Chính trị

Chính thức miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

30/03/2016, 17:06

Chiều 30/3, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Sinh Hùng.

nguyen_sinh_hung 1
Chiều 30/3, Quốc hội chính thức miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội với ông Nguyễn Sinh Hùng

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau đó, các ĐBQH thảo luận ở Đoàn để trao đổi về đề nghị này.

Bước sang phiên làm việc buổi chiều, các ĐB nghe Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu.

Sau khi thảo luận tại Đoàn, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu gồm 25 thành viên do ông Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) làm Trưởng ban. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí cho biết, tổng số ĐBQH là 494 người, có mặt 477. Chiều 30/3 đã phát ra 477 phiếu, thu về đủ 477 phiếu, trong đó số phiếu hợp lệ là 473, số phiếu không hợp lệ là 4.

Kết quả kiểm phiếu có 473 ĐB bỏ phiếu tán thành (chiếm 87,25% trên tổng số ĐBQH) miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Sinh Hùng.

Cạnh đó, 430/471 phiếu hợp lệ tán thành miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia của ông Nguyễn Sinh Hùng.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia  với 455/463 người tán thành (chiếm 92,11%).

Căn cứ theo quy định, Quốc hội chính thức miễn nhiệm hai chức danh trên với ông Nguyễn Sinh Hùng.

Ông Nguyễn Sinh Hùng sinh năm 1946, quê quán Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An, là Uỷ viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII

Ngày 23/7/2011, ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (2011-2016) với tỷ lệ 91,4% phiếu bầu (457/497 đại biểu đồng ý).

Trước khi làm Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng từng giữ các trọng trách như Phó thủ tướng thường trực, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Kho bạc Nhà nước. 

Nguyen-Thi-Kim-Ngan
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân được giới thiệu vào vị trí Chủ tịch Quốc hội

Sau khi miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Người được giới thiệu là bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội.

>>>Ông Nguyễn Sinh Hùng nói về người kế nhiệm "hậu sinh khả úy"

Kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội vào sáng 31/3 trước khi Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Tiếp đó, Quốc hội bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Sau khi được bầu, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Bà Ngân quê ở Bến Tre, sinh năm 1954, đã từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bà Ngân là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá IX đến khoá XII. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, bà được bầu là Phó chủ tịch Quốc hội.

Tại hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục trúng cử Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.