Xã hội

ĐBQH đề nghị áp dụng 3 bậc thang, kiểm toán cách tính giá điện

22/05/2019, 14:43

Nhiều ĐBQH đề nghị kiểm toán việc điều hành giá điện, đồng thời chỉ áp dụng 3 bậc thang tính giá điện thay vì 6 bậc như hiện nay.

img
Tăng giá điện là một trong những nội dung nóng được các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến

Tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ngày 22/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ. Một trong những vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề điều chỉnh giá điện. Trước đó, Chính phủ cũng đã có báo cáo riêng về vấn đề điều chỉnh giá điện, xăng gửi các đại biểu.

Chỉ có 11 trường hợp phản ánh về giá điện?

Lý giải về nguyên nhân tăng giá điện, đại biểu đoàn Hà Nội Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rất rõ, do tăng chi phí về môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội, các yếu tố đầu vào tăng như giá than tăng. “Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho sự thiếu hụt 20 nghìn tỷ đồng tăng thêm do chi phí đầu vào tăng”, ông Thành nói.

Cũng theo Chủ tịch EVN, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018. “Việc công khai tăng giá điện đã được Chính phủ, Bộ Công thương thực hiện theo đúng quy định”, ông Thành khẳng định.

Về ý kiến thắc mắc tại sao EVN lại điều chỉnh giá điện vào mùa nắng nóng, ông Thành cho biết tỷ lệ điều chỉnh giá điện vào tháng 3 cao nhất trong các lần điều chỉnh giá điện. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay có 11 lần điều chỉnh giá điện, trong đó có 4 lần điều chỉnh vào tháng 3 và 3 lần điều chỉnh vào tháng 12. Vì thế, Chủ tịch EVN khẳng định việc điều chỉnh giá điện vừa rồi cũng không phải chưa có tiền lệ.

Theo ông Thành chỉ có 11 trường hợp phản ánh trên các phương tiện báo chí, có 8 trường hợp phản ánh trên mạng xã hội, song đã được giải thích và đồng tình với EVN. “Như vậy, lượng phản ánh không phải là số lớn trong khi EVN có 27 triệu khách hàng sử dụng điện”, ông Thành nói.

Không đồng tình với ý kiến trên, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách chất vấn: “Anh Thành nói có 11 trường hợp kiến nghị về giá điện, nhưng trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ có 14.541 kiến nghị của khách hàng, 20% trong số đó thắc mắc về chỉ số công tơ điện, và hóa đơn tiền điện”.

Theo bà Mai, những lý do mà EVN đưa ra đều chưa thuyết phục, và sẽ tiếp tục chất vấn nội dung này trên hội trường Quốc hội, bởi đây là vấn đề dư luận rất quan tâm.

Đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc

Đi sâu vào mức tính giá điện của Bộ Công Thương, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết: “Rất nhiều cử tri quan tâm tới giá điện và gửi câu hỏi tới tôi. Sáng nay tôi cũng đã đọc và rất chia sẻ với báo cáo của Bộ Công thương giải trình về việc tăng giá điện, tuy nhiên điểm tôi không đồng tình là các bậc thang tính giá điện sinh hoạt đang bất hợp lý. Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ áp dụng 3 bậc giá, Indonesia áp dụng 5 bậc, thì Việt Nam lại áp dụng tới 6 bậc thang, trong đó, bậc một lại được tính ở mức quá thấp từ 0-50 kWh/tháng”.

Từ đây, ông Ngân kiến nghị chỉ nên áp dụng 3 bậc thang để tính giá điện, Cụ thể, bậc 1 áp dụng từ 0 - 100 kWh; bậc 2 áp dụng từ 101 - 300 kWh và bậc 3 từ 301 kWh trở lên. “Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng lên, do thu nhập được cải thiện, điều kiện sinh hoạt cũng hơn trước, do đó định mức thang bậc phải có sự thay đổi. Có như vậy việc tăng giá điện mới không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”, ông Ngân đề xuất.

img
Đại biểu Lê Thu Hà, Uy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhấn mạnh: Giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố

Không đồng tình với giải trình tăng giá điện của Bộ Công thương, Đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhấn mạnh: Giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố.

“Bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá, các chuyên gia kinh tế cho thấy người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.

Đối với bậc 3 (101-200kWh), theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng), hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.

Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201-300kWh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400kWh) là 14,2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2% và 15%, khác với 8,33-8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt”, bà Hà dẫn giải.

Theo nữ đại biểu, trong giải trình tăng giá điện của EVN đang khá mập mờ, làm cho % tăng giá điện thấp hơn so với thực tế. “Cần minh bạch giá đúng của 1kWh điện (chi phí sản xuất đích thực mỗi kWh điện, phí quản lý từng kWh điện). Đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới", bà Hà kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.

"Nếu kiểm toán vào trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm", ông Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.

Ghi nhận ý kiến tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán giá điện và EVN. "Sai ở đâu Chính phủ, các bộ ngành nhận quyết điểm chỗ đó", ông Huệ khẳng định .

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.