Hồ sơ tài liệu

Chia “hạn ngạch” người tị nạn và nỗi lo phiến quân IS

15/05/2015, 09:58

Việc chia “hạn ngạch” người tị nạn trong EU sau những thảm họa chìm tàu đã dấy lên những tranh cãi trong khối.

 

3
Nhiều lo ngại phiến quân IS trà trộn trong dòng người nhập cư để vào EU

Chạy trốn súng đạn

Ước tính từ đầu năm 2015 đến nay, khoảng 1.800 người tị nạn vượt biển thiệt mạng do đắm tàu, cao gấp 30 lần năm 2014. Những vụ việc đó thúc giục liên minh châu Âu (EU) phải thực hiện hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên diện rộng.

Trước thảm họa ấy, Thủ tướng Italia Matteo Renzi nói trước nội các rằng: “Chúng ta sẽ làm gì đây khi phải chứng kiến những thảm kịch thế này hàng ngày?”. Các tổ chức nhân đạo cũng cho rằng EU không thể làm ngơ khi có hàng nghìn người chết trong lãnh hải của họ. Bản thân các nước EU cũng thừa nhận họ phải đánh giá lại hiệu quả của các biện pháp đang được triển khai nhằm hạn chế những thảm họa kiểu này.

Một kẻ buôn lậu ở Tripoli (Lybia) cho biết: “Trong những tháng mùa hè, nhóm của tôi đã thực hiện 20 chuyến đưa người từ châu Phi. Rất nhiều những người sẵn sàng xuống thuyền, kể cả khi chẳng có bất cứ phương tiện cứu hộ nào”. Những người tị nạn được cứu thoát cũng cho biết sẽ ngày càng có nhiều người châu Phi tìm đường đến châu Âu bất chấp nguy hiểm, chết chóc. Mohamed Abdallah - 21 tuổi trốn khỏi cuộc chiến ở Dafur Sudan - nơi cha anh chết, các chị gái bị hãm hiếp để tới Libya. Anh nói: “Tôi đã đi xuyên qua sa mạc Sahara để tới Libya. Anh trai và em họ tôi đã chết trong chuyến đi ấy. Nhưng cuối cùng tôi cũng không thể ở lại Libya. Đất nước đó không có tự do, không có bình đẳng và không có sự an toàn, chỉ có chiến tranh mà thôi. Tôi phải đến châu Âu”.

Những cuộc phỏng vấn người sống sót cho thấy, đối với người tị nạn đến từ châu Phi - lục địa của chiến tranh, vượt biển đầy nguy hiểm, thậm chí mất mạng nhưng vẫn là lựa chọn tốt nhất đối với hoàn cảnh của họ.

Ngày 13/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Jean-Claude Juncker đề xuất kế hoạch hành động về người nhập cư và tị nạn, đặc biệt trong đó là việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn giữa các nước thành viên.

Theo đó, trong hai năm tới, khoảng 20 nghìn người nhập cư được tiếp nhận vào châu Âu sẽ được phân bổ tới tất cả các nước thành viên. Dự kiến, kế hoạch sẽ được Bộ trưởng Nội vụ 28 nước EU thảo luận vào ngày 15/6.

Sợ phiến quân IS trá hình

EU yêu cầu các quốc gia thành viên phải có trách nhiệm tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn. Tuy nhiên, chính quyết định này lại khắc sâu thêm bất đồng giữa EU và Anh. Thủ tướng David Cameron ngay khi tái đắc cử phải đối mặt với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác quanh tuyên bố phản đối kế hoạch phân chia hạn ngạch nhập cư của EU áp đặt cho các nước thành viên. Theo đó, Anh sẽ phải tiếp nhận 60 nghìn  người tị nạn mỗi năm, tăng gấp đôi so với trước đây.

Bộ Nội vụ Anh cho biết: “Nước Anh tự hào về lịch sử hỗ trợ những người cần được tị nạn. Tuy nhiên, chúng tôi không tin việc áp đặt hạn ngạch số lượng người nhập cư là câu trả lời cho những thảm họa nhân đạo. Chúng tôi sẽ phản đối bất cứ đề xuất nào mang tính bắt buộc trong vấn đề nhập cư từ EU thay vì tự nguyện”. Nước Anh sẽ quyết định việc ở lại hay rời khỏi EU trong một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào năm 2017.

Một trong những lí do ông Cameron phản đối hạn ngạch nhập cư là vì lo sợ các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể trà trộn vào nước Anh từ nguồn này. Nhiều thập kỉ trở lại đây, các quốc gia ở châu Âu cố gắng ngăn cản dòng người tị nạn vào nước họ, bởi thấy được những hậu quả của nhập cư tràn lan là như thế nào. Những cuộc bạo loạn ở Pháp do người nhập cư gây ra là bài học nhãn tiền. Với người Anh, tị nạn là một ý tưởng gây nhiều sợ hãi. Bởi trong quá khứ, cuộc chiến tại Afghanistan, quan chức Anh cho các chiến binh Taliban nhập cư. Sau khi đến châu Âu, rất nhiều người vẫn cố gắng chiến đấu để thay đổi chế độ ở quê nhà. Họ lập ra những mạng lưới đồng hương và bây giờ phát triển thành mạng lưới khủng bố Hồi giáo châu Âu.  

Việc nhập cư là trái pháp luật, nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh nhân văn, có thể thấy những con người tội nghiệp kia đang kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đáng thương hơn cả bởi họ là nạn nhân của chiến tranh, bị đói, bị ngược đãi, bị lợi dụng. Các tổ chức nhân đạo đều cho rằng: “Bây giờ là lúc phải đặt vấn đề nhân đạo lên trên chính trị và lập tức khởi động lại hoạt động cứu hộ trên biển”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.