Quản lý

Chi phí cao ngất, Cái Mép - Thị Vải đánh mất lợi thế hút hàng

02/07/2019, 06:57

Qua gần 6 năm khai thác, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chưa phát huy được hết tiềm năng của một cảng trung chuyển quốc tế...

img
Công suất khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được nâng cao nếu điểm nghẽn về chi phí được giải quyết (Trong ảnh: Bến cảng quốc tế Cái Mép)

Là cụm cảng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, song qua gần 6 năm khai thác, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của một cảng trung chuyển quốc tế bởi chi phí quá cao và những bất cập về hạ tầng sau cảng.

Khó hút hàng vì hệ sinh thái “khuyết”

Ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, khu vực CM-TV có 6 bến cảng container gồm: Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam (SITV), Cảng quốc tế SP-PSA, Cảng container quốc tế Cái Mép Thượng (TCIT và TCCT), Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), Cảng container Tân Cảng - Cái Mép (TCTT) và Cảng container quốc tế Sài Gòn - SSA (SSIT) với tổng công suất thiết kế 6,8 triệu TEUs (74,8 triệu tấn).

“CM-TV là cụm cảng được đánh giá có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Sản lượng container thông qua các bến mỗi năm đều tăng trưởng từ 10 - 26,4%. Tuy nhiên, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cụm CM-TV năm 2018 là gần 2,87 triệu TEUs, mới đạt 55,4% công suất thiết kế”, ông Thu nói.

Cũng theo đại diện Cục Hàng hải VN, sau gần 6 năm chính thức đưa vào khai thác, đến nay CM-TV đang là một trong 20 cảng trên thế giới đón được tàu container 18.000 TEUs và hiện đã thiết lập 22 chuyến tàu container quốc tế mỗi tuần.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN, CM-TV có thể đạt được công suất thực tế lớn hơn rất nhiều nếu giải quyết được điểm nghẽn liên quan đến chi phí quá cao để hút hàng từ Cát Lái về.

“Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), mỗi container thông quan tại CM-TV đắt hơn tại TP HCM từ 1 - 1,25 triệu đồng. Do đó, 82% hàng hóa về CM-TV vẫn làm thủ tục thông quan tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Nguyên nhân là do hãng tàu/đại lý phần lớn tập trung tại TP HCM nên các DN tại Vũng Tàu phải mất nhiều thời gian di chuyển, đi lại làm thủ tục.

Khu vực cụm cảng CM-TV cũng thiếu các depot container rỗng. Nếu khách hàng giao nhận hàng trực tiếp tại Cái Mép phải lấy và trả container rỗng tại TP HCM, Bình Dương, chi phí phát sinh khoảng 50% so với giao nhận hàng tại Cát Lái”, ông Tương cho hay.

Lý giải thêm về lý do hơn 80% hàng hóa về CM-TV thông quan tại TP HCM, theo ông Bùi Thiên Thu, hiện Cái Mép còn thiếu văn phòng đại diện của các cơ quan kiểm tra như: Kiểm dịch động vật, thực vật, y tế… Mỗi lần kiểm tra, các DN phải lấy mẫu sản phẩm gửi về các phòng thí nghiệm tại TP HCM để thực hiện và phải đợi từ 3 - 5 ngày mới thông quan được hàng hóa nên việc vận động chủ hàng thực hiện thông quan tại CM-TV sẽ không hiệu quả.

Cùng đó, hải quan ở Bà Rịa - Vũng Tàu chưa được trang bị máy soi container nên làm tăng thời gian xử lý nghiệp vụ và tăng chi phí cho DN do phải chờ kiểm tra bằng phương pháp thủ công, mất thêm rất nhiều thời gian chờ đợi.

Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển VN cho rằng, chủ hàng chưa mặn mà với CM-TV vì Cái Mép vẫn thua Cát Lái tính ưu Việt. “Cát Lái có hệ sinh thái đầy đủ về: Thông tin, hàng hóa, tài chính, tiện ích cho khách hàng, thủ tục giải quyết rất nhanh. Nơi đây lại có hàng trăm chuyến tàu ghé, hàng hóa không gửi được tàu này lại có luôn chuyến tàu kế tiếp. Nếu chủ hàng đưa hàng ra CM-TV mà lỡ tàu, việc nằm chờ chuyến kế tiếp cũng phát sinh chi phí, chuyển lại vào Cát Lái chi phí lại càng tăng cao. Chưa kể hệ sinh thái ở CM-TV còn đang “khuyết” vị trí của các cơ quan kiểm tra, chưa tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan”, ông Lân nói.

Hoàn thiện hạ tầng, nghiên cứu cơ chế ưu đãi

Theo tính toán, nếu việc giới hạn sản lượng khu vực TP HCM được thực thi, phần sản lượng gia tăng của khu vực TP HCM dịch chuyển ra CM-TV năm 2025 vào khoảng 5 triệu TEUs. Về dài hạn, sự xuất hiện của các tàu mẹ tại CM-TV sẽ dần thúc đẩy việc phát triển các tuyến dịch vụ feeder gom hàng hay phân phối đi các thị trường nội địa như: TP HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hải Phòng và các thị trường quốc tế như: Campuchia, Thái Lan và Philippines… Đó chính là tiền đề cho sự hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh,
quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN


Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Thiên Thu cho biết, để tiếp tục triển khai các giải pháp đưa các bến cảng tại CM-TV sớm đạt công suất thiết kế, thời gian qua, Cục Hàng hải VN đã chỉ đạo cảng vụ hàng hải Vũng Tàu chủ động đề nghị các cơ quan liên quan bố trí lực lượng làm việc tại CM-TV và thông báo sẵn sàng bố trí nơi làm việc tạm thời cho các đơn vị. Tuy vậy, hiện tại, mới chỉ có Chi cục Kiểm dịch thực vật chính thức đặt trạm thường trực tại Phú Mỹ. Cơ quan kiểm dịch động vật chưa có kế hoạch bố trí.

Trước thực tế đó, Cục Hàng hải VN đã đề xuất Bộ GTVT đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các Cục Kiểm dịch động vật, Thực vật, bố trí các cơ quan kiểm tra chuyên ngành thường trực tại các cảng CM-TV.

“Cục cũng kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu chính sách thuế quan, cho phép DN lấy hàng và trả rỗng ngay tại các cảng Cái Mép, đặc biệt, đối với khách hàng cách cụm CM-TV trong bán kính 30 - 40km; Lắp đặt thiết bị soi chiếu hải quan tại CM-TV; Phối hợp nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu đãi về phí, lệ phí hàng hải cho tàu trọng tải dưới 50.000 DWT để khuyến khích tàu feeder Nội Á ghé Cái Mép. Đồng thời, có chính sách khuyến khích phát triển các depot rỗng dọc QL51 để phục vụ khách hàng giao nhận hàng hai chiều, phát triển cụm CM-TV thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế với các tuyến dịch vụ phong phú”, ông Thu nói.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (đơn vị liên doanh tại các cảng: SP-PSA, SSIT, CMIT), CM-TV là cụm cảng có điều kiện tự nhiên cực kỳ đắc địa trong việc xây dựng cảng biển với độ sâu tự nhiên trên 13m, đón được tàu mẹ đến 200.000 DWT. Tuy nhiên, để thu hút tàu mẹ đến, CM-TV phải có nguồn hàng tốt, hệ thống luồng lạch ổn định.

“Khi CM-TV hình thành, Việt Nam đã đề ra chính sách di dời hàng hóa từ Cát Lái ra để thu hút đầu tư nước ngoài, song sự di dời lại có độ trễ khiến DN gặp nhiều khó khăn. Hai năm qua, hàng hóa có tăng trưởng nhưng vẫn chỉ đạt quá nửa công suất trong khi DN phải gánh chi phí lãi vay, khấu hao lớn. Vì vậy, bộ, ngành liên quan cần sớm có cơ chế hạn chế hàng hóa vào Cát Lái để tăng cường lượng hàng đổ về CM-TV”, ông Tĩnh nói.

Cũng theo ông Tĩnh, cơ quan chức năng cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục và quy định đổ vật liệu nạo vét, tạo thuận lợi cho luồng vào Cái Mép sớm duy tu nạo vét đến -15,5m để tiếp nhận được tàu siêu lớn, sức chở từ 14.000 TEUs trở lên mà không phụ thuộc vào thủy triều, duy trì sức hấp dẫn của cảng nước sâu CM-TV và không bỏ lỡ các cơ hội từ sự phát triển của ngành Hàng hải thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.