằng chỉ cần điều chỉnh nhỏ tại nút giao thông Pháp Vân là có thể xóa ùn tắc.

13

Quy ước trên sơ đồ: Nút giao vành đai 3 và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Vị trí 2; Vành khuyên dẫn các phương tiện giao thông từ vành đai 3 trên cao vào nội đô và đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Vị trí 3; Nút giao vành đai 3 và Giải Phóng: Vị trí 4; Nút giao Ngọc Hồi và đường vào BV Nội tiết: Vị trí 5; Nút giao đường vào BV Nội tiết và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Vị trí 6; Cầu nối khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp với đường vào BV Nội tiết: Vị trí số 7.

Việc bố trí đèn tín hiệu tại nút giao thông Pháp Vân không phù hợp khiến nơi đây trở thành điểm thường xuyên ùn tắc với mức độ nghiêm trọng của Thủ đô, nhất là dịp lễ, Tết, cuối tuần. Do đó, chẳng cần mất hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp, chỉ cần một số điều chỉnh nhỏ có thể giải quyết dứt điểm ùn tắc và mang lại nhiều lợi ích khác.

Chỉ cần điều chỉnh nhỏ

Theo tôi, hiện nay việc tổ chức gom các phương tiện giao thông từ đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình và đường vành đai 3 về nội đô vào cùng một chỗ khiến mật độ giao thông cao là không hợp lý. Trong khi đó, mặt đường gom từ nút giao vành đai 3 và cao tốc (vị trí số 2 trên sơ đồ) về nút giao vành đai 3 và Giải Phóng (số 4 trên sơ đồ) lại quá hẹp, tạo ra một nút thắt cổ chai, càng gây ùn tắc nghiêm trọng.

Cùng đó, phương án thiết kế tại nút giao khi cho phương tiện từ vành đai 3 trên cao đi vòng rồi nhập dòng với các phương tiện từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình về rồi cùng đi qua nút giao (vị trí số 2 trên sơ đồ) cũng không phù hợp. Việc này vừa gây ùn tắc nặng hơn, vừa lãng phí. Hơn nữa, bố trí bến xe Nước Ngầm ngay sát nút giao (số 4 trên sơ đồ) cũng góp phần làm cho tình trạng ùn tắc tại khu vực thêm trầm trọng.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn...

Sau khi quan sát và tìm hiểu kỹ hiện trạng giao thông tại khu vực Pháp Vân và vùng phụ cận, tôi cho rằng, cần phải có thay đổi trong tổ chức giao thông tại đây theo nguyên tắc: Các phần tử chuyển động chỉ được phép đi thẳng hoặc rẽ phải. Trong trường hợp muốn rẽ trái, các phần tử chuyển động phải tiếp cận dần dải phân cách bên trái để chuyển hướng.

Phương án cụ thể như sau: Làm đường nhập làn từ đường gom lên đường trên cao vành đai 3 tại vị trí số 1. Việc này đạt các mục đích sau: Các phương tiện giao thông (ô tô) từ đường gom đi hướng Mai Dịch không phải đi vòng mà đi thẳng vượt qua vị trí 2; tiết kiệm đường đi và giảm mật độ cho nút 2. Hơn nữa, các phương tiện giao thông (ô tô) từ đường gom đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nhập làn trên cao, vượt vị trí 2 theo vành khuyên vị trí 3; tiết kiệm thời gian và giảm mật độ cho nút 2. Khi thực hiện toàn bộ phương án, các phương tiện từ đường gom đi vào nội đô dễ dàng hơn; không phải chờ đèn tín hiệu giao thông, nếu xảy ra ùn tắc cục bộ tại vị trí 2, các phương tiện có thể nhập làn tại vị trí 1 và xuống ở vị trí 3.

Cùng đó, tại vị trí số 2 cần mở rộng đường gom để các phương tiện giao thông quay đầu. Phương án này đạt lợi ích các dòng phương tiện giao thông chính qua nút nhanh. Một phương án khác là mở đường kết nối từ đường vành khuyên ở vị trí 3 xuống đường gom vành đai 3 dọc theo trung tâm Toyota. Việc này sẽ giúp các phương tiện giao thông từ đường trên cao vào nội đô rút ngắn quãng đường, không phải quay lại và giảm mật độ xe tại vị trí quay đầu ở nút giao số 2.

Bên cạnh đó, có thể tính toán làm đường dẫn kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vào Bệnh viện Nội tiết tại vị trí 6. Tùy tình hình cụ thể, cơ quan chức năng có thể quyết định làm 2 hay 1 đường dẫn hình khuyên theo sơ đồ. Khi thực hiện giải pháp này cần phải nâng cao trình của mặt cầu trên đường cao tốc tại vị trí 6. Trong đó, các phương tiện giao thông từ cao tốc về nội đô và ngược lại có thêm lựa chọn: Đi qua nút Kabi ở vị trí 6 vào đường bệnh viện Nội Tiết ra nút giao ở vị trí 5 để nhập vào đường Ngọc Hồi; Các xe khách phía Nam về bến xe Nước ngầm, bến xe Giáp Bát cũng qua lộ trình trên không phải qua nút 2; Các xe đi từ đường 70 ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đường vành đai 3 và ngược lại cũng theo lộ trình trên không phải qua nút 2 và 4.

Không tốn tiền đầu tư nâng cấp

Áp dụng các phương án trên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp hơn nhiều so với việc đề xuất đầu tư mở rộng nút giao này mà Tổng cục Đường bộ VN và các nhà đầu tư đang đề xuất vì chỉ xây dựng chủ yếu trên cơ sở mặt bằng hiện có; Không cần lắp đặt đèn tín hiệu giao thông; Không cần huy động nhiều lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại nút giao thông; Điều chỉnh linh hoạt khi cần thiết. Thời gian thi công nhanh, chỉ khoảng 2 tháng.

Việc này còn tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, điện, chi phí để quản lý, duy tu, bảo dưỡng đèn tín hiệu giao thông… Các phương tiện chuyển động qua các nút một cách liên tục với vận tốc tương đối đều, lấp đầy các khoảng trống, dẫn đến lưu lượng giao thông qua các nút tăng.

Ngoài kinh tế, giải pháp điều chỉnh này còn mang lại hiệu quả xã hội rất lớn. Người điều khiển phương tiện giao thông có điều kiện để lựa chọn lối đi thích hợp, hạn chế TNGT do triệt tiêu được các hiện tượng “xung đột trực diện”, “xung đột ngang” và xung đột xã hội.

Giải pháp này cũng phù hợp với tập quán, trình độ dân trí, đặt lợi ích của người tham gia giao thông làm trọng tâm nên người dân dễ chấp nhận và hưởng ứng; Loại bỏ hành vi vượt đèn tín hiệu khi chưa được phép; Nâng cao dần ý thức của người tham gia giao thông.

Nhà thiết kế nội thất Phạm Văn Tiệp

banner

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.