Thị trường

Chiêu “móc túi” dân mua vàng: Tung hứng giá, trừ ngang phạt dọc (Kỳ1)

21/03/2016, 15:53

Nhà đầu tư vàng tại Việt Nam còn chịu nhiều thiệt thòi do bị các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước bắt chẹt...

6

Khách hàng bán vàng bị trừ tiền vô lý tại DOJI (Ảnh do người thân anh T. trong bài viết chụp vào ngày bán vàng)

Không chỉ rủi ro trước sự trồi sụt bất thường của giá thế giới, nhà đầu tư vàng tại Việt Nam còn chịu nhiều thiệt thòi do bị các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước bắt chẹt bằng đủ chiêu trò, mánh lới.

Không chỉ bị trừ tiền oan, người mua vàng phải bỏ thêm một khoản tiền cao hơn nhiều giá trị thực khi mua vàng, khiến cho rủi ro của kênh đầu tư này gia tăng.

Bán đủ giá, mua trừ ngang phạt dọc

Anh T., trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, phản ánh đến Báo Giao thông, đầu tháng 6/2015, gia đình anh có nhu cầu bán vàng SJC mua từ năm 2010 nên mang đến Trung tâm Vàng bạc đá quý DOJI tại 209 Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Cửa hàng trưởng lẫn nhân viên tại đây cho biết, ngoài trừ tiền vỏ bao cũ 30 nghìn đồng/bao thì 5 cây cong vênh, xước xát, lõm... sẽ bị trừ từ 200-250 nghìn đồng/cây. Ngoài ra, cửa hàng còn từ chối không mua 2 cây và giới thiệu khách mang đến bán tại “tổng hành dinh” DOJI Lê Ngọc Hân. Tại đó, cửa hàng trưởng lấy đủ lý do trừ tiếp của khách 3 triệu đồng/cây. Thấy vàng đã bị lột trần trụi, sợ mang đi bán nơi khác còn bị phạt nặng hơn, thậm chí không thèm mua nên gia đình anh T. ngậm ngùi chấp nhận bị trừ ngang, trừ dọc cho 7 cây vàng suýt soát 10 triệu đồng.

“Đặc biệt, có một cây bị vết lõm nhỏ tí ở thành mà cô nhân viên bán hàng thừa nhận lỗi đó là do khi dập vàng, tức là lỗi do nhà sản xuất nhưng vẫn đè khách hàng ra trừ tiền”, anh T. kể.

Doanh nghiệp đạt doanh thu, lợi nhuận “khủng”

Báo cáo của các doanh nghiệp vàng cho thấy, mức doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp vàng rất ấn tượng. Như năm 2015, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 7.741 tỷ đồng; lợi nhuận 152,3 tỷ đồng. Năm 2013 và 2014, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đạt doanh thu lần lượt 27.600 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng (công ty mẹ); Tập đoàn DOJI lần lượt là 35.000 tỷ đồng và 35.600 tỷ đồng…

Để chứng minh việc doanh nghiệp kinh doanh vàng này cố tình bắt chẹt khách, anh T. cung cấp thông tin, tháng 7/2015, gia đình anh T. lại đến DOJI Xã Đàn mua vàng. Nhân viên bán hàng đưa vàng ra kèm tờ danh sách ghi sê-ri từng cây họ bán ra và dạy khách cách kiểm tra. “Chúng tôi chăm chú làm theo và thật bất ngờ khi nhìn qua lớp nhựa lóng lánh vẫn thấy rõ trên mặt nhiều cây vàng nhan nhản lỗi, mức độ xước, lõm, sứt, nứt gấp nhiều lần 5 cây mà gia đình tôi đã bán và bị trừ tiền hồi đầu tháng 6. Như vậy, họ bán ra vàng lỗi song vẫn tính đủ giá, trong khi mua vào thì lấy đủ lý do để ăn tiền của khách”, anh T. bức xúc.

Đáng nói là sau khi xem ảnh chụp cận cảnh những vết lõm - xước - nứt trên một số cây vàng anh T. đã mua từ DOJI, bà Lê Thúy Hằng, giám đốc miền Bắc Công ty Vàng bạc đá quý SJC - nhà sản xuất thương hiệu vàng miếng này cho biết, “lỗi” này chưa tới mức bị coi là lỗi để SJC trừ tiền của khách! Tức là nếu khách bán vàng miếng có vết tương tự tại SJC, doanh nghiệp này mua vào bình thường chứ không trừ tiền.

Cũng theo bà Hằng, SJC chưa bao giờ đào tạo cho DOJI về dịch vụ kiểm định vàng. Ngay tại SJC, không phải nhân viên nào cũng được kiểm định mà phải do cán bộ được đào tạo chuyên sâu thực hiện. Doanh nghiệp cũng chỉ cắt vỏ bao với trường hợp vỏ đã quá cũ, không nhìn được miếng vàng bên trong. Ngoài ra, bà Hằng cũng khẳng định, công ty này chỉ thu phí 140 nghìn đồng/lượng vàng trong trường hợp phải dập lại, chứ không phải 200-250 nghìn/lượng như DOJI đã thu của khách. Như vậy, khách hàng đã bị trừ tiền oan và số tiền này hoàn toàn chui vào túi đơn vị thu mua.

Không chỉ riêng anh T., Báo Giao thông cũng nhận được phản ánh của nhiều khách hàng cho biết bị thu tiền vỏ bao hay tiền dập lại vàng miếng cao hơn nhiều so với chi phí thực tế nhà sản xuất đã thu. “Hèn chi mà họ (DN vàng-PV) cố tình “bới lông tìm vết” để khách buộc phải chi đủ khoản”, anh T. bức xúc.

mua vang
Một trong những cây vànganh T. mua của DOJI bị xước,nứt… nhưng vẫn phải trả đủ giá

Mua rẻ, bán đắt vô tội vạ

Một năm về trước, chị Nguyễn Tuyết Mai, trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội bán nhà để tìm nơi ở mới. Trong lúc chưa tìm được căn nhà ưng ý, gia đình chị quyết định mua vàng với mức giá 35,33 triệu đồng/lượng (cuối tháng 3/2015). Tại thời điểm đó, giá vàng thế giới là 1.186 USD/ounce, nhưng giá trong nước đắt hơn đến 4,6 triệu đồng/lượng. Nay đã tìm được căn nhà vừa ý, gia đình chị Mai đi bán vàng thì giá ngày 16/3/2016 chỉ được các doanh nghiệp vàng mua vào 33,42 triệu đồng/lượng, dù giá thế giới cùng ngày tăng lên 1.234 USD/ounce.

“So với năm ngoái, giá vàng thế giới hiện rẻ hơn 4% nhưng giá trong nước lại đắt hơn 5,7%. Như vậy, với gần 80 cây vàng đã mua năm ngoái, nếu nhà tôi bán ra sẽ lỗ gần 2 triệu đồng/lượng, tương ứng hơn 152 triệu đồng. Bực ở chỗ, khoản lỗ này không phải do giá thế giới suy giảm mà do các doanh nghiệp vàng tùy ý tung hứng giá”, chị Mai nhận xét.

Quả thật, thị trường vàng trong nước suốt nhiều năm qua rơi vào tình trạng bị đẩy giá quá cao so với thế giới, mức chênh lệch phổ biến từ 3-5 triệu đồng/lượng. Đỉnh điểm là giữa tháng 5/2013, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 6,6 triệu đồng/lượng. Do vậy, khách hàng trong nước luôn phải bỏ thêm một khoản tiền cao hơn nhiều giá trị thực khi mua vàng, khiến cho rủi ro của kênh đầu tư này gia tăng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng thường xuyên đẩy xa khoảng cách giữa giá mua vào - bán ra khiến nhà đầu tư trong nước luôn trong tình trạng mua đắt, bán rẻ. Chẳng hạn, tại thời điểm ngày 16/3, giá vàng miếng SJC giao dịch 33,42-33,72 triệu đồng/lượng, nghĩa là giá doanh nghiệp bán ra cao hơn giá mua vào 300 nghìn đồng/lượng, gấp hơn 3 lần khoảng cách giữa giá mua - bán của thế giới là 90.000 đồng/lượng.

Thậm chí, trong thời điểm Tết âm lịch vừa qua (đầu tháng 2), giá mua vào và bán ra của vàng trong nước vênh kỷ lục tới 1 triệu đồng (gấp gần chục lần so với thông thường là 100 nghìn đồng/lượng). Đơn cử, ngày 13/2, tại thị trường TP.HCM, vàng SJC được giao dịch 33,5 - 34,4 triệu đồng/lượng và tại Hà Nội là 33,55 - 34,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đồng thời, cùng thời điểm đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới quy đổi và giá vàng trong nước gần 2 triệu đồng/lượng. Như vậy, người mua vàng phải mua đắt tới 3 triệu đồng/lượng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.