Điều tra

Chi trăm triệu mua lốt xe, làm luật: Diễn biến bất ngờ sau vụ bắt 2 cán bộ

16/01/2022, 15:24
image

Sau loạt bài điều tra chi trăm triệu mua “lốt” xe, làm luật tại cửa khẩu Lạng Sơn, tình hình xuất khẩu nông sản có những diễn biến bất ngờ.

Xuất khẩu thuận lợi

Ngày 15/1, có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn, PV Báo Giao thông ghi nhận công tác thông quan, xuất khẩu hàng hóa diễn ra khá sôi động.

Theo cơ quan chức năng tại cửa khẩu, tuy là ngày thứ 7 nhưng trong ngày, lực lượng chức năng đã thông quan thành công 110 xe hàng (cao gần gấp 1,5 lần so với thời điểm trước), trong đó phần lớn là xe nông sản.

Tin nóng nhất về đường dây bán lốt xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu

img

Lực lượng biên phòng kiểm tra, hướng dẫn phương tiện vào Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Trong các ngày 13 và 14/1, tại cửa khẩu này cũng có từ 75 đến 78 xe hàng hóa được xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng nhẹ so với những ngày trước.

Đến 20h chiều 15/1, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chỉ còn tồn 669 xe, trong đó có 479 xe tại khu trung chuyển, phần lớn vẫn là mặt hàng trái cây tươi.img

Lái xe đường dài khai báo y tế tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tiêu cực

Bà Hứa Thị Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khẳng định, hiện nay, 98% hàng nông sản nằm ở luồng xanh, chỉ cần hoàn thiện thủ tục là thông quan ngay.

“Quy định thì không có điều khoản nào về việc phải ưu tiên thông quan hàng nông sản nhưng để hỗ trợ người dân, chúng tôi đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn luôn ưu ái hoàn thiện trước thủ tục cho các xe nông sản thông quan thuận lợi, kịp giờ giao hàng trong ngày.

Hiện nay, Chi cục cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh những tiêu cực tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (số điện thoại: 19009299).

Đồng thời, quán triệt, yêu cầu 100% cán bộ hải quan nói không với tiêu cực trong thông quan, xuất khẩu hàng hóa”, bà Hồng nói.

Thống kê cho thấy, đến 20h ngày 15/1, tổng số lượng xe tồn đọng tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 1.224 xe.

Theo đánh giá, với chính sách tạm dừng tiếp nhận hàng hóa nông sản tươi trên đường bộ theo thông báo của UBND tỉnh Lạng Sơn (không tiếp nhận xe lên cửa khẩu từ ngày 17/1) và cam kết thông quan hàng hóa đến ngày 30 Tết từ phía bạn, mục tiêu cơ bản giải phóng số xe tồn đọng tại các cửa khẩu trước thềm năm mới hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tài xế vui mừng vì chi phí giảm hơn 3 lần

Gặp chúng tôi tại cửa khẩu khi vừa nhận xe sau 25 ngày di chuyển, xếp “lốt” xuất khẩu mít từ Tiền Giang sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, anh Mai Chí Thành, quê Tiền Giang cho biết: "Tôi rất phấn khởi vì ban đầu cứ nghĩ sẽ bị “nhà luật” ép nộp hàng chục triệu tiền luật và chi phí đưa xe sang Trung Quốc như những ngày trước.

Khi nhận xe, tôi được thông báo tổng chi phí làm thủ tục, bến bãi và thuê tài xế chuyên trách xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ hết 7 triệu đồng (trước đây đều từ 20 đến 25 triệu đồng/xe).

Trong đó, chủ hàng phía Trung Quốc đã đồng ý hỗ trợ một nửa số tiền trên, tôi chỉ phải nộp 3,5 triệu đồng cho “nhà luật” để nhận xe và tiếp tục nhận chở hàng nhập khẩu từ cửa khẩu trả về miền Nam".

img

Phương tiện xếp "lốt" tại bãi trung chuyển, chờ lên cửa khẩu.

Anh Nguyễn Văn Trung, một chủ xe quê Bắc Giang cũng xác nhận, hiện nay chi phí xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã giảm hơn 3 lần so với thời điểm trước.

Cụ thể, chi phí thuê người hoàn thiện thủ tục, thuê lái xe chuyên trách ở cả Việt Nam và Trung Quốc chỉ còn từ 7-8 triệu đồng/xe.

Các xe cũng chỉ phải chờ hơn 10 ngày là có thể xuất hàng sang cửa khẩu, bảo đảm nhà xe có lãi trong thời điểm dịch bệnh, xuất khẩu khó khăn.

Một số nhà xe còn cho biết, sau vụ việc 3 đối tượng bị bắt liên quan đến tiêu cực tại cửa khẩu, các đơn vị đã chủ động đàm phán, ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển nông sản nội dung các khoản chi nhà xe, tài xế phải chịu trong quá trình vận chuyển, làm thủ tục.

Các chi phí phát sinh “ngoài luồng” nếu có tại cửa khẩu sẽ do chủ hàng Việt Nam và Trung Quốc thực hiện để phòng tránh việc các bên có thể liên kết, lợi dụng, ép nhà xe đưa thêm tiền khi vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa.

img

Bãi trung chuyển, xếp "lốt" phương tiện được trang bị camera giám sát 24/24.

Không còn chuyện "nhà luật" chèn ép, thu tiền giá cắt cổ

Liên hệ với “nhà luật” Đ.V.L, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được biết, những “nhà luật” thu tiền với mức giá “trên trời” được Báo Giao thông điểm tên đã tạm dừng hoạt động, nhiều trường hợp đã tắt điện thoại hoặc không liên lạc được.

“Mọi việc ở cửa khẩu đã trở lại bình thường, không còn xảy ra tình tình trạng “phá giá”, lợi dụng trình hình ách tắc để chèn ép, thu thêm tiền của tài xế và nhà xe như trước”, anh Đ.V.L nói.

Cận cảnh phương tiện xếp "lốt" lên cửa khẩu tại bãi trung chuyển tỉnh Lạng Sơn.

Đáng chú ý, sau khi xảy ra vụ việc 2 cán bộ Đội Trật tự đô thị huyện Cao Lộc bị khởi tố vì bán “lốt” xe tại bãi trung chuyển, Công an huyện Cao Lộc đã thay đổi chốt trưởng tại bãi này.

Thiếu tá Dương Văn Vỹ, Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Cao Lộc, chốt trưởng Chốt kiểm soát tại bãi trung chuyển huyện Cao Lộc khẳng đinh: "Chúng tôi đã quán triệt đến các lực lượng, cá nhân tham gia chốt liên ngành không được để tái diễn vi phạm.

Hiện, công tác xếp “lốt”, giám sát xe vào và ra đều được các lực lượng cùng phối hợp thực hiện, có sự giám sát lẫn nhau, thường xuyên cập nhật, báo cáo đến cấp trên để phòng, chống tiêu cực có thể xảy ra".

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Qua phản ánh của Báo Giao thông, Cơ quan điều tra vẫn đang tập trung làm rõ để xử lý các cá nhân liên quan nếu có vi phạm. Qua vụ việc cho thấy, nhiều quy định tại cửa khẩu còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp khiến những cá nhân liên quan dễ dàng trục lợi.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới.

Bán mỗi lốt xe từ 200- 300 triệu

img

Ba đối tượng liên quan đến vụ án bị bắt giữ, trong đó có 2 cán bộ huyện Cao Lộc

Trước đó, theo điều tra của PV Báo Giao thông, mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn ngoài việc tài xế phải chi hàng chục triệu đồng để “làm luật”, chủ hàng muốn được thông quan nhanh còn phải chi cả trăm triệu đồng để mua “lốt”.

Tất cả các công đoạn làm thủ tục, mua bán “lốt” xe do các “nhà luật” thực hiện.

Sau loạt bài điều tra của Báo Giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, lãnh đạo tỉnh đã nhận được nhiều bằng chứng liên quan đến những tiêu cực kể trên, đồng thời chỉ đạo công an tập trung lực lượng kiểm tra, làm rõ để xử lý.

Đến ngày 14/1, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt giam 2 cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc để điều tra về tội “Nhận hối lộ” là Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992).

Cả hai đều là viên chức hợp đồng của UBND huyện Cao Lộc.

Ngoài ra, trong vụ án này, bị can Đình Văn Thìn (SN 1979, trú tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Đưa hối lộ”.

Theo điều tra, lợi dụng tình hình ách tắc tại các cửa khẩu, Thìn đã làm giá với các chủ hàng, thu mỗi xe từ 200- 300 triệu đồng để cho vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu thông quan.

Để thực hiện hành vi trên, Thìn đã móc nối với Hưởng và Tuấn Anh, là những người được giao nhiệm vụ viết phiếu, đánh số thứ tự các xe ra, vào bãi phân luồng, chờ thông quan trên địa bàn để đổi phiếu, cho xe mua “lốt” lên thẳng cửa khẩu xuất hàng.

Mỗi xe trót lọt như vậy, Thìn phải đưa cho các cán bộ trên 50 triệu đồng.

Bước đầu cơ quan công an đã làm rõ, Thìn đã đưa cho các cán bộ trên tổng số tiền 800 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.