Xem - ăn - chơi

Chỉ vì cái…ngõ!

05/08/2017, 06:29

Ông Quềnh hầm hầm mặt bước thấp bước cao đi như chạy ra khỏi nhà ông Quàng.

34

Ảnh minh họa

Ông Quềnh hầm hầm mặt bước thấp bước cao đi như chạy ra khỏi nhà ông Quàng. Ra khỏi ngõ rồi còn quay lại đầy hậm hực, khiến mấy con chó đuổi theo ông sủa loạn xạ. Ông vừa lấy cục gạch ném lại đàn chó, vừa gầm lên trong cổ họng: “Được! Để rồi xem! Sau này, có vấn đề gì xảy ra, đừng có mà trách”.

Vừa về đến nhà, bà Hính, vợ ông Quềnh đã chạy ra túm lấy ông hỏi một thôi một hồi: “Thế nào ông? Chắc thất bại hả? Tôi bảo rồi, lão ấy giàu nhưng mà keo lắm. Cả làng này người ta gọi là “Quàng đinh sắt”, ông còn lạ gì?”. Cởi chiếc áo ngoài ném mạnh vào góc giường, ông Quềnh làu bàu: “Không chỉ “keo” mà lão còn bảo thủ, ích kỷ nữa! Tôi đến là để vận động lão tham gia đóng góp cùng ngõ trên được đồng nào hay đồng ấy, chung tay làm con đường bê tông cho cả xóm sạch sẽ, phong quang. Nhà lão tiếng là đi ngõ dưới, nhưng vẫn thỉnh thoảng qua lại ngõ trên, có phải là không liên quan gì đâu. Thế mà mặc tôi lý có, tình có, sùi cả bọt mép, lão vẫn từ chối, còn lý do từ nay không đi ngõ trên nữa. Ngang không chịu được! Để rồi xem”.

Việc ông Quàng không tham gia đóng góp thực ra cũng không ảnh hưởng gì đến quyết tâm làm đường của ngõ trên. Bằng chứng là, sáng hôm sau, tất cả các hộ trong ngõ đều nhất trí đóng góp tiền để mua vật liệu đổ bê tông con đường đất cũ dài hơn 300m nối từ đường trục chính của làng vào. Một số hộ lân cận dù khác ngõ, nhưng thường xuyên qua lại cũng tự nguyện đóng góp thêm. Điều này càng khiến những người trong ngõ thêm khó chịu với ông Quàng. Tuy nhiên, dù sao cũng là tình cảm ngõ trên ngõ dưới, nên dù bức xúc đến đâu, mọi người cũng chỉ tỏ thái độ kín với nhau, không làm ầm ĩ lên, sợ thông tin lan ra, xóm khác lại cười chê ngõ dưới ngõ trên thiếu đoàn kết.

Thoắt cái, con ngõ bê tông theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hoàn thành. Ngày khánh thành, cả ngõ rộn ràng, phấn khởi. Để “tự thưởng” cho mình, các hộ quyết định góp thêm quỹ mua hẳn con lợn “cắp nách” gần 20kg về liên hoan. Cả đại diện chính quyền thôn cũng được mời đến chia vui. Rượu thịt chộn rộn, mọi người cười nói rôm rả, vui như Tết. Tiệc đang vui bỗng “phụp”- mất điện. Chiếc quạt công nghiệp đang chạy phành phạch tự nhiên lờ đờ rồi im thít. Sau khi chạy đi quan sát, thằng con ông Quềnh thông báo: “Mất pha các ông bà ạ! Ngõ trên nhà mình mất thôi. Ngõ dưới vẫn thấy tiếng ti vi”. Đúng thật, dưới nhà ông Quàng, tiếng nhạc hiệu của chương trình quảng cáo trên VTV vẫn vang lên. Có ý kiến đề nghị: “Hay là trong khi chờ đợi, mình kéo nhờ dây từ nhà ông Quàng lên đây? Nóng thế này uống rượu mất ngon”! Mọi người gật gù tán thành. Lần này, ông Quềnh giao ông khác trong ngõ đi “quan hệ”. Được một lúc, thấy ông kia về, lắc đầu: “Lão bảo điện nhà lão yếu, lại đang chạy máy giặt, điều hòa. Nếu cho câu nhờ, sợ… sập nguồn”. Mọi người chưng hửng. Những tiếng văng tục, chửi thề rầm rì buột ra. Sợ hỏng cuộc vui, ông Quềnh đề xuất: “Để tôi gọi cậu em xóm ngoài mang cho mượn chiếc máy phát điện, đỡ phải phiền hà hàng xóm”.

Sau vụ nhờ “câu” điện bất thành ấy, bà con ngõ trên càng thêm bức xúc với nhà ông Quàng. Nỗi bức xúc dồn từ người lớn xuống cả đám trẻ nhỏ. Đến mức, ngay ở đầu con ngõ mới đổ, chẳng biết đứa trẻ nào đã nguệch ngoạc viết dòng chữ: “Cấm cả nhà lão Quàng đi qua đây!”. Từ hôm có ngõ mới, ông Quàng không đi thật. Nhưng, một lần, con gái ông Quàng công tác xa về đi qua, đám trẻ con cứ chạy theo réo: “Không đóng tiền thì không được đi. Không góp tiền thì không được đi”! Vụ việc trở nên cực kỳ căng thẳng khi mấy tháng sau, ông Quàng tổ chức đám cưới cho con gái. Do họ nhà trai ở xa, đi toàn ô tô “khủng” về đón dâu nên ngõ chính qua nhà ông Quàng xe không vào được. Chả biết ai dẫn đường mà đoàn xe lại chọn đi qua ngõ trên. Ngõ này vừa có chỗ đỗ xe, đoàn khách lại chỉ phải đi bộ vài chục bước chân, thuận tiện hơn nhiều. Nhưng, mọi chuyện đâu có dễ dàng vậy!

Vừa thấy đoàn xe họ nhà trai đến đầu ngõ, đám trẻ con chẳng biết nghe tin từ đâu đã kéo nhau thành đoàn vài chục đứa chạy ra đứng chắn. Cả đám léo nhéo: “Không được đi ngõ này. Không được đi ngõ này. Ông Quàng người ngõ dưới, không được đi qua đây!”. Có bà sồn sồn ra gọi con về còn thẳng toẹt: “Hồi chúng tôi làm ngõ, nhà ông Quàng không thèm góp tiền nên mọi người muốn đón dâu thì đi ngõ dưới”. Đám nhà trai toàn người thiên hạ, thấy lũ trẻ đông lít nhít, lại cương quyết thế nên sau khi ngon ngọt không được, đành chấp nhận gọi điện cho họ nhà gái. Ông Quàng nghe điện thoại mà tái mặt, rút khăn mùi xoa ra chấm chấm mồ hôi. “Giờ phải làm sao đây?”. Sau một hồi đắn đo, không dám trực tiếp “bêu mặt” ra, ông đành giao con trai cả thân chinh đi dàn xếp. Con trai cả ông Quàng vừa xuất hiện, cả đám trẻ hò nhau hát đồng dao: Tiền không chịu đóng. Lại muốn đi qua. Giàu mà keo kiệt. Xấu hổ quá ta. Nghe đến đó, cậu cả xấu hổ với họ nhà trai lủi mất. Cực chẳng đã, ông Quàng đành phải gọi điện cho anh Thắng trưởng thôn, nhờ dàn xếp giúp. Chứ bây giờ, xe đã đỗ ở ngay đầu ngõ rồi, quay đầu cũng khó. Chưa kể, việc đại sự mà phải “quay đầu” xe giữa chừng, đó là điềm xấu, tối kỵ!?!. Ông Quàng thầm nghĩ!

Một lát sau, anh Thắng trưởng thôn đến. Lúc này, ông Quềnh cùng một số ông bà khác trong ngõ cũng đi ra. Biết ông Quềnh có uy tín nhất ngõ, đứa cháu ông lại đang cầm đầu đám trẻ nên anh Thắng kéo ông ra một góc giảng giải: “Bác nên vì cái tiếng của cả thôn, khuyên mọi người để cho khách đi qua. Chuyện nhà ông Quàng với ngõ chỉ là chuyện nội bộ, đừng vì những mâu thuẫn nhỏ mà khiến người trên thành phố người ta nghĩ xấu về lòng hiếu khách của làng mình. Suy cho cùng thì “xấu chàng hổ ai? Hơn nữa, về lý, đường là đường của Nhà nước, các ngõ chỉ quản lý, sử dụng, làm căng quá lại dính dáng đến pháp luật thì phiền bác ạ!”. Nghe anh trưởng thôn phân tích cũng có tình, có lý, ông Quềnh liền khuyên mọi người và hô hào đám trẻ con nhường đường cho đám khách đi. Còn dặn đám trẻ trông xe cho khách, cấm nghịch ngợm, viết vẽ bừa vào xe…!

Ngay sau đám cưới con gái, cả ngõ trên xôn xao vì lần đầu tiên họ thấy vợ chồng ông Quàng dắt tay nhau, cười nói đon đả đến thăm từng nhà. Bà Quàng tay xách chiếc túi to đùng, đựng đầy kẹo, bánh, gặp ai cũng cười nói giả lả, chia cho tất cả đám trẻ trong ngõ. Còn ông Quàng luôn tay gãi gãi đầu, giọng ngượng nghịu: “Tôi có lỗi quá. Các cụ dạy rồi, bán anh em xa, mua láng giềng gần. Ngõ trên hay ngõ dưới cũng đều là bà con trong xóm mình cả, các bác các cô nhỉ?”!!!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.