Thị trường

Chính phủ yêu cầu "hạ nhiệt" giá xi măng, sắt thép, các bộ vào cuộc ra sao?

19/04/2022, 14:14

Giá xi măng, thép đều lập đỉnh và dự báo còn tiếp tục tăng. Các bộ, ngành vào cuộc ra sao để "hạ nhiệt" giá theo chỉ đạo của Chính phủ?

Giá xi măng, sắt thép đều neo đỉnh

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện giá xi măng và sắt thép đều lập đỉnh lịch sử sau nhiều lần tăng "phi mã".

Cụ thể, giá xi măng đã lên ngưỡng 1,53-1,8 triệu đồng/tấn tùy loại, tăng 200-250 nghìn đồng/tấn so với thời điểm ổn định.

Riêng trong quý I/2022, giá xi măng tăng khoảng 30-50 nghìn đồng/tấn, tương đương với mức tăng 1-3% so với quý IV/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng, nhưng giá đã tăng tới 250%...

img

Giá xi măng, thép đều lập đỉnh, dự báo còn tăng tiếp trong quý II

Với giá thép, hiện neo mức đỉnh khoảng 18,6-20,6 triệu đồng/tấn (phá mức đỉnh 18 triệu đồng năm 2021), tăng gần gấp đôi so với thời điểm ổn định (ngưỡng 10-13 triệu đồng/tấn).

Xu thế tăng của giá thép bắt đầu từ giữa tháng 2/2022, mức tăng mạnh từ 600 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/tấn. Đến giữa tháng 3, giá thép lần lượt tăng thêm khoảng 3,5% so với giữa tháng 2 và tổng mức tăng so với đầu năm khoảng 7,5%. Giá thép vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bộ Xây dựng nhận định, do ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất xi măng, thép... khan hiếm, dẫn đến tăng giá mạnh trong quý I/2022.

Hơn nữa, nhu cầu tăng cao trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung nguyên liệu cũng tạo thêm áp lực tăng giá cho các mặt hàng này. Cụ thể, trong quý I/2022, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa đạt hơn 13,5 triệu tấn. Chỉ riêng trong tháng 3 ghi nhận tiêu thụ tăng lên gần 6 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng hơn 3,5 triệu tấn so với tháng trước.

Còn thép, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong quý I/2022 đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,821 triệu tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo còn tăng trong quý II

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chi phí thép chiếm 12-16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10% thì giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng 1-1,5%.

Bộ Xây dựng dự báo, trong quý II/2022 sẽ vẫn còn diễn biến tăng giá đối với các loại vật liệu này.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ với Báo Giao thông, Chính phủ đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công làm nhu cầu thép xây dựng trên thị trường tăng đột biến.

Thực tế, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I năm 2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế…

Do đó, ông Nghiêm Xuân Đa dự báo, giá các mặt hàng vật tư xây dựng trong tháng 4 tới đây rất có thể sẽ tăng khoảng 5-10% so với hiện tại, cho đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn.

Bộ ngành vào cuộc ra sao?

Trước tình trạng trên, Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký công văn số 2360/VPCP-CN, yêu cầu các bộ ngành và địa phương vào cuộc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay giá thép vận hành theo cơ chế thị trường. Giá thép tăng là do các nguyên liệu đầu vào đều tăng cao, như quặng sắt, than mỡ luyện cốc, cuộn cán nóng HRC... Ngoài ra, còn chịu tác động do chi phí logistics tăng cao.

Theo ông Hoài, trong trường hợp khan hiếm nguồn cung trong nước mà gây tăng giá, nhà nước sẽ can thiệp bằng các sắc thuế để hạn chế xuất khẩu, nhằm điều tiết cung - cầu nội địa. Tuy nhiên, thị trường thép không thiếu cung!.

Vậy giải pháp lâu dài là gì? Ông Hoài cho rằng, chúng ta phải tìm nguyên liệu trong nước để hạn chế nhập khẩu.

Trước đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã nhấn mạnh đến một số giải pháp, yêu cầu các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho PV Báo Giao thông biết, Bộ đã có đề xuất về các sắc thuế nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng phôi thép và sản phẩm thép. Hiện đề xuất này đã được thông qua tại Nghị định 101/2021/NĐ-CP.

Theo đó, tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu một số mã hàng thép xây dựng đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao (15%, 20%, 25%) để bình ổn giá cả mặt hàng thép trong nước.

Dù nhận định giá xi măng và sắt thép đều tăng theo quy luật thị trường, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần kiểm soát được giá các mặt hàng này. Tức là, phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thanh tra...để biết mức độ tăng có hợp lý không.

“Là sản phẩm quan trọng thì phải có dự báo cung - cầu. Từ đó có sự điều tiết thương mại, sẽ giảm được cú sốc giá”, ông Long nói và cho biết dự báo cung cầu chuẩn sẽ giúp chúng ta dùng công cụ bảo hiểm giá hiệu quả.

Hiểu nôm na, doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra một số tiền phù hợp để mua “cam kết”, để nhận được một số lượng hàng hóa nhất định, giao vào một thời điểm nhất định với giá cố định, bất kể giá lên cao bao nhiêu...

Với câu chuyện rủi ro cho nhà đầu tư khi giá vật liệt xây dựng lên “phi mã”, lãnh đạo Cục Công nghiệp bày tỏ: “Họ có kinh phí dự phòng để lập dự toán, nếu vượt dự phòng thì phải báo cáo các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh dự toán”.

Công văn số 2360/VPCP-CN của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, ký ngày 15/4/2022 yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, bộ ngành nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền....

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.