Quản lý

Chính thức bỏ thu phí đường bộ với xe mô tô từ 5/6

22/04/2016, 07:26

Một số tỉnh, thành phố chậm thực hiện hoặc dừng thu phí dẫn đến sự không công bằng và tạo dư luận không tốt.

9

Chính thức bỏ thu phí đường bộ với xe mô tô từ 5/6 - Ảnh minh họa

Đây là nội dung tại Nghị định 28/2016 sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2014 và Nghị định số 18/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 20/4.Theo Nghị định 28/2016, Chính phủ quyết định bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (xe mô tô) từ ngày 5/6/2016 (ngày Nghị định 28 có hiệu lực).

Cũng theo nghị định này, phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (xe ô tô). Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với xe ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.

Trước đó, cho rằng việc thu phí đường bộ đối với xe máy đúng với quy định của Luật GTĐB, Pháp lệnh Phí, lệ phí, song theo Bộ GTVT, quá trình triển khai, cách thức thực hiện gặp nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến việc thu phí sử dụng đường bộ xe máy đạt hiệu quả thấp, gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, việc thu phí phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân trong khi công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế; Việc triển khai công tác thu phí tại địa phương chưa thực sự tích cực, đồng bộ, thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe máy, đến tổ chức thu phí, chưa có giải pháp triệt để khắc phục tình trạng không nộp phí; Chế tài xử phạt các trường hợp không kê khai, nộp phí chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực phí, lệ phí do các cơ quan thuế, thanh tra chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện, không phải do cơ quan công an; Một số tỉnh, thành phố chậm thực hiện hoặc dừng thu phí dẫn đến sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.