Xã hội

Chỉ khởi tố thẩm phán xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn có công bằng?

13/03/2015, 12:22

Sáng 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về tình hình oan sai.

chanhan1_FHFQ.JPG
Chánh án Trương Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, những năm qua, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án nói chung và giải quyết, xét xử các vụ án hình sự nói riêng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án được đảm bảo và có những tiến bộ nhất định.

Theo đó, tất cả các vụ án hình sự lớn, trọng điểm dư luận xã hội quan tâm, các vụ án về tham nhũng, các vụ án mà bị cáo bị kết án với mức hình phạt cao nhất, quá trình giải quyết có khiếu nại, tranh chấp kép dài, ông Bình quán triệt, phải được Tòa án chủ động kiểm tra, tự rà soát theo trình tự kiểm tra việc xét xử, không đợi có đơn đề nghị của đương sự thì mới xem xét.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu vì sao nhiều năm ông Chấn có đơn kêu oan nhưng không được xem xét, chỉ đến khi Lý Nguyễn Chung đầu thú thì VKS NDTC mới xem xét tái thẩm? Và việc ông Chấn bị tù oan 10 năm, vậy đến nay giải quyết bồi thường oan sai đến đâu – chậm vì sao?

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Các cơ quan tố tụng đã tiến hành giải quyết rất quyết liệt, chỉ cần gia đình ông Chấn giao nộp các tài liệu chứng minh sẽ đạt kết quả cuối cùng. Cơ quan điều tra xác định lại vụ án ông Chấn đúng là oan và đã có đình chỉ điều tra, khẳng định ông Chấn không phạm tội. Vướng trong bản án hình sự là khoản bồi thường dân sự mà trước đây bản án buộc ông Chấn phải bồi thường. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã hủy bản án để xác định ông Chấn không phải bồi thường, mà thủ phạm xác định lại trong vụ án này sẽ phải bồi thường.

“Thời gian qua, TANDTC đã đề nghị ông Chấn cung cấp thêm tài liệu để tòa làm căn cứ xem xét, bồi thường nhưng gia đình Chấn chưa cung cấp được. Tòa đã hai lần đến nhà ông Chấn, làm việc với Luật sư để thu thập tài liệu, chỉ còn chờ tài liệu từ phía gia đình và ông Chấn. Đây là căn cứ tính toán bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông Chấn. Tuy nhiên, gia đình ông Chấn vẫn chưa cung cấp các tài liệu cho Tòa án” – Chánh án Trương Hòa Bình giải trình.

Tại sao chỉ truy tố một mình ông Phạm Tuấn Chiêm?

Liên quan đến trách nhiệm của các bên trong vụ án có oan sai, Đại biểu Đỗ Văn Đương lấy ví dụ và cho rằng cần làm rõ trường hợp khởi tố ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) - cựu thẩm phán Toà Phúc thẩm TAND Tối cao, người từng ngồi ghế chủ tọa phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

“Ông Chiêm không kêu oan nhưng nói một mình ông bị khởi tố là không công bằng. Vì tòa xét xử tập thể, quyền quyết định ông Chấn có tội là 3 thẩm phán có tính độc lập. Nếu ông Chiêm bị xử lý hình sự thì có công bằng không? Tất cả trường hợp kết án và oan sai nếu có sắp tới được rà soát, trong trường hợp còn thời hiệu khởi tố hình sự thì có xử lý hình sự không?”, đại biểu Đương đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, Chánh án Trương Hòa Bình phân tích: “Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viện đại diện cho xã hội, Nhà nước tiến hành các hoạt động tố tụng. Thẩm phán nhân danh nhà nước tuyên bản án. Theo pháp luật quy định hiện nay chưa rõ trách nhiệm, nhưng đối với thẩm phán khi thực hiện quyền này, nếu vi phạm cố ý hay tiêu cực mà ra bản án sai thì phải chịu trách nhiệm hoàn trả hay hình sự”.

Liên quan đến trách nhiệm của ông Phạm Tuấn Chiêm trong vụ Nguyễn Thanh Chấn, ông Trương Hòa Bình cho biết chưa xác định được có ý thức chủ quan mà chỉ do nhận thức. Thời điểm đó chưa có tranh tụng, xử trên hồ sơ, hội đồng quyết định tập thể và mỗi người đều có quan điểm, bỏ phiếu ngang nhau, đồng tình ra bản án.

“Sai thì phải xử lý nhưng cần xem xét để người ta yên tâm thể hiện quyền năng pháp lý tại phiên tòa. Về vụ ông Chiêm, Viện Kiểm sát đang điều tra, chưa chuyển qua tòa nên chưa có căn cứ xác định ông Chiêm có tội”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.