Giáo dục

Chỉ với 1 quả táo, cách chia của 2 người mẹ đã tạo ra một nhà chính trị và một tội phạm

09/08/2020, 01:00

Nhiều người sau khi nhận ra sự sai lầm trong cách chia táo của người mẹ, đều phải giật mình nhìn lại bản thân.

Trẻ em khi còn nhỏ được phần lớn cha mẹ dạy dỗ phải trở thành một đứa trẻ ngoan, lịch sự, có hiểu biết và phải khiêm tốn. Đây được xem như tiêu chuẩn dạy dỗ truyền thống của nhiều gia đình. Tuy nhiên, liệu điều này có thực sự tốt cho một đứa trẻ hay không, chúng ta cần phải xét thêm nhiều khía cạnh.

Không ít những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường lúc nào cũng phải "phục vụ" những điều thích và không thích của người lớn. Chúng buộc phải kìm nén sự khó chịu bên trong, không dám bày tỏ cảm xúc thật của mình. Một lời khen từ cha mẹ hay giáo viên là mục tiêu cuối cùng cho tất cả những hành vi của những đứa trẻ này. Vậy nên, vô hình chung, những trẻ phải lớn lên trong các quy tắc trở thành người tốt là phải học tập chăm chỉ, điểm số cao, tôn trọng giáo viên, quý mến bạn bè, yêu thương người già, tuân thủ các nguyên tắc...

Đành rằng những quy tắc này đều tốt cho một đứa trẻ, nhưng có bao giờ cha mẹ tự hỏi liệu con mình có thực sự muốn làm những điều đó không.

Những đứa trẻ ngoan và những đứa trẻ hư

Thế giới luôn phân chia "những đứa trẻ ngoan" và "những đứa trẻ xấu" theo các tiêu chuẩn đã được thiết lập.

Một nhà tâm lý học tội phạm nổi tiếng ở Mỹ đã tiến hành một thí nghiệm thú vị. Ông chọn 50 người thành công và 50 tội phạm để viết thư cho họ. Trong thư ông yêu cầu họ có thể nói về tác động giáo dục của người mẹ đối với mình. Rất nhiều lá thư hồi đáp đã gửi đến ông, nhưng trong số đó có 2 câu chuyện cùng nói về cách chia táo của người mẹ khi họ còn nhỏ.

img

Bài học về quả táo khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Một tù nhân ở nhà tù Pelican Bay ở California đã viết trong thư rằng:

"Khi tôi còn là một đứa trẻ, vào một đêm Giáng sinh, khi mẹ mang tới một vài quả táo có kích cỡ khác nhau. Tôi đã nhìn thấy quả tảo lớn nhất ở giữa ngay từ cái nhìn đầu tiên và thực sự muốn có được nó.

Lúc này, mẹ tôi đặt những quả táo lên bàn và hỏi anh trai John và tôi: Con muốn cái nào? Tôi định nói ra mình muốn quả táo lớn, nhưng John nói trước là mình cũng muốn quả đó. Nghe xong, mẹ nhìn anh John và trách móc anh: Một cậu bé ngoan là phải học cách từ bỏ những điều tốt đẹp để nhường cho người khác, không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ cho bản thân mình.

Vì vậy, để nhận được lời khen ngợi của mẹ, tôi đã có một ý tưởng là thay đổi lời nói của mình: Mẹ ơi, con muốn quả táo nhỏ, để quả táo lớn cho anh John đi ạ. Mẹ tôi nghe xong rất vui và hạnh phúc, sau đó thưởng quả táo lớn cho tôi còn anh John chỉ được quả táo nhỏ.

Từ đó trở đi, để có được những thứ mình muốn, tôi nói dối những suy nghĩ thực sự của mình. Khi tôi học cấp 2, để thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của bản thân, tôi bắt đầu ăn cắp, cướp, tiêm chích..., thậm chí là cả giết người. Cuối cùng, tôi bị giam cầm suốt đời trong nhà tù này".

Cũng liên quan tới quả táo, một chính trị gia trong Nhà Trắng đã viết:

"Khi tôi còn nhỏ, trong một buổi tiệc sinh nhật, mẹ đã mang tới một vài quả táo. Lúc đó, anh trai và tôi đang cố ganh đua nhau để giành quả to nhất. Thế nhưng mẹ tôi cầm quả táo to nhất trên tay và nói: Rất tốt các con. Tất cả đã cho thấy một sự thật là quả táo này là lớn nhất, đỏ nhất, ngon nhất và mọi người đều muốn có nó. Thế nhưng chỉ có một quả táo như vậy và chỉ một người có được nó. Vậy thì mẹ sẽ tổ chức một cuộc thi. Mẹ sẽ chia bãi cỏ trước cổng làm 2 mảnh, mỗi người chịu trách nhiệm cắt tỉa nó. Ai làm nhanh và tốt nhất sẽ giành được quả táo này.

Kết quả là, thông qua nỗ lực của bản thân, tôi đã giành được quả táo mình mong muốn. Tôi rất biết ơn mẹ tôi, bà đã dạy tôi một chân lý đơn giản và quan trọng: Muốn có được thứ gì đó, bản thân phải nỗ lực và phấn đấu để đạt được. Bà đã dạy con cái mình theo cách này. Trong gia đình tôi, bất kỳ ai muốn được cái gì đó tốt nhất đều phải thông qua một cuộc thi. Điều này thật công bằng".

Cái sai lầm của không ít cha mẹ là dạy con biết cách "cư xử" để có được một cuộc sống đúng mực và tránh những sai sót. Thế nhưng, họ lại vô tình dạy con mình trở thành người "phục tùng", một sự ngộ nhận hủy hoại cả tương lai của một đứa trẻ.

Cha mẹ nên ngừng ép buộc con cái trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn dưới con mắt đánh giá của người đời. Thay vào đó, nên dạy cho chúng học cách sống độc lập, không sợ hãi, có suy nghĩ riêng và được nói lên ý kiến của bản thân thay vì phải che giấu những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.