Hồ sơ tài liệu

Chính quyền Trump đã âm thầm theo dõi, truy nguồn của nhà báo ra sao?

08/05/2021, 17:35

Chính quyền dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu thập thông tin của 3 nhà báo để truy nguồn cung cấp thông tin mật.

img

Ba nhà báo từng làm việc cho Washington Post đã bị chính quyền ông Donald Trump thu thập thông tin điện thoại

Bộ Tư pháp Mỹ không còn cách nào khác

Khi còn tại nhiệm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump thường xuyên chỉ trích báo giới Mỹ là đưa tin sai sự thật, dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích những tờ báo uy tín tại Mỹ như CNN hay Washington Post, New York Times...

Tuy nhiên, trong quá trình các nhà báo điều tra tìm ra sự thật, chính quyền của ông Trump được cho là đã tìm cách thu thập hồ sơ điện thoại của các phóng viên từ Washington Post khi họ tác nghiệp, tìm hiểu thông tin về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Theo Washington Post, đầu tuần này, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi văn bản tới 3 nhà báo Ellen Nakashima, Greg Miller và Adam Entous, hiện không còn làm cho tờ Washington Post, cho biết, chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị toà án ra lệnh cho phép tiếp cận thông tin cuộc gọi của 3 nhà báo trong khoảng thời gian từ 15/4 đến 31/7/2017.

Đề nghị thu thập thông tin điện thoại của 3 nhà báo Washington Post được thực hiện vào năm 2020 khi ông William Barr là Tổng Chưởng lý dưới thời ông Donald Trump. Hiện ông Barr chưa bình luận liên quan tới sự việc.

Theo đề nghị của chính quyền ông Trump, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra lệnh thu thập thông tin về số điện thoại nhà, di động, nơi làm việc của Nakashima, số điện thoại di động, nơi làm việc của Miller và tương tự với Entour, qua đó có thể tìm ra cụ thể các phóng viên này đã gọi điện cho ai, trong thời gian bao lâu nhưng không bao gồm nội dung.

Trong khi, ở cuối giai đoạn 15/4-31/7/2017, 3 nhà báo Ellen Nakashima, Greg Miller và Adam Entous đã điều tra và đăng một bài về tình báo Mỹ, trong đó cho rằng ông Jeff Sessions, người được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, đã thảo luận về chiến dịch tranh cử của ông Trump với một Đại sứ Nga. Ba phóng viên cũng viết về nỗ lực của chính quyền Barack Obama nhằm đối phó với những hoạt động can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi xác nhận nội dung trên. Trong thông báo, vị đại diện khẳng định: “Đây là hoạt động rất hiếm. Nhưng, trong quy trình pháp lý thu thập hồ sơ số điện thoại, thông tin thư điện tử (không bao gồm nội dung) từ các thành viên truyền thông, Bộ Tư pháp đã thực hiện đúng quy định theo khuôn khổ chính sách hướng dẫn truyền thông. Đây là một phần trong quá trình điều tra hình sự hành vi tiết lộ thông tin mật trái phép”.

“Mục tiêu của cuộc điều tra không nhằm tới những người tiếp nhận thông tin truyền thông mà nhằm vào những người có quyền tiếp cận thông tin quốc phòng nhưng cung cấp lại cho truyền thông và không bảo vệ thông tin như luật định”, theo đại diện Bộ Tư pháp Mỹ.

Trong thông báo, ông khẳng định, đề nghị cung cấp thông tin của truyền thông là rất hiếm và chỉ được thực hiện khi không còn cách thu thập thông tin nào khác. Và để làm được việc này, Bộ Tư pháp Mỹ cần phải được sự chấp thuận từ Tổng Chưởng lý thời điểm đó chính là ông William Barr.

Đe doạ quyền tự do báo chí

Thông tin do Washington Post tiết lộ lập tức xuất hiện tràn trên trang chủ hàng loạt tờ báo trên toàn cầu và tạo ra dòng dư luận e ngại, hành động của chính quyền ông Trump đe doạ quyền tự do ngôn luận vốn rất được tôn trọng tại Mỹ.

Quyền điều hành biên tập tờ Washington Post, ông Cameron Barr cho biết: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc sử dụng quyền lực của chính phủ để tiếp cận thông tin liên lạc của nhà báo".

Ông Barr đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ cần lập tức làm rõ lý do Bộ này xâm nhập hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Đây là quyền của phóng viên/nhà báo được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất.

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đã theo dõi các nhà báo theo lệnh của chính quyền. Đáng lẽ, đây là điều không nên xảy ra. Việc theo dõi các nhà báo và nguồn tin của họ là đe doạ quyền tự do báo chí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.