Hồ sơ tài liệu

Chiến dịch tẩy chay các thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc đã bắt đầu

29/03/2021, 06:32

Công cuộc tẩy chay của Bắc Kinh được bắt đầu khi Đoàn thanh niên Trung Quốc chỉ trích H&M trên tài khoản mạng xã hội chính thức của mình...

img

Người Trung Quốc tẩy chay thương hiệu H&M. Ảnh: CNN

Chính quyền Trung Quốc đã có những bước đi nhằm đẩy mạnh cuộc chiến tẩy chay nhãn hàng thời trang nổi tiếng H&M (có mặt tại 68 quốc gia với hơn 4.500 cửa hàng) và các thương hiệu thời trang nước ngoài khác như một cách trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc “vi phạm nhân quyền” ở khu vực Tân Cương.

Đoàn thanh niên Trung Quốc “nổ phát súng” đầu tiên

Tuần vừa qua, công cuộc tẩy chay của Bắc Kinh được bắt đầu khi Đoàn thanh niên Trung Quốc chỉ trích H&M trên tài khoản mạng xã hội chính thức của mình (với 15 triệu người theo dõi) là “phỉ báng và tẩy chay bông vải Tân Cương trong khi muốn kiềm tiền từ Trung Quốc? Đừng mơ”.

Trước đó, tháng 3/2020, công ty của Thụy Điển này đã có một thông báo khiến chính quyền Trung Quốc tức giận. Hãng H&M khi đó tuyên bố sẽ ngừng mua bông từ Tân Cương, khu vực lãnh thổ ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Nhà bán lẻ Thụy Điển cũng như một số hãng khác nói rằng, họ quan ngại sâu sắc về các báo cáo cho thấy tình trạng bóc lột lao động đã xảy ra tại khu vực này.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, một số hãng thời trang cao cấp khác như Burberry, Adidas, Nike và New Balance đã cắt giảm số lượng bông được sản xuất ở Tân Cương từ hai năm trước. Thời báo Hoàn Cầu đã trích dẫn một tuyên bố của Zara rằng, hãng này sẽ “có biện pháp không khoan nhượng đối với tình trạng bóc lột lao động ở vùng Tân Cương”.

Những ngôi sao ở Trung Quốc bao gồm ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng Vương Nhất Bác cũng chủ động thông báo đã chấm dứt hợp đồng quảng cáo với H&M và thương hiệu Nike của Mỹ.

Theo giới quan sát, Trung Quốc thường tẩy chay các mặt hàng quần áo, ô tô, du lịch và các hãng nước ngoài khác theo lệnh của chính phủ nước này để gây áp lực cho các công ty và buộc họ phải tuân thủ các quan điểm chính thức của mình về Đài Loan, Tây Tạng cũng như một số vấn đề nhạy cảm khác.

Để có thể trụ lại tiếp tục làm ăn, các công ty nước ngoài thường phải đưa ra lời xin lỗi và thay đổi trang web hoặc quảng cáo của mình để có thể tiếp tục tiếp cận vào thị trường đông dân của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tân Cương là một vấn đề đặc biệt hóc búa. Các thương hiệu phương Tây phải đối mặt với áp lực trong việc buộc phải tránh xa những sản phẩm có liên quan đến cáo buộc về “hành vi lạm dụng lao động” có thể xảy ra.

Bắc Kinh trút giận dữ vào châu Âu

Theo cáo buộc của các nhà nghiên cứu và chính phủ các nước phương Tây, hơn 1 triệu người ở Tân Cương, hầu hết thuộc các nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi, đã bị giam giữ trong các trại lao động.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã phủ nhận việc ngược đãi các tù nhân và nói rằng nước này chỉ đang cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế và tiêu diệt chủ nghĩa cấp tiến.

Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia, Hoa Kỳ, Anh và Canada đã vừa công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào việc đi lại và tài chính đối với 4 quan chức cấp cao của Trung Quốc bị cho là có hành vi “lạm dụng lao động ở Tân Cương”.

Bắc Kinh trả đũa bằng cách tuyên bố sẽ áp dụng một số biện pháp trừng phạt không cụ thể đối với các nhà lập pháp châu Âu và một nhà nghiên cứu người Đức - những người đã công khai thông tin về các trại tạm giam bị cáo buộc ở Tân Cương.

Vào tháng 3 năm ngoái, Better Cotton Initiative, một tổ chức công nghiệp thúc đẩy các tiêu chuẩn về môi trường và lao động cho biết, tổ chức này ngừng cấp phép sản xuất bông Tân Cương vì ngày càng khó xác định bông được sản xuất như thế nào.

Vào tháng 9 cùng năm, hãng H&M thông báo sẽ ngừng hợp tác với một nhà sản xuất Trung Quốc đã bị cáo buộc về việc “bóc lột lao động” trong một đơn vị độc lập không liên quan đến thương hiệu này.

Vào tháng 1 năm nay, Washington đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu bông từ Tân Cương - nơi cung cấp chính cho các hãng sản xuất quần áo lạnh tại thị trường phương Tây.

Sự phẫn nộ chính thức của Trung Quốc đang đổ dồn vào châu Âu, vì quan hệ của EU và Mỹ khá thân thiết trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang xảy ra tranh chấp thương mại và nước này bị Hoa Kỳ cáo buộc thực hiện các chiến dịch gián điệp cũng như đánh cắp công nghệ.

Những lời chỉ trích chính thức của Trung Quốc đối với H&M phản ánh một giọng điệu bất bình khi bị đối tác EU làm tổn thương. Kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết: “Làm sao H&M lại có thể ăn cháo đá bát như vậy?”.

Bắt đầu từ giữa tuần qua, tất cả sản phẩm của H&M đã bị biến mất khỏi trang web của hai nhà bán lẻ trực tuyến phổ biến nhất của Trung Quốc là TMall và JD.com thuộc Tập đoàn Alibaba.

Cư dân mạng đã chỉ ra rằng, các thương hiệu quần áo Uniqlo của Nhật Bản và The Gap của Hoa Kỳ có thể là những đối tượng tiếp theo.

Không đề cập đến Tân Cương, nhưng cùng với việc thông báo ngừng làm “đại sứ thương hiệu” của Nike, ngôi sao nhạc pop Vương Nhất Bác tuyên bố “kiên quyết chống lại bất kỳ lời lẽ và hành động nào gây ảnh hưởng đến Trung Quốc.”

Những người nổi tiếng khác bao gồm ca sĩ kiêm diễn viên Tống Thiến (cựu thành viên của nhóm nhạc pop Hàn Quốc F(x) và diễn viên Hoàng Hiên thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng quảng cáo với H&M. Nữ diễn viên Đàm Tùng Vận nói rằng cô đã cắt đứt hợp đồng với hãng Nike.

Trong khi đó, thương hiệu giày thể thao ANTA của Trung Quốc đã tuyên bố rút khỏi BCI - một tổ chức công nghiệp thúc đẩy các tiêu chuẩn về môi trường và lao động.

Trên tài khoản mạng xã hội của mình, Tập đoàn H&M cho biết, “không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào” và “tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc”. H&M khẳng định họ hợp tác với 350 nhà sản xuất Trung Quốc để tạo ra các sản phẩm “tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững” và “cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc”. Dù vậy, làn sóng tẩy chay thương hiệu thời trang này vẫn lên cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.