Giao thông

“Chim én xanh” báo tin cứu nạn trên biển

02/08/2016, 13:25

Nhờ có họ nhiều con tàu, nhiều số mệnh đã thoát khỏi cơn giận dữ của biển khơi.

8

Các khai thác viên Đài Thông tin duyên hải sẵn sàng ứng trực chuyển tải thông tin khẩn cấp cho các tàu cá hoạt động trên biển - Ảnh: Vishipel

Sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp

Trong căn phòng của Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Hải Phòng nằm trên tầng 3 trụ sở Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel) tại số 2 Nguyễn Thượng Hiền, Minh Khai, Hải Phòng lúc nào cũng vang lên âm thanh u u..., bíp bíp... ồn ã. Mọi thành viên tập trung cao độ bên những chiếc máy điện thoại, thiết bị vô tuyến, màn hình vi tính sẵn sàng nhận cuộc gọi khẩn cấp từ các tàu ngoài khơi bất cứ lúc nào.

“Đây là tiếng sóng vô tuyến, là đặc thù rồi, không thể khác được”, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Đài TTDH Hải Phòng nói. Ở căn phòng này hiếm khi yên tĩnh. Trong thông tin liên lạc cứu nạn trên biển không thể sử dụng sóng điện thoại thông thường mà chỉ có sóng vô tuyến, sóng radio phát trên nhiều tần số khác nhau, các tàu hoạt động trên biển, đặc biệt là tàu cá mới có thể liên lạc được. Mỗi tàu cá lại dùng một tần số khác nhau, tùy theo thiết bị liên lạc nên các máy phát sóng cũng phải phát trên nhiều tần số mới có thể đáp ứng được.

Hiện Vishipel quản lý 29 đài TTDH, một đài thông tin vệ tinh Inmarsat, một đài thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam, một đài thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa và một Trung tâm xử lý thông tin hàng hải Hà Nội. 29 đài TTDH bố trí tại các tỉnh ven biển từ Móng Cái đến Hà Tiên được trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại luôn sẵn sàng trợ giúp các tàu, nhất là các tàu cá bất cứ lúc nào.

Chị Huyền cho biết thêm, để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, bên cạnh máy móc thiết bị hiện đại và luôn sẵn sàng hoạt động trong mọi điều kiện địa hình, phủ sóng toàn bộ vùng biển Việt Nam và một phần vùng biển quốc tế, khả năng hoạt động trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, các thành viên gồm 15 khai thác viên chia làm 3 ca làm việc liên tục 24/24h. Tiêu chuẩn để trở thành khai thác viên ngoài việc được đào tạo chuyên môn thông tin liên lạc bài bản, kỹ lưỡng, phải có số năm nhất định trong hoạt động thực tế, trình độ tiếng Anh tốt để trao đổi với các thuyền viên nước ngoài.

Những “chim én xanh” báo tin vui

Bên cạnh nhiệm vụ tiếp nhận thông tin cấp cứu khẩn cấp từ các tàu gặp sự cố trên biển và quảng bá thông tin cấp cứu, các đài TTDH còn phát bản tin thông báo bão, thời tiết trên biển, phát các bản tin, câu chuyện, thậm chí cả những tâm sự của các thuyền viên lênh đênh dài ngày trên biển.

Chị Lê Thanh Thảo, Trưởng ca có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tiếp nhận thông tin cứu nạn khẩn cấp chia sẻ: Thông tin liên lạc đóng vai trò quan trọng hàng đầu để có thể ứng cứu khẩn cấp những sự cố trên biển. Vì vậy, quá trình tiếp nhận, cũng như quảng bá thông tin phải chính xác, nhanh nhạy. “Thông thường, các tàu cứu nạn chuyên nghiệp khi nhận được thông tin yêu cầu trợ giúp sẽ lên đường ngay, nhưng do khoảng cách từ bờ ra nơi tàu gặp nạn có khi phải mất hơn ngày đường, nên việc các tàu khác gần tàu gặp nạn có thể ứng cứu nhau là rất cần thiết”, chị Thảo chia sẻ.

Những “chim én xanh” của Vishipel vẫn ngày đêm cần mẫn, miệt mài, thận trọng cập nhật thông tin, lắng nghe tiếng gọi từ biển để trở thành điểm tựa thông tin, cầu nối vững chắc từ đất liền. Có họ, thủy thủ vững chãi hơn, mẻ lưới đong đầy.

Thông thường vào mùa biển động, số lượng tàu, nhất là tàu cá bị hỏng máy thả trôi khá nhiều. Trong đó có những trường hợp có thể tự khắc phục được, nhưng nhiều trường hợp phải chờ sự giúp sức của các tàu khác. Chị Thảo cho biết thêm, không phải chỉ khi các tàu khác tiếp nhận thông tin ứng cứu là xong, các đài TTDH phải theo sát đến khi tàu bị nạn gọi về thông báo đã khắc phục được sự cố, hoặc trở về đất liền an toàn, các khai thác viên mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Đến đài TTDH, tôi thấy đa phần là nữ giới, nhất là bộ phận trực tiếp tiếp nhận thông tin ứng cứu. Chị Huyền bộc bạch, các thủy thủ lênh đênh cả tháng trời trên biển, luôn có cảm giác nhỏ bé và cô đơn trước biển, nhiều khi chỉ một giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp từ đất liền cũng khiến thủy thủ ấm lòng. Giọng nói ấy đôi khi là điểm tựa vững chắc từ đất liền để các thuyền viên, thủy thủ thêm vững chãi, bình tĩnh trước những cơn bão giông của biển.

“Thế nên công việc này chủ yếu do nữ giới đảm nhận. Nữ khai thác viên như “chim én xanh” thông báo tin vui từ đất liền, hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú bão và cũng như người bạn của thủy thủ”, chị Huyền nói.

Tâm sự với tôi, chị Phạm Thị Lý, người nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Đài TTDH Hải Phòng kể, nhiều ca trực đêm, điện thoại đổ chuông liên tục. Chị vội nhấc máy thì đầu dây là giọng một thủy thủ muốn được nghe đất liền nói chuyện để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Vậy là chị tâm sự với người thủy thủ ấy, kể cho anh nghe những câu chuyện ở đất liền với giọng nhẹ nhàng, ấm áp.

Chuyển tải thông tin cứu nạn đã khó, nhưng khó hơn là “giải” được phương ngữ để hiểu ý của thuyền viên. Việc này đòi hỏi phải sự dày dạn kinh nghiệm. Chị Thảo tâm sự, tháng 4 vừa rồi kíp trực của chị nhận được thông tin cứu nạn từ tàu cá Quảng Ngãi, một thuyền viên bị co giật cần cứu chữa khẩn cấp. Điều kiện thời tiết lúc đó rất xấu, hơn nữa giọng cấp cứu từ tàu cá lại là giọng phương ngữ nên khá khó nghe. Chị phải mô tả để hỏi tình hình nạn nhân, mãi sau mới hiểu nạn nhân lên cơn động kinh, bị co giật cần cấp cứu khẩn. Ngay lập tức, chị gọi điện cho Viện Y học Biển kết nối thông tin để yêu cầu trợ giúp y tế; Một mặt yêu cầu các thành viên tàu cá có biện pháp ổn định bệnh nhân. Chỉ đến khi nhận được thông tin an toàn từ tàu cá đó, kíp trực mới thở phào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.