Bạn cần biết

Chỉ uống “sữa hạt”, con suy dinh dưỡng

05/05/2017, 08:00

Không ít trẻ nhỏ suy dinh dưỡng nặng vì ngộ nhận sai lầm về việc dùng sữa hạt thay thế hoàn toàn sữa bò.

14

Quan niệm sai lầm khi dùng sữa hạt thay sữa động vật dành cho trẻ nhỏ

“Tẩy chay” sữa bò, con suy dinh dưỡng nặng

Hiện không ít bà mẹ đang tạo làn sóng “tẩy chay” sữa bò, với các bà mẹ có sữa cho con thì không sao nhưng nhiều bà mẹ tìm đến sản phẩm sữa thay thế với tên gọi “sữa hạt”. Trên nhiều trang mạng rầm rộ giới thiệu các phương pháp làm “sữa hạt” từ các loại hạt như: lạc, đậu nành, óc chó, hạnh nhân, sen, mè đen hay ngô, khoai lang… “Các loại sữa như sữa bắp, sữa mè, sữa kê, sữa đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng đều thích hợp cho bé dưới một tuổi. Nhiều mẹ cho rằng đậu phộng dễ gây dị ứng nên trên một tuổi mới dùng được, nhưng thực ra đậu phộng là thực phẩm lành tính. Vì đậu phộng chứa nhiều vi chất rất tốt cho não của bé, Sóc nhà mình dùng từ 6 tháng”, một mẹ nhiệt tình giới thiệu trên Facebook.

"Theo khuyến cáo của WHO, trẻ em dưới 6 tháng phải ăn chất đạm 100% có nguồn gốc động vật. Điều này đồng nghĩa trẻ dưới 6 tháng tuổi phải bú sữa mẹ hoàn toàn. Trong trường hợp mẹ mất sữa, trẻ cần được dùng sữa bột công thức từ các loại động vật (sữa bò, sữa trâu, sữa dê). Đối với nhóm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ngoài sữa mẹ, trẻ sẽ phải ăn thức ăn bổ sung, duy trì ăn 70% có đạm nguồn gốc động vật. Trẻ trên 1 tuổi có thể dùng “sữa hạt” để bổ sung dinh dưỡng với điều kiện trẻ phải được ăn đầy đủ các thức ăn có nguồn gốc đạm động vật, ăn đủ theo nhu cầu. Khi áp dụng “sữa hạt” dùng cho trẻ nhỏ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng."

BS. Lê Thị Hải
Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Theo BS. Lê Thị Hải, chuyên gia dinh dưỡng, gần đây rất nhiều trẻ đến khám dinh dưỡng trong thể trạng gầy yếu, mệt mỏi, suy dinh dưỡng mà nguyên nhân do người mẹ cho con dùng “sữa hạt” thay thế sữa bò. Thậm chí, có trường hợp cả mẹ cả con đều suy dinh dưỡng, mẹ sụt cân liên tục còn trẻ 19 tháng thì còi cọc. Qua khai thác từ bệnh nhân, BS. Hải được biết, bệnh nhân chỉ uống sữa yến mạch và có bổ sung thêm một viên đa vi lượng mỗi ngày. Sau khi chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm máu, kết quả cho thất rõ cả hai đều trong thể trạng suy dinh dưỡng, thiếu hàng loạt các vi chất.

Bà Hải cho rằng: “Danh từ sữa hiện nay bị lạm dụng quá nhiều, mọi người cần hiểu khi được gọi là sữa hàm lượng đạm cùng các vi chất phải đủ tiêu chuẩn nhất định. Ví như sữa đậu nành nếu xét về bản chất thì không phải là sữa mà chỉ được coi là thức ăn bổ sung”.

Đồng quan điểm, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Trọng Hưng khẳng định: “Trong sữa công thức không chỉ cung cấp chất đạm mà còn hàm chứa nhiều vi chất khác nữa. Còn trong mỗi loại hạt có hàm chứa một vài thành phần vi chất, chất đạm, do vậy, không thể dùng là sản phẩm thay thế hoàn toàn sữa công thức hoặc bữa ăn chính của trẻ”.

Sữa hạt chỉ dùng bổ sung

Theo bà Hải, hiện các mẹ tự làm các loại sữa từ các loại hạt mà trên thực tế, đó chỉ được coi là súp, là thực phẩm bổ sung thêm dinh dưỡng.

Hiện nay, có hai loại thực phẩm bổ sung được các bà mẹ sản xuất từ các loại hạt. Nhóm 1, sản xuất từ các loại hạt giàu chất béo và giàu chất đạm. Ví dụ, các hạt đậu đỗ, hạnh nhân, hạt óc chó… có hàm lượng protein khá cao. Và nhóm thứ 2 là sữa từ các loại ngũ cốc như yến mạch, gạo lứt, khoai lang, ngô, bí đỏ… “Các mẹ không biết rằng, nhược điểm của nhóm sữa hạt chính là các vi chất dinh dưỡng có trong các loại hạt như sắt, canxi rất khó hấp thu và đạm thực vật cũng khó tiêu hóa hơn với đạm động vật, nhất là đối với trẻ nhỏ”, bà Hải cho biết.

Theo khuyến cáo của BS. Hải, nếu chỉ được dùng các loại sữa hạt, trẻ sẽ bị thiếu các vi chất dinh dưỡng (sắt, kẽm), axit amin thiết yếu, có nguy cơ bị thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng là rất cao. Không đủ vi chất dinh dưỡng trẻ sẽ bị ảnh hưởng hệ miễn dịch, dễ ốm, suy dinh dưỡng và thấp còi. “Vì vậy, sữa hạt chống chỉ định cho trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang thiếu máu. Với nhóm trẻ bị suy dinh dưỡng cần phải được dùng các loại sữa nhiều năng lượng, sữa mẹ, ăn chất đạm như: Thịt, cá, trứng, tôm”, BS. Hải cho biết.

“Với trẻ đang độ tuổi uống sữa công thức (vì không có nguồn sữa mẹ) hoặc ăn dặm thì việc dùng một trong hai nhóm sữa trên để thay thế bữa chính của trẻ là hoàn toàn bất hợp lý, nó hạn chế việc phát triển toàn diện ở trẻ”, BS. Hưng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.