Xã hội

Bộ Y tế: Chiến thắng Covid-19 có công lớn của báo chí

19/06/2020, 07:31

Thành công trong chống dịch Covid-19 không thể không ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ báo chí, truyền thông...

img
Ông Nguyễn Đình Anh

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam đã kiểm soát tốt và được thế giới ghi nhận, đánh giá rất cao. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19) đánh giá, không chỉ trong cao điểm chống dịch mà ngay cả trong thời kỳ tái khởi động nền kinh tế hiện nay, báo chí có đóng góp rất lớn.

Từ trên xuống dưới một lòng

Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia đã trực tiếp chỉ đạo, sát sao cùng các lực lượng phòng chống dịch suốt những tháng qua, ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về những kết quả đạt được đến nay?

Đến nay, Việt Nam được đánh giá thành công trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh với số bệnh nhân ghi nhận mắc Covid-19 là 332 người (tính đến ngày 9/6/2020), trong đó 96% được chữa khỏi và không có ca bệnh nào tử vong. Đáng nói nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 rất nặng đã ngoạn mục “vượt cửa tử” nhờ sự tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ, đó là các bệnh nhân số 50, 19 hay 91.

Trong bối cảnh an toàn để phát triển kinh tế nhưng đồng thời tiếp tục chống dịch hiệu quả và hướng đến phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới của bệnh dịch Covid-19 hiện nay, tôi mong rằng các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Y tế trong các hoạt động y tế nói chung và công cuộc phòng chống Covid-19 nói riêng, là cầu nối để truyền tải tới khán giả, độc giả những thông tin chính xác, hữu ích, góp phần nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông Nguyễn Đình Anh

Để có được thành công này, chúng ta mới thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều coi “chống dịch như chống giặc”. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân cùng đoàn kết, quyết tâm chống dịch. Chúng ta cũng áp dụng triệt để chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị” hiệu quả.

Chúng ta huy động toàn bộ hệ thống y tế tham gia vào hoạt động chống dịch này. Có thể tự hào khi Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2; Nằm trong số ít quốc gia sản xuất thành công sinh phẩm chẩn đoán huyết thanh học và tự chủ trong các sinh phẩm chẩn đoán PCR. Và chúng ta cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, con người, để thực hiện đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong điều trị với tất cả bệnh nhân mắc Covid-19, không kể bệnh nhân nặng mà thậm chí với các bệnh nhân không có dấu hiệu cũng được chúng ta thực hiện tốt việc cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Chúng tôi cũng rất vui mừng khi thành quả của Việt Nam được bạn bè thế giới ghi nhận. Chính TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam từng bày tỏ: “Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”.

Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị - xã hội cùng kiên định thực hiện các giải pháp nhất quán, đến thời điểm này chúng ta khẳng định hoàn toàn có khả năng khống chế dịch bệnh thành công, với việc kiểm soát tốt không lây nhiễm trong cộng đồng trong gần 2 tháng liên tiếp và các ca phát hiện mới đều được cách ly ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam, ngăn chặn nguồn lây nhiễm trong xã hội.

Báo chí đã lăn xả để chia lửa

img
Phóng viên Hoàng Anh và Phong Sơn (báo Công an nhân dân) được toà soạn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang, kính khi tác nghiệp tại ga quốc tế sân bay Nội Bài. Ảnh: Phương Thảo

Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng trực tiếp phòng chống dịch ở tuyến đầu, còn có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng báo chí, truyền thông. Ông đánh giá như thế nào về sự “xả thân” của báo chí trong cuộc chiến này?

Như đã trao đổi, sự thành công trong phòng chống dịch Covid-19 của chúng ta có được đó là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của hệ thống chính trị nước ta; là sự tuân thủ, tham gia và đồng lòng của người dân; là việc áp dụng cả giải pháp chưa có trong tiền lệ như cách ly toàn xã hội, hay việc huy động quân đội, công an, tất cả các lực lượng trong xã hội cùng tham gia… Đó là một mặt trận huy động tổng lực để chúng ta chiến thắng Covid-19.

Trong đó, không thể không ghi nhận sự vào cuộc của đội ngũ báo chí, truyền thông. Các cơ quan báo chí, các nhà báo đã tích cực chung vai, sát cánh cùng lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Báo chí đã kịp thời truyền tải thông tin đầy đủ, chính xác các chỉ đạo, các quyết sách của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn người dân cùng nâng cao hiểu biết kiến thức phòng chống dịch bệnh, chủ động cung cấp tình hình dịch bệnh đến người dân, các thông điệp, khuyến cáo cập nhật phù hợp từng thời điểm. Dù trong giai đoạn đó, báo chí cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do bệnh dịch mang lại nhưng báo chí không ngại các nguy cơ, rủi ro vẫn xông pha trên mặt trận thông tin tuyên truyền.

Có thể nói, các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã được người dân nghiêm túc tuân thủ thực hiện trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Một trong những điều rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch là Việt Nam đã xác định vai trò tham gia của nhân dân. Ý thức cộng đồng được đặt lên hàng đầu, lực lượng y tế, quân đội, công an… là nòng cốt.

Bên cạnh đó, phải kể đến việc đưa thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt đến với người dân qua hệ thống báo chí, truyền thông. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích chuyên sâu, nhiều phóng sự, ảnh, tin, bài phản ánh đi vào lòng người. Các tòa soạn, các đài truyền hình, phát thanh thực hiện cập nhật liên tục để đưa các bản tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 đến với cộng đồng. Chúng ta luôn ghi nhận nơi đâu có lực lượng chống dịch là nơi đó có nhà báo đã lăn xả, nằm vùng dịch để cập nhật thông tin 24/24h đến với người dân cả nước.

Một điểm khá nổi bật vừa qua trong công tác truyền thông là những hành vi thiếu ý thức, lệch chuẩn lập tức bị lên án mạnh mẽ. Báo chí và mạng xã hội thông tin tích cực lan tỏa và lấn át thông tin xấu. Điều này đã tạo thuận lợi cho công tác phòng chống dịch như thế nào, thưa ông?

Lực lượng báo chí luôn có mặt tại những điểm nóng về dịch bệnh, kịp thời phản ánh thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, tuyên truyền chính sách về phòng chống dịch bệnh góp phần khích lệ, tinh thần vượt khó, động viên kịp thời hoạt động có ích, những tấm gương trong xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Thời gian qua, báo chí luôn là lực lượng tiên phong, vào cuộc mạnh mẽ, chung sức, đồng lòng cùng cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Điều này thể hiện bản chất của báo chí cách mạng, đem lại thông tin chính xác, chuẩn mực nhưng kịp thời, phân tích đúng, giải quyết những vấn đề cụ thể để người dân nắm được tình hình. Có thể nói, báo chí đã đóng vai trò hết sức quan trọng để định hướng dư luận xã hội, phản ánh thực tiễn xã hội, phê phán những cái sai sót, lệch chuẩn và đồng thời, tuyên dương những cá nhân, tổ chức làm việc tốt, những hình ảnh người dân tham gia với tinh thần, trách nhiệm…

Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, cả nước chung sức đối phó, hoạt động của ngành nghề khác có thể tạm dừng, nhưng dòng tin tức của báo chí thì vẫn luôn bền bỉ ngày đêm đem thông tin đến với người dân. Chúng ta vẫn luôn bắt gặp hình ảnh những nhà báo bất chấp hiểm nguy hay nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh nằm vùng, sát cánh các lực lượng y tế, quân đội… ngay nơi tâm dịch. Đó là những hình ảnh rất thiết thực và đáng quý.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.