Theo hãng tin Reuters, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ việc đảng Tự do (VVD) của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đưa ra các biện pháp để hạn chế dòng người di cư tại Hà Lan nhưng hai trong bốn đảng của liên minh này đã không ủng hộ chính sách trên.
Do đó, ngày 7/7, qua thông báo trên truyền hình, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, 56 tuổi, vị lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Hà Lan và một trong những chính khách kỳ cựu nhất của châu Âu thông báo: “Ngày hôm nay chúng tôi rất buồn khi phải kết luận, không thể giải quyết những khác biệt giữa các đối tác trong liên minh đảng cầm quyền. Do đó, tôi sẽ sớm đệ trình đơn từ chức lên nhà vua”.
Cùng ngày, Chính phủ Hà Lan xác nhận Thủ tướng Rutte đã trình đơn từ chức và sẽ đến tiếp kiến nhà vua Willem-Alexander trong ngày 8/7.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Ủy ban bầu cử Hà Lan cho biết cuộc bầu cử mới dự kiến được tổ chức sớm nhất vào giữa tháng 11 tới.
Liên minh đảng cầm quyền của Thủ tướng Rutte sẽ tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi chính quyền mới được thành lập.
Theo các chính trị gia Hà Lan, quá trình bầu cử, thành lập chính quyền mới có thể mất nhiều tháng.
Trong thời gian này, chính quyền tạm thời không thể quyết định các chính sách mới. Song ông Rutter khẳng định diễn biến này sẽ không ảnh hưởng tới sự ủng hộ của Hà Lan với Ukraine.
Hà Lan vốn là một trong những quốc gia châu Âu có chính sách nhập cư nghiêm khắc nhất nhưng dưới áp lực của các đảng cánh hữu, những tháng gần đây, ông Rutte tiếp tục phải nỗ lực để tìm cách giảm dòng người xin tị nạn.
Năm ngoái, số đơn xin tị nạn tại Hà Lan đã tăng vọt gấp 3 lần lên hơn 46.000 đơn và dự kiến con số này sẽ tăng lên hơn 70.000 trong năm nay, cao hơn so với mức kỷ lục của năm 2015.
Xu hướng này một lần nữa đặt áp lực lên cơ sở hạ tầng cho người tị nạn của Hà Lan. Năm ngoái, trong nhiều tháng, hàng trăm người tị nạn đã buộc phải ngủ ngoài trời, không có nước uống, không có nơi vệ sinh hay chăm sóc y tế khiến 1 em nhỏ thiệt mạng.
Liên minh cầm quyền hiện nay là liên minh thứ 4 do ông Rutte lãnh đạo kể từ khi nhậm chức lần đầu vào năm 2010.
Tuy nhiên, liên minh này chỉ mới lên nắm quyền từ tháng 1/2022, sau thời gian đàm phán kỷ lục là 271 ngày và còn chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề.
Hiện người Hà Lan phải đối mặt với một trong những chiến dịch tranh cử chia rẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận