Thế giới giao thông

Chìm phà thảm khốc tại Hàn Quốc do quá tải?

21/04/2014, 06:19

Theo thông tin từ đội bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, đến chiều 20/4, đã có ít nhất 56 xác người được phát hiện, khoảng 250 người vẫn mất tích.

Một phụ huynh gọi điện về cho người thân, khuỵu xuống trong nước mắt Ảnh: Sankei
Một phụ huynh gọi điện về cho người thân, khuỵu xuống trong nước mắt 


4 lần thay đổi số liệu


Đầu giờ chiều ngày 20/4, công tố viên Hàn Quốc có thể sẽ kéo dài thời hạn bắt giam lên 30 ngày đối với Phó phà Lee Joon Seok, 68 tuổi cùng hai người phụ lái khác bao gồm một phụ nữ có họ Park, 25 tuổi và ông Cho Joon Ki, 55 tuổi. Hôm xảy ra tai nạn Phó phà Lee - người chịu trách nhiệm điều khiển phà không có mặt trong buồng lái mà để ông Cho cùng nữ nhân viên chưa có kinh nghiệm cầm lái điều khiển trên vùng nước lạ. 
 

Người dân Hàn Quốc ồ ạt hủy bỏ vé đi phà đã đặt trước do lo ngại về vấn đề an toàn sau tai nạn chìm phà thảm khốc vừa rồi. Theo Reuters, các điểm bán vé phà tại Incheon đều vắng khách trong hai ngày cuối tuần vừa qua. Đây vốn là cảng xuất phát của chuyến phà Sewol tới đảo Jeju gặp nạn hôm 16/4. Hãng tin Yonhap đưa tin, gần 1.000 người đã hủy vé đi phà tới thành phố biển miền Đông Gangneung và tới đảo Ulleungdo một ngày sau khi tai nạn xảy ra.

Đến nay, các nguyên nhân như tàu va vào đá và thời tiết xấu đã được loại trừ. Theo công tố viên Yang Joong Jin, cảnh sát đang điều tra 10 người khác trong đó có một số thành viên thủy thủ đoàn làm việc trên phà Sewol cùng các quan chức đến từ Công ty Hàng hải Chonghaejin - cơ quan chủ quản chiếc phà xấu số. Phía Công ty Hàng hải Chonghaejin đang bị người dân Hàn Quốc nghi ngờ giấu giếm những thông tin chứng minh phà chở quá tải khi công ty này liên tục thay đổi số liệu về hành khách, hàng hóa trên phà.

Theo Đài truyền hình YTN, trong báo cáo lúc xuất hành, công ty Chonghaejin Marine Co. cung cấp cho Hiệp hội đóng tàu Hàn Quốc thông tin như sau: Phà chở 450 hành khách, 24 thành viên thủy thủ đoàn, 150 phương tiện và 657 tấn hàng hóa. Tuy nhiên, ngay sau khi tai nạn xảy ra, Chonghaejin Marine Co. thay đổi số lượng hành khách đến 4 lần: Lần thứ nhất, hãng phà thông báo có 477 người, 1.157 tấn hàng hóa, cùng 180 phương tiện sau đó đổi từ 477 người xuống 459, rồi lại tăng lên 462 và lần thứ 4 là 475 người. Ngày 18/4, công ty này thay đổi số hành khách một lần nữa là 476 người.


Phản bác những nghi vấn việc tàu chở quá tải, một quan chức giấu tên của Công ty Chonghaejin cho biết: “Trước khi phà rời cảng, nhân viên kiểm tra an toàn đã lên tàu kiểm tra trọng tải của phà” sau đó ông này đã nhận được báo cáo cho biết phà đạt mọi tiêu chuẩn về an toàn.

Thuyền trưởng bỏ mặc hành khách


Hàn Quốc là một thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - nơi có quy định riêng đối với các thủy thủ theo Công ước quốc tế về an toàn trên biển. Tuy công ước này không bắt buộc thuyền trưởng phải ở trên thuyền ngay cả khi thuyền đang chìm dần nhưng nó quy định thuyền trưởng phải có trách nhiệm với hành khách trên thuyền - Lee Adamson, phát ngôn viên của IMO cho biết. Mặt khác, mỗi nước trong Tổ chức có thể đưa ra quy định riêng dựa trên Công ước này. Theo đó, trong luật Hàn Quốc, có quy định riêng buộc thuyền trưởng cùng các thành viên thủy thủ đoàn phải đảm bảo an toàn cho hành khách trước.


Mặt khác, trong khi ông Lee ra thông báo với tất cả hành khách, yêu cầu mọi người ở nguyên tại chỗ thì bản thân ông và một số thành viên khác là những người đầu tiên rời khỏi phà lên thuyền cứu hộ mặc những nhân viên khác trong đó có cô Park Ji-young, 22 tuổi gồng mình tìm cách bảo đảm an toàn cho hành khách.


“Chúng tôi biết luật quy định phải giúp đỡ người già yếu, phụ nữ mang thai, trẻ em trước sau đó tới các hành khách khác. Thủy thủ đoàn chỉ được rời tàu khi gần như đảm bảo an toàn cho mọi hành khách. Thuyền trưởng nên là người rời tàu cuối cùng. Nhưng lúc đó tàu chìm quá nhanh nên chúng tôi không thể đưa xuồng cứu sinh giúp mọi người, ông Oh Young Seok, 57 tuổi - thành viên thủy thủ đoàn Sewol nói.


Thân nhân hành khách xấu số đang giận dữ, tới mức, một bà mẹ đã gào lên:  “Đưa thuyền trưởng tới đây... Mang trả con lại cho chúng tôi. Hãy đưa con tôi ra khỏi chiếc tàu. Tôi nghe thấy rằng tất cả mọi người đã chết. Nhưng họ phải đưa được thi thể con tôi lên để tôi có thể nhìn thấy con tôi lần cuối”.

 

Có nạn nhân người Việt Nam


Trong số những nạn nhân, có một phụ nữ Việt Nam tên Phan Ngọc Thanh quê Cà Mau, sinh năm 1985. Chị Thanh lấy chồng rồi sau đó nhập quốc tịch Hàn Quốc ngày 10/7/2013 với tên tiếng Hàn là Han Yun Ji. Chị Thanh và chồng sinh sống tại Thủ đô Seoul, có hai con, con trai là Kwon Hyuk-kyu, 6 tuổi và con gái là bé Kwon Ji-yeon, 5 tuổi (là nạn nhân nhỏ tuổi nhất). Gia đình bé Kwon dự kiến chuyển tới đảo Jeju định cư và làm việc.


Gia đình chị Thanh ở Việt Nam đến Seoul, dự kiến sẽ đến hiện trường vụ tai nạn. Bé Kwon Ji-yeon đã được trao cho cô ruột - em gái bố cô bé. Hiện bố mẹ cùng anh trai bé Kwon vẫn đang nằm trong dach sách những người bị mất tích. 



Trang Trần - Q.M

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.