Góc nhìn

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Cảng biển Hoa Kỳ sẽ hứng đòn đầu tiên

10/08/2018, 11:28

Các cảng biển của Hoa Kỳ, nơi xử lý hàng trăm tỉ USD thương mại mỗi năm sẽ là những đối tượng đầu tiên...

23

Cảng biển Mỹ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên vì chiến tranh thương mại

Các cảng biển của Hoa Kỳ, nơi xử lý hàng trăm tỉ USD thương mại mỗi năm sẽ là những đối tượng đầu tiên hứng chịu và cảm nhận “nỗi đau” khi cuộc chiến thương mại giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bùng nổ, kéo chậm kinh tế toàn cầu.

Bình yên trước “bão thuế”

Hệ thống cảng biển Mỹ vẫn đang đón nhận tổng số hàng hoá trị giá 505 tỉ USD từ Trung Quốc trong năm ngoái. Trong khi đó, chỉ có 130 tỉ USD hàng hoá và thương mại Mỹ “chảy” qua các cảng này tới Trung Quốc mỗi năm, gây ra thâm hụt thương mại hàng hoá 375 tỉ USD.

Để thực hiện mục tiêu cân bằng thương mại với Trung Quốc mà ông chủ Nhà Trắng đặt ra ngay từ khi tranh cử, chính quyền Donald Trump đã nổ “phát súng đầu tiên” khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc khi đơn phương tăng thuế với khoảng 34 tỉ USD hàng nhập khẩu từ nước này.

Bắc Kinh lập tức trả đũa tăng thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ với tổng giá trị 34 tỉ USD. Không e ngại, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố đang chuẩn bị áp thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Mới tuần qua, sau khi không có cuộc đàm phán nào giữa Washington và Bắc Kinh có tín hiệu tích cực, Tổng thống Mỹ còn đe doạ sẽ dùng “cú đấm thuế” đối với tất cả các mặt hàng do Bắc Kinh sản xuất bán sang Mỹ. “Tôi sẵn sàng chơi hẳn “cú đấm 500” - ám chỉ các mặt hàng với tổng trị giá 500 tỉ USD, ông Trump nói.

Những đòn áp thuế ngày càng mạnh mà Washington - Bắc Kinh đáp trả lẫn nhau sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà khai thác cảng, công ty vận tải và nhân viên làm việc tại đây.

“Thực tế, hiện tại, thương mại với Trung Quốc qua cảng biển Mỹ đang giữ ở mức cao. Thậm chí, trong thời gian ngắn còn có thể xảy ra tình trạng vận tải hàng hoá tăng vọt do các nhà sản xuất cố gắng “chạy hàng” trước khi thuế tăng”, ông Kurt Nagle, Chủ tịch Hiệp hội các nhà quản lý cảng Mỹ cho biết.

Khối lượng hàng hoá thương mại với Trung Quốc thông thường cũng tăng tại thời điểm này trong năm bởi ngành vận tải bước vào mùa cao điểm. Các sự kiện bán lẻ thường nở rộ từ tháng 9 với những chương trình khuyến mại nhân dịp tựu trường và chạy suốt đến mùa mua sắm tháng 12.

Năm nay, một số nhà bán lẻ và nhà cung cấp đang cân nhắc tăng lượng đơn đặt hàng so với mọi năm, trước thời hạn tăng thuế. Ông James Bohnaker, nhà phân tích đến từ HIS Markit dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời doanh số nhân mùa tựu trường 2018 cũng có thể đạt mức cao nhất kể từ năm 2014.

Nhưng đây sẽ chỉ là “bình yên trước cơn bão”. Tình hình sẽ lập tức thay đổi khi người tiêu dùng hàng Trung Quốc phải chịu giá cao do động thái tăng thuế của Chính phủ. Chỉ cần chi tiêu tiêu dùng suy giảm (vốn chiếm khoảng 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ), tác động tiêu cực sẽ nhanh chóng lan toả ra khắp nền kinh tế.

Khoảng 700.000 việc làm nguy cơ “bốc hơi”

Nhà kinh tế đến từ Đại học Oxford, ông Greg Daco cũng xác nhận, tuy hiện nay các đòn đánh thuế chưa có tác động ngay tức thời tới nền kinh tế Mỹ nhưng nó sẽ nhanh chóng thay đổi khi ông Trump hiện thực hoá những lời đe doạ nâng rào cản thuế với hàng hoá Trung Quốc.

Ông Mario Cordeo, Giám đốc điều hành cảng Long Beach, California nói: “Cuộc chiến thương mại sẽ làm thay đổi cuộc chơi, trước hết gây bất lợi cho công việc tại cảng rồi sau đó là đất nước và kinh tế quốc gia”.

Là cửa ngõ bận rộn nhất của Mỹ nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cảng Los Angeles và Long Beach sẽ nằm ở tiền tuyến trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Năm ngoái, cảng Southern California đã xử lý khoảng 173 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, tương đương 1/3 tổng số hàng hoá nhập từ đại lục về Mỹ. Hai cảng Los Angeles và Long Beach đang tạo ra gần 1 triệu việc làm cho khu vực Nam California.

Song, không chỉ hai cảng này “chịu trận”, mọi động thái tăng thuế đối với hàng hoá Trung Quốc đều sẽ ảnh hưởng xấu tới khoảng 328 cảng chính thức do Cơ quan Biên giới và Hải quan Mỹ quản lý.

Ước tính bất cứ cản trở trong dòng chảy thương mại Trung Quốc đều có thể dẫn đến tình trạng hàng trăm nghìn nhân viên mất việc, đồng thời kéo theo giảm 320 tỉ USD lợi nhuận thuế của bang và địa phương được tạo ra mỗi năm nhờ dòng chảy thương mại trong các cảng trên khắp đất nước.

Ông Greg Daco ước tính, nếu Mỹ áp thêm 10% thuế với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá 400 tỉ USD và Trung Quốc đáp trả với rào cản thuế 25% thì nền kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng 0,7% tỉ lệ tăng trưởng GDP.

Tính đến năm 2020, sụt giảm GDP tại Mỹ có thể lên tới 1%, 700.000 việc làm tại Mỹ và số lượng tương đương tại Trung Quốc “bốc hơi”. Chưa kể, triển vọng tương lai đó cộng với sự bất ổn trong việc đưa ra quyết định của Tổng thống Trump, sẽ khiến các nhà điều hành cảng không biết đường nào mà lần.

“Hiện nay, nhiều cảng đang có kế hoạch đầu tư 155 tỉ USD trong 5 năm tới vào phát triển hạ tầng để cảng biển có thể tạo ra những lợi ích thương mại tốt hơn. Nhưng trong môi trường thương mại bất ổn như hiện nay, chúng tôi đang hoang mang cho tương lai của kế hoạch đầu tư này”, ông Greg Daco chia sẻ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.