Chính sách BHYT mới: Ai được lợi?

31/12/2014, 13:15

Trong khi tăng mức chi trả cho người nghèo, chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực từ 1/1/2015 giảm chi trả cho nhiều loại thuốc đặc trị với chi phí hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Bệnh nhân dưới 6 tuổi được chi trả bảo hiểm 100% thay vì 95% như trước (Một bệnh nhi đang được điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư)Ảnh: Khánh Linh
Bệnh nhân dưới 6 tuổi được chi trả bảo hiểm 100% thay vì 95% như trước (Một bệnh nhi đang được điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư)

Người nghèo được chi trả 100%

Nhiều bệnh nhân tại Khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu T.Ư tỏ ra mừng rỡ khi nhận thông tin từ ngày 1/1/2015, BHYT chi trả 100% cho người bệnh thuộc hộ nghèo thay vì 95% như trước. Anh Đào Quang Trường (trú tại Gia Lâm, Hà Nội), bệnh nhân suy tủy xương cho biết: Mặc dù đã được BHYT hỗ trợ thanh toán 95% nhưng mỗi tháng, gia đình vẫn phải chi trả 4 - 5 triệu đồng tiền thuốc.

Trong khi gia đình bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào vườn ổi, nhiều tháng nay lại thêm khoản tiền thuốc của tôi càng khiến gia đình điêu đứng. “Được thanh toán 100% thì cả nhà em mừng quá. Giảm được đồng nào đỡ đồng ấy”, anh Trường chia sẻ.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng mở rộng tỉ lệ chi trả bảo hiểm đối với bệnh nhân khám, chữa bệnh đúng tuyến; thanh toán 100% viện phí đối với những người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, người sinh sống tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, người bệnh có tham gia BHYT 5 năm liên tục, khám chữa bệnh tại tuyến xã… 

“Từ ngày 1/1/2016, sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh. Theo đó, nếu đi trái tuyến ở tuyến huyện (dù là bệnh viện nào trong cùng một tỉnh, thành phố) bệnh nhân cũng được hưởng quyền lợi 100% theo quy định của từng đối tượng”, bà Song Hương thông tin thêm.

Giảm chi trả 9 loại thuốc đặc trị 

Theo quy định mới, có 9 loại thuốc thuộc danh mục thuốc đang được BHYT thanh toán 100% sẽ giảm tỉ lệ xuống còn 50% và 30%, gồm bốn loại điều trị ung thư phổi, ung thư vú và năm loại thuốc điều trị các bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng. 

Thông tin này đã khiến nhiều người bệnh đang điều trị bằng các loại thuốc này “sốc” bởi đây hoàn toàn là các loại thuốc rất đắt tiền. Bác Phạm Quang Tính (bệnh nhân điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Hữu Nghị) lo lắng: “Áp dụng quy định mới, tôi sẽ phải chi trả 50% cho loại thuốc đang dùng với giá 1,35 triệu đồng/viên/ngày. Như vậy, mỗi tháng, tôi phải chi thêm 20 triệu đồng cho chỉ riêng tiền thuốc đặc trị, trong khi lương hưu vỏn vẹn 4,5 triệu đồng/tháng!”  

"Để tìm nguồn hỗ trợ những bệnh nhân buộc phải dùng các loại thuốc chữa ung thư giá cao, hiện Bệnh viện K đang phối hợp và vận động các công ty dược, Quỹ “Vì ngày mai tươi sáng” cùng tham gia chi trả, hỗ trợ bằng thuốc với cơ chế BHYT 30-50%, các công ty dược 25-30%, còn lại bệnh nhân chi trả. Hy vọng nhiều người bệnh vẫn tiếp tục được hỗ trợ điều trị bằng hình thức này”.

PGS. TS Trần Văn Thuấn Phó giám đốc Bệnh viện K

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam lý giải, 9 loại thuốc bị giảm tỉ lệ thanh toán đều giá rất cao mà hiệu quả điều trị chưa được chứng minh rõ ràng. Chẳng hạn như thuốc điều trị viêm gan C, ước tính BHYT phải chi 90 nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong khi thu quỹ cả năm 2014 mới được khoảng 53 nghìn tỷ đồng.

“Việc hạ mức chi trả đã được cân nhắc rất kỹ, vừa để đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hiệu quả điều trị và cả sự cân đối của quỹ BHYT”, ông Thảo nhấn mạnh.

Trước những bức xúc của người bệnh về việc cắt giảm chi trả bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị y tế nêu rõ, với những bệnh nhân có thẻ BHYT, đang điều trị sẽ tiếp tục điều trị bằng loại thuốc này đến khi người bệnh ra viện.

Bệnh nhân ung thư đang sử dụng bốn loại thuốc đặc trị sẽ vẫn tiếp tục được thanh toán 100% cho đến hết liệu trình. 

Bên cạnh đó, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Ung bướu cũng khẳng định, các loại thuốc đặc trị này vẫn có thể thay thể bằng loại thuốc khác có trong danh mục thuốc bảo hiểm.

Vũ Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.