Chuyện dọc đường

Chia sẻ cơ hội bình ổn giá

17/01/2016, 18:05

Giữa thời điểm Tết cận kề, nhiều sản phẩm, dịch vụ rục rịch tăng giá, cước vận tải, taxi diễn biến ngược lại...

2
Giá cước taxi ở Hà Nội hiện thấp nhất cả nước - Ảnh: K.Linh

Mặc dù việc giảm giá chưa diễn ra đồng loạt, song có thể thấy trong danh sách những đơn vị “tiên phong” có một số tên tuổi như: Mai Linh, Vinasun, Hoàng Long... những doanh nghiệp chiếm thị phần nhất định trên thị trường vận tải, taxi. Điều đó cũng có nghĩa, một tỷ lệ không nhỏ người tiêu dùng được giảm chi phí khi sử dụng dịch vụ này. Đồng thời, sự dẫn dắt của một số thương hiệu lớn sẽ tạo ra sức ép, sự lan tỏa để có thêm nhiều doanh nghiệp giảm giá cước, từ đó hình thành mặt bằng giá mới cho thị trường này.

Sau hàng chục lần điều chỉnh, tính chung lại, từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng giảm 8 - 9%. Trong khi đó, theo tính toán của các doanh nghiệp, mặt bằng giá cước taxi hiện tại giảm trung bình trên 10% so với năm ngoái. Như vậy, nếu xét theo diễn biến giá đầu vào là xăng dầu, cước vận tải đã sòng phẳng với thị trường, người tiêu dùng. Đó là chưa kể, mỗi lần điều chỉnh giá cước - dù là tăng hay giảm thì doanh nghiệp đều phải tốn tiền đăng ký, in ấn giá cước mới, kiểm định, thông báo cho khách hàng... và tất cả đều làm tăng chi phí đầu vào.

Bước vào năm 2016, hàng loạt quy định mới bắt đầu áp dụng, đẩy chi phí của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vận tải tăng, như chi phí bảo hiểm, lương tối thiểu, nguyên vật liệu... Song, với sự chỉ đạo của Bộ GTVT, các doanh nghiệp cũng đã chủ động giảm giá cước và đây là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhất là vào đúng thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Theo đó, khảo sát trên thị trường cho thấy, giá một số hàng hóa, dịch vụ bắt đầu “nóng” lên theo sức mua. Trong khi đó, giá cước vận tải có xu hướng “lội ngược dòng” là một tín hiệu tích cực. Bởi đây cũng là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, giá cước rẻ chừng nào, người đi xe đò bớt được khoản chi từng đó. Với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cước vận tải tạo điều kiện hạ chi phí đầu vào, từ đó tạo cơ hội giảm hoặc giữ giá hàng hóa, sản phẩm trong dịp Tết, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hoặc giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh kinh doanh còn khó khăn, sức mua chậm như thời gian qua. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.