Điều tra

Chính phủ phải làm trọng tài

27/02/2014, 06:32

Đề cập đến việc các bộ có trụ sở mới vẫn muốn "ôm" trụ sở cũ, Đại biểu Quốc hội, chuyên gia được hỏi cho rằng, việc di dời trụ sở hiện nay vẫn có sự tùy tiện, chắp vá.

Đề cập đến việc các bộ có trụ sở mới vẫn muốn “ôm” trụ sở cũ, Đại biểu Quốc hội, chuyên gia được hỏi cho rằng, việc di dời trụ sở hiện nay vẫn có sự tùy tiện, chắp vá. Việc làm này vô hình trung sẽ tiếp tục gây áp lực cho giao thông nội đô.

Kỳ cuối: Chính phủ phải làm trọng tài

Trụ sở cũ của Bộ TN&MT vẫn do một số đơn vị thuộc bộ này sử dụng
Trụ sở cũ của Bộ TN&MT vẫn do một số đơn vị thuộc bộ này sử dụng


Có biện pháp dứt khoát với những Bộ chưa ”nhả” trụ sở cũ

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khẳng định, chủ trương di dời trụ sở các bộ ra ngoài nội đô không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn giải quyết nhiều vấn đề khác của Hà Nội như: An sinh xã hội, môi trường, trật tự đô thị. Nhưng việc các bộ có trụ sở mới vẫn muốn sử dụng trụ sở cũ sẽ khiến cho những mục tiêu này không thể thực hiện được. Ông Tiến cho rằng, nếu đã muốn giảm áp lực giao thông cho nội đô thì nhất thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng các trụ sở bộ, ngành, có thể là chuyển giao về cho Hà Nội quản lý và sử dụng vào mục đích công cộng. Tuy nhiên, để làm được điều này, phương án hiệu quả nhất hiện nay là nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của Chính phủ. “Hơn ai hết, lúc này Chính phủ phải là trọng tài, chứ chỉ UBND TP Hà Nội thì không thể xử lý được. Phải có biện pháp, chủ trương quyết liệt, dứt khoát với những bộ chưa chịu “nhả” trụ sở cũ”, ông Tiến nói.

Không dựa vào tăng nhân sự để mở rộng trụ sở

“Theo tôi, các bộ đã chuyển đi thì trụ sở cũ tốt nhất nên giao lại. Còn giao lại cho Nhà nước, cho Chính phủ hay cho TP Hà Nội thì cần phải nghiên cứu nhưng dứt khoát phải trả. Đã có trụ sở mới thì không có lí do gì để các bộ giữ lại trụ sở cũ”, bà Bùi Thị An - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói.

Bà An đề nghị, cần công khai thông tin về công tác di dời trụ sở của các bộ để Quốc hội và nhân dân giám sát. Bộ nào thực hiện tốt thì có hình thức khuyến khích, khen thưởng.

Liên quan đến vấn đề một số bộ cho rằng trụ sở mới vẫn còn chật hẹp so với bộ máy nhân sự của đơn vị mình, bà An khẳng định phải gắn liền công tác kiện toàn bộ máy làm việc, rà soát nhân sự với quy hoạch, thiết kế, xây dựng trụ sở mới. “Bộ, ngành nào lấy lý do người đông phải sử dụng trụ sở cũ thì phải tự điều chỉnh, xem xét lại bộ máy, không nên “đẻ” ra những công chức làm việc không hiệu quả, chồng chéo. Không thể dựa vào việc tăng nhân sự để tiếp tục mở rộng diện tích trụ sở”, bà An phân tích.

Chưa có đầu mối tổ chức thực hiện

Cũng khẳng định việc di dời các bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô là chủ trương đúng, ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, không có chuyện đã có trụ sở mới mà còn nấn ná trụ sở cũ. Muốn sử dụng trụ sở cũ phải theo cơ chế chung (thuê hoặc giao) và phù hợp quy hoạch phát triển của thành phố. Nhưng dù là hình thức nào thì cũng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến mật độ dân số khu nội đô. Theo tôi, việc di dời trụ sở hiện nay vẫn có sự tùy tiện, chắp vá. Bộ, ngành vào cuộc chưa quyết liệt là một chuyện, nhưng cũng có lý do là chưa có đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xuyên suốt và có tính căn cơ nên mới có chuyện tùy tiện như hiện nay.

Sau khi đã hoàn tất việc di dời, trụ sở cũ chỉ nên sử dụng vào mục đích công cộng hoặc nghiên cứu khoa học, tuyệt đối không phục vụ yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Tâm lý “ngại” chuyển chỗ mới

Chuyện các bộ muốn giữ lại trụ sở cũ có thể là do tâm lý “ngại” chuyển. Bởi khi một cơ quan đã đóng trụ sở một chỗ nào đó thì nhân viên sẽ tính cách này hay cách khác để cố gắng chuyển nơi ở về gần trụ sở làm việc. Vì thế, khi chuyển trụ sở sẽ làm đảo lộn cuộc sống và việc đi lại của họ. Do đó, có tâm lý ngại chuyển chỗ mới chứ chưa chắc đã là nhu cầu làm việc.

Anh Trần Giang Nam (phố Phạm Ngũ Lão, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)

Chuyển đi làm gì cho tốn kém

Chuyển đi mà vẫn để trụ sở cũ cho người khác sử dụng để làm việc thì còn nói chuyện gì. Lượng người vẫn thế, xe cộ đi lại vẫn thế thì chuyển đi làm gì cho tốn kém.

Chị Nguyễn Thị Trang (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội):

Trụ sở cũ có kiến trúc đẹp chuyển thành bảo tàng

Nếu hỏi tôi phương án sử dụng các trụ sở cũ về việc gì tôi sẽ nói là công viên, cây xanh, ao hồ. Hà Nội đang quá thiếu những thứ ấy. Hoặc có thể với những trụ sở có kiến trúc cổ, đẹp thì nên chuyển thành bảo tàng để mọi người vào tham quan.


Nguyễn Quý - Minh Thành
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.