Xã hội

Chi trả bồi thường sự cố Formosa: Vơi nỗi lo, áp lực dai dẳng

21/11/2016, 13:05
image

Nhiều địa phương tại miền Trung đã tiên phong chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển Formosa.

anh 3

Người dân xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) nhận tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển để đầu tư tái sản xuất

Nhiều địa phương tại miền Trung đã tiên phong chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển Formosa cho các hộ ảnh hưởng. Theo người dân, số tiền vơi nỗi lo trước mắt nhưng áp lực sinh kế, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp còn dai dẳng…

Công khai đền bù, tránh khiếu kiện

Tại xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), hàng trăm ngư dân nhận tiền đền bù những ngày qua đang tiến hành trả nợ, khôi phục sản xuất và tính chuyện chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Ngô Xuân Thảo (xã Vĩnh Thái) cho biết: 64 triệu đồng được gia đình phân bổ kinh phí sửa lại tàu, ngư cụ, chăn nuôi và trồng trọt khi có điều kiện phù hợp.

Tương tự, ông Trần Văn Khuyên chia sẻ: “Tiền núi ăn không cũng hết, vợ chồng tính dành một ít đầu tư lại trang thiết bị, máy tàu, số còn lại gửi ngân hàng tiết kiệm và dùng khi cần”. Thực tế sau sự cố môi trường biển, nhiều người dân làng “bỏ xứ” vào tận miền Nam, lên các tỉnh Tây Nguyên làm thuê. Theo các hộ dân trên địa bàn, đất đai ở vùng bãi ngang này chủ yếu là cát, thu nhập chính là nhờ biển.

Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài Vĩnh Linh các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh của Quảng Trị cũng đã gần hoàn tất việc chi trả bồi thường trong đợt 1. Số tiền UBND tỉnh Quảng Trị đã tạm cấp là hơn 202 tỷ đồng bổi thường cho chủ tàu cùng người lao động trên tàu, và hơn 900 triệu đồng cho người nuôi trồng thủy sản.

Tương tự, tại Quảng Bình, nhiều địa phương như các huyện Ba Đồn, Đồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Trạch… đã bắt đầu tiến hành chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho người dân. Thậm chí, một số nơi như xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, công việc này đã được đẩy nhanh hơn so với kế hoạch.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trước khi tiến hành chi trả, các địa phương đều được yêu cầu niêm yết công khai danh sách để đảm bảo đúng mức, đúng đối tượng. Đồng thời, thành lập tổ chi trả, tổ giám sát, giải đáp thắc mắc cũng như huy động lực lượng bảo vệ an ninh trật tự khi người dân nhận tiền…

Qua khảo sát, hầu hết người dân đều hài lòng với mức bồi thường đưa ra, tuy nhiên vẫn có một số hộ có tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90CV trở lên phản ánh là mức bồi thường chưa thỏa đáng. Anh Lê Văn Thuận (xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ công suất hơn 90CV cho biết: “Tàu chúng tôi tuy gọi là đánh bắt xa bờ nhưng không đi quá 20 hải lý bao giờ. Vừa qua hải sản đánh bắt về không bán được, chúng tôi không ra khơi hoặc nhiều chuyến đi về không có lãi thì cũng chẳng khác gì các tàu nhỏ nằm bờ. Tàu có 15 lao động, tính theo mức bồi thường chia ra mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng/người, chỉ bằng 1/2 mức bồi thường đối với các lao động giản đơn trên thuyền nhỏ (2,9 triệu đồng/người). Đó là chưa kể tới những lao động hỗ trợ trên bờ không được tính bồi thường”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch thừa nhận: “Xã có 25 tàu đánh bắt xa bờ, những tàu này được tính mức bồi thường theo diện hỗ trợ thiệt hại nên mức bồi thường thấp hơn. Tiền bồi thường được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu và chủ tàu sẽ tự cân đối chia cho các lao động trên tàu”.

Chỉ mong biển sớm an toàn

Sáng 20/11, hơn 550 chủ tàu, ngư dân trên địa bàn xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) trực tiếp được các đơn vị chức năng rà soát, nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển. Cầm trên tay số tiền 64 triệu đồng, ông Trần Bình Lan (53 tuổi, thôn 6, Triệu Lăng), chủ thuyền 20CV kiêm thuyền trưởng, lao động chính trong nhà cho hay: “Mấy tháng nay, tàu cá “đắp chiếu” để đó. Hải sản đánh bắt về cũng không thể tiêu thụ, hoặc giá rẻ như cho. Số tiền chỉ mang tính động viên là chính. Chúng tôi cũng cảm thấy vơi bớt khó khăn trước mắt nhưng nghề nghiệp làm ăn cả đời thì trăn trở lắm. Chỉ mong biển sớm sạch, đó mới là cách hỗ trợ thiết thực nhất”, ông Lan nói.

Theo tìm hiểu, nguyện vọng lớn nhất của ngư dân miền Trung lúc này không phải là nhận được tiền bồi thường mà họ chỉ mong sao biển an toàn trở lại để được vươn khơi bám biển. Anh Võ Văn Sinh (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) trong đợt 1 được nhận khoảng 64 triệu đồng. “Số tiền này có đáng gì so với những gì dân miền biển chúng tôi bị thiệt hại. Trước đây biển là nguồn nuôi sống cả làng, cả xóm, 6 tháng nay, thuyền nằm bờ cả, ngư dân khó khăn vô cùng”, anh Sinh nói. Khi được hỏi về những toan tính cho những ngày tháng sắp tới, anh Sinh cho biết: “Nghe nói biển đang hồi phục, chúng tôi cũng thấy mừng. Số tiền này, tôi sẽ dành một phần trang trải cuộc sống, phần còn lại kêu gọi mấy anh em sửa chữa thuyền, máy, mua sắm thêm ngư lưới cụ để có thể ra khơi khi hải sản đã an toàn. Chỉ như vậy, tiền đền bù mới có ích”.

Mới đây, tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cũng nhấn mạnh: Thủy sản vẫn là thế mạnh, là hướng đi lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, do vậy cần tiếp tục vận động, khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, tàu sắt trên 500CV trở lên để đánh bắt xa bờ. 

Việc kiểm kê thiệt hại, tính giá bồi thường được thực hiện công khai theo 3 bước. Bước thứ nhất, trưởng các thôn, xóm sẽ tổ chức họp dân, lên danh sách và đi đến từng nhà đánh giá thiệt hại, rồi chuyển danh sách lên hội đồng kiểm tra của xã.

Hội đồng kiểm tra cấp xã kiểm tra thêm lần nữa, công khai danh sách, mức bồi thường trước nhân dân. Tiếp đó, danh sách được chuyển lên huyện, sau khi kiểm tra, hội đồng cấp huyện chốt danh sách cụ thể và tiến hành niêm yết công khai tại các khu dân cư và giải quyết nhanh chóng các trường hợp còn vướng mắc rồi mới ra quyết định chi trả bồi trường. 

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.