Thời sự Quốc tế

Chính sách "ngoại giao quyến rũ" của Thủ tướng Nhật tại Đông Nam Á

Chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thập kỷ qua đã cho thấy vị trí vững chắc của Đông Nam Á.

Cả ba đời thủ tướng gần đây nhất của nước này, bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đều chọn Đông Nam Á là một trong những điểm đến chính thức đầu tiên và thực hiện chính sách ngoại giao mà theo Asia Times đánh giá là ngoại giao quyến rũ.

Vị thế đáng kể của Đông Nam Á

Khi trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe đã chọn các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là điểm đến đầu tiên để công du. Ngay sau vài tháng nhậm chức, ông Abe đã đến thăm ba quốc gia quan trọng trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, đồng thời cử bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của mình tới nhiều quốc gia khác trong khu vực.

img

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Bangkok, Thái Lan. Ảnh - Twitter Bộ Ngoại giao Thái Lan

Năm 2020, Thủ tướng khi đó là Yoshihide Suga đã tiếp bước người tiền nhiệm, chọn Việt Nam và Indonesia là các chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông ngay sau khi lên nắm quyền. Thủ tướng Nhật Bản hiện tại Fumio Kishida cũng coi Đông Nam Á là một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại.

Sau khi đến thăm Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN năm nay, nhà lãnh đạo đương nhiệm của Nhật Bản đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài kéo dài một tuần đến Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, sau đó mới lên đường tới Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Theo tờ Asia Times, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nhanh chóng nổi lên như một quốc gia có thế lực lớn đối với Đông Nam Á.

Không chỉ là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của ASEAN, Nhật Bản còn là một đối tác quốc phòng và chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia khu vực, bao gồm Philippines, Indonesia, Việt Nam và Malaysia.

Nhiều cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy giới tinh hoa về chính sách khu vực liên tục đánh giá Nhật Bản là đối tác nước ngoài đáng tin cậy nhất của ASEAN.

"Ngoại giao quyến rũ"

Trong gần một thế kỷ qua, Nhật Bản luôn là đầu tàu công nghiệp hóa và phát triển kinh tế ở Đông Nam Á.

Ngay cả sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng không làm giảm tầm quan trọng của Nhật Bản về mặt kinh tế đối với khu vực.

Một điều quan trọng nữa là Nhật Bản có tiềm năng trở thành thị trường xuất khẩu lớn của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là đối với hàng hóa trung gian.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư của Nhật Bản cũng tạo ra nhiều việc làm hơn cho các quốc gia sở tại và thường được cho là tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành về quản trị, bảo vệ môi trường bền vững.

img

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thăm Việt Nam, nhất trí đẩy mạnh tiến độ triển khai hạ tầng giao thông.

Theo chiến lược “Trung Quốc + 1 (Đa dạng hóa đầu tư ra ngoài Trung Quốc - PV)”, Nhật Bản cũng mở rộng hơn nữa sự hiện diện đầu tư của mình ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam, nơi các công ty lớn của Nhật Bản đã thành lập các nhà máy sản xuất quy mô lớn với tiêu chuẩn toàn cầu.

Nhật Bản luôn là nước đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ nhất cho Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, các cam kết đầu tư của Nhật Bản vào khu vực này đã lên tới con số khổng lồ 367 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với mức 255 tỷ USD của Trung Quốc.

Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020, thương mại song phương giữa Nhật Bản- ASEAN vẫn đạt 204 tỷ USD và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Đông Nam Á vẫn duy trì ở 8,5 tỷ USD.

Và trong suốt thập kỷ qua, Tokyo đã tận dụng ảnh hưởng kinh tế đang lên của mình để xây dựng quan hệ quốc phòng và chiến lược với các quốc gia quan trọng của ASEAN.

Trong bài phát biểu năm 2013, có tiêu đề “Nhật Bản và ASEAN luôn song hành”, ông Abe nhấn mạnh cách “ASEAN và Nhật Bản vượt ra ngoài quan hệ kinh tế để xây dựng mối quan hệ có thể đảm bảo an ninh cho khu vực.”

Từ thời điểm đó cho tới nay, Tokyo liên tục vun đắp quan hệ đối tác toàn diện với các quốc gia trong khu vực.

Tháng trước, Bộ trưởng quốc phòng và Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản đã tiến hành cuộc đối thoại “2+2” lần đầu tiên với hai người đồng cấp Philippines tại Tokyo.

Tại sự kiện này, hai bên nhất trí mở rộng quan hệ quốc phòng, đáng chý ý là ký kết Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA). Là đồng minh truyền thống của Mỹ, Philippines phần lớn ủng hộ quan điểm của Nhật Bản và phương Tây về cuộc xung đột tại Ukraine và về sự leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng ở mức độ thấp hơn.

Tập hợp tiếng nói về một số vấn đề nóng

Trong các điểm đến lần này, ông Kishida đã hướng vào một số quốc gia còn giữ trung lập về vấn đề Ukraine và hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Đáng chú ý, Indonesia hiện là chủ tịch G20 trong khi Thái Lan hiện là chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Nga có chỗ đứng ở cả hai diễn đàn này.

img

Thủ tướng Nhật Bản cùng Tổng thống Indonesia Joko Widodo duyệt đội danh dự trong chuyến tới thăm Indonesia

Ngày 29/4, ông Kishida đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo để thảo luận không chỉ về quan hệ song phương mà còn về các vấn đề chiến lược rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong cuộc gặp này, cả hai bên đã xác nhận cam kết với một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP) và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Tương tự như Philippines, Indonesia cũng có các cuộc đàm phán “2 + 2” với Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ quốc phòng song phương đang bùng nổ.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia, ông Kishida cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả tình hình ở Ukraine, biển Đông, biển Hoa Đông và Triều Tiên, cũng như việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do và cởi mở”.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Indonesia vẫn giữ nguyên tư cách tham dự của Nga và đồng thời đã quyết định mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp.

Do đó, thượng đỉnh G20 ở Indonesia có thể đóng vai trò là một địa điểm tiềm năng cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.

Đối với Việt Nam, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về cung cấp hỗ trợ nhân đạo cũng như kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.

Trong chuyến đi tới Bangkok, điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư của Nhật Bản, ông Kishida đã gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Hai bên nhất trí phối hợp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mặc dù là đồng minh hiệp ước của Mỹ, Thái Lan nhìn chung có lập trường thân thiện với Trung Quốc. Vì vậy, việc thuyết phục Thái Lan có hành động cứng rắn với Trung Quốc là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Nhật Bản.

Trong chuyến thăm của mình, ông Kishida đã công bố gói hỗ trợ 385 triệu USD cho Thái Lan để đối phó với đại dịch Covid-19, đồng thời hai bên cũng hoàn tất một thỏa thuận quốc phòng mới mang tính đột phá.

“Việc ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng của chúng tôi là một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hợp tác quốc phòng song phương,” ông Kishida nói trong cuộc họp báo chung với ông Prayut sau khi ký kết Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA) mới giữa Nhật Bản và Thái Lan.

Nhà lãnh đạo Thái Lan cũng hoan nghênh thỏa thuận quốc phòng mới là một yếu tố quan trọng trong việc “thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào ngành công nghiệp quốc phòng Thái Lan”, đồng thời tuyên bố rằng Thái Lan cũng nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.

Từ các hoạt động và phát ngôn của ông Kishida trong chuyến công du Đông Nam Á, có thể thấy rằng, lãnh đạo Nhật Bản vừa đưa ra những thỏa thuận đầu tư và quốc phòng để củng cố, mở rộng các mối quan hệ chiến lược với các quốc gia trong khu vực vừa khuyến khích Indonesia, Thái Lan cùng Việt Nam có lập trường gần hơn với Nhật Bản trong vấn đề Ukraine và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.