Xã hội

Chính phủ bảo đảm cân đối ngoại tệ, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư dự án PPP

11/11/2019, 11:02

Sáng 11/11, dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã chính thức được trình Quốc hội.

img
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Tách vốn công, vốn tư để thuận cho hậu kiểm

Sáng nay (11/11), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Một trong những điểm đáng chú ý của dự án Luật là cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP.

Cụ thể, về nguồn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP, ông Dũng cho hay: Cơ quan chủ trì soạn thảo đã xin ý kiến rộng rãi 2 phương án là hình thành Quỹ phát triển dự án PPP (PA1) và hình thành dòng ngân sách riêng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn (PA2).

“Đa số ý kiến đề xuất lựa chọn Phương án 2 bởi việc hình thành Quỹ trong bối cảnh hiện nay rất khó khả thi, đồng thời bị hạn chế bởi Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, Chính phủ đề nghị quy định theo Phương án 2 – cơ chế quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư công”, ông Dũng thông tin.

Về cách thức sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, theo ông Dũng, khi dự án PPP sử dụng hỗn hợp vốn đầu tư công và vốn tư nhân, một số ý kiến cho rằng cần phân tách rõ phần “vốn công” và phần “vốn tư” để thuận lợi cho công tác quản lý, hậu kiểm (tránh tâm lý e ngại của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài). Do đó, Dự thảo Luật quy định 2 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP. Cụ thể, tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP. Giải ngân cho doanh nghiệp dự án theo hạng mục cụ thể (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công) với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng.

Đối với dự án áp dụng BTL, BLT (là loại hợp đồng trong đó nhà đầu tư xây dựng công trình và vận hành, cung cấp dịch vụ; Nhà nước thuê dịch vụ và thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư), Dự thảo Luật quy định trường hợp sử dụng vốn đầu tư công, phần vốn đầu tư công được tiếp tục bố trí trong các kỳ trung hạn tiếp theo căn cứ thời hạn hợp đồng PPP để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.

Trường hợp sử dụng nguồn chi thường xuyên và nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công, các phần vốn này được lập dự toán ngân sách hằng năm để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên ưu tiên sử dụng phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

“Nếu không tách bạch được phần vốn nhà nước đầu tư, nhà đầu tư tư nhân sẽ không chỉ chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật chuyên ngành... trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mà còn phải tuân thủ các quy định của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước... cũng như trách nhiệm giải trình với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, tạo tâm lý e ngại khi tham gia vào dự án PPP”- ông Thanh nói và đề nghị nghiên cứu, làm rõ hơn trong dự thảo Luật hạng mục đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư công, hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư thông thường, tránh việc thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công, như vậy sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như cần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát các dự án PPP.

Chính phủ cam kết đảm bảo cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro doanh thu với nhà đầu tư

Về cơ chế bảo đảm của Chính phủ, ông Dũng phân tích: Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư.

Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường.

Cũng từ đây, Chính phủ báo cáo Quốc hội 2 cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, theo dự thảo Luật, đối với từng dự án cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ (không áp dụng tràn lan cho tất cả), trong trường hợp thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Chính phủ sẽ xem xét quyết định (bằng Nghị quyết) việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ trên cơ sở cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, Dự thảo Luật thiết kế theo hướng quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.

Theo đó, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xây dựng cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ trong dự án Luật này là cần thiết, đáp ứng được sự mong đợi của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, bổ sung ngay tại dự thảo Luật một số quy định mang tính nguyên tắc như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm (bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo đảm cam kết thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm nghĩa vụ cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu…), đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP trong bối cảnh số lượng dự án PPP và tích lũy vốn PPP sẽ tăng lên đáng kể ở cả cấp Trung ương và địa phương, tránh việc bảo đảm của Chính phủ một cách tràn lan, nhằm kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP.

Tuy nhiên, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án này sẽ được điều chỉnh bởi quy định của Luật Quản lý nợ công và có thể tạo tâm lý trông chờ từ phía các nhà đầu tư. Do đó, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án Luật, Uỷ ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo Luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.