Chính trị

Chính phủ quyết tâm tạo cơ chế thúc đẩy ngành cơ khí

24/09/2019, 20:24

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị quyết về thúc đẩy phát triển ngành cơ khí.

img
Thủ tướng khẳng định sẽ có Nghị quyết thúc đẩy phát triển cơ khí

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, đại diện các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN cơ khí trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.

Sẽ xây dựng nghị quyết về giải pháp phát triển ngành cơ khí

Phát biểu tại hội nghị, ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng khẳng định, hội nghị sẽ có một sản phẩm là nghị quyết của Chính phủ về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Đây cũng là mong mỏi của các DN, những người làm trong ngành công nghiệp nền tảng, trụ cột, xương sống của nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến để có một nghị quyết tốt, mang hơi thở cuộc sống.

Cho rằng có một số mặt còn bất cập, tồn tại, Thủ tướng nêu rõ, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.

“Trước hết chúng ta phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nói. Phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn.

Chính sách phải “đi tắt đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập.

Ghi nhận các ý kiến nêu về các bất cập thiếu vốn, thiếu thị trường, lãi suất cao chưa tạo điều kiện cho cơ khí phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa. Tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho DN trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN cơ khí trong nước.

Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN trong nước với nhau và với các DN lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Cần xây dựng và phát triển hệ thống quản lý, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ thuật nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề trong lĩnh vực cơ khí. Thủ tướng lưu ý, hiện nay chúng ta đang thiếu nhân lực ngành cơ khí rất trầm trọng. Xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh có ý nghĩa quyết định. Đội ngũ DN ấy sẽ có bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam trên thương trường.

Các bộ, ngành cần "chung lưng đấu cật"

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước. Đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vượt trội nhằm thu hút các dự án FDI trong ngành cơ khí bảo đảm định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị. Khẩn trương ban hành hướng dẫn và chế tài cụ thể thực hiện chủ trương sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu.

Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm. Đề xuất chính sách không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành cần vào cuộc để thúc đẩy ngành cơ khí phát triển

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành cơ khí phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

“Việt Nam chúng ta cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng DN, các nhà đầu tư, các DN trong nước và nước ngoài hoạt động trong ngành cơ khí đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của DN cơ khí nói riêng và DN ngành chế biến, chế tạo nói chung”, Thủ tướng bày tỏ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành cùng các DN, đội ngũ doanh nhân cơ khí có khát vọng vươn tới những tầm cao, tận dụng tốt các thời cơ, điều kiện, chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học công nghệ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.